Gỗ lũa là mặt hàng gia dụng được làm từ thân hoặc gốc gỗ lớn, người thợ bằng bàn tay điêu luyện và óc tưởng tượng của mình, khắc lên sản phẩm những con vật hoặc hoa văn, hình ảnh. Đây là nghề truyền thống ở các tỉnh phía Bắc, còn Phú Yên thì mới phát triển thời gian gần đây nhưng được đánh giá là có lực lượng thợ lành nghề, trí tưởng tượng độc đáo và sản phẩm được thị trường ưa chuộng.
“Trường phái” gỗ lũa Phú Yên hiện đang rất được ưa chuộng trên thị trường cả nước – Ảnh: C.THANH
Theo những người trong nghề, nghề làm gỗ lũa bắt đầu xuất hiện ở Phú Yên, kể từ khi Công ty lâm đặc sản ký kết làm ăn với các đối tác Đài Loan và được các doanh nhân đảo quốc này giúp đào tạo nghề cho thợ. Tuy tiếp xúc với nghề muộn, nhưng vì gỗ lũa xuất khẩu sang Đài Loan có yêu cầu rất khắt khe nên thợ Phú Yên đã có tay nghề vững chỉ sau một thời gian ngắn làm nghề.
Nhiều người dân Phú Yên đã chơi mặt hàng gia dụng “sành điệu” này từ nhiều năm qua, nhưng cũng rất nhỏ lẻ, không chiếm số đông nên vẫn chưa tạo được một trào lưu phát triển cho nghề này. Năm 2002, ông Nguyễn Thái Sơn ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, một người kinh doanh gỗ bắt đầu chú tâm vào trào lưu gỗ lũa. Ông quy tụ những người thợ ở quê thành một nhóm người chuyên chế tác gỗ lũa. Các mẫu mã của thời làm ăn Đài Loan không còn phù hợp nữa, nhưng sẵn vốn tay nghề, họ sáng tạo, tìm tòi hướng đi mới.
Ông Sơn cho biết: Ban đầu phải tìm tòi khai thác, sau này người dân trong vùng biết mình làm nghề này nên hễ có khai thác cây gỗ gì thì lấy gốc mang đến bán. Độc đáo và nhiều nhất vẫn là gốc xoan. Xoan là cây chịu hạn, mọc ở khắp nơi. Người dân Phú Yên lâu nay xem xoan là một loại gỗ chỉ sử dụng vào những việc đơn giản như làm nọc rơm, củi đốt… mà không biết rằng gỗ loại cây này có thể làm ra nhiều mặt hàng gia dụng, mỹ nghệ đẹp mắt mà không bao giờ bị mối, mọt.
Đam mê và nhiệt tình, ông Sơn cùng nhóm thợ của mình đã tìm ra hướng đi thích hợp. Xưởng chế tác của doanh nghiệp Sơn Phước nằm ở Km5 QLIA thường xuyên đón khách từ các tỉnh khác tới. Riêng năm 2005, doanh thu của đơn vị này từ gỗ lũa là 250 triệu. Hiện tại, số thợ, nhân công chế tác gỗ lũa của Sơn Phước lên hơn 100 người, mức lương bình quân đạt trên 1 triệu đồng/người/tháng, nhiều thợ lành nghề có mức lương 2,5 triệu đồng/tháng.
Các mặt hàng mà Sơn Phước làm ra khá đa dạng như thú vật, bàn ghế, đồ trang trí, khay, ly tách, đại bình, ghế nằm, bình phong… Theo những thợ lành nghề: Dựa vào thế của từng gốc cây, ông chủ và họ tưởng tượng ra dáng vẻ của con vật hoặc hoa văn sẽ thể hiện trên đó. Sự tác động của người thợ cốt lõi làm sao để mặt hàng có công dụng cụ thể và rõ ràng trong cuộc sống nhưng không làm mất vẻ tự nhiên của gốc, rễ cây; tạo cảm giác gốc, rễ cây đó vẫn còn nguyên sơ… Những loại cây như muồng đen rất thích hợp để tạo nên những tác phẩm có hình thù những con thú. Nhằm tránh trường hợp phá rừng, Sơn Phước tìm mua tại những đồn điền cao su mà trước đây, người Pháp trồng muồng xung quanh đồn điền ngăn gió, bây giờ được cho phép khai thác để trồng những loại cây mới.
Để có được nguồn nguyên liệu dồi dào, Sơn Phước đã hỗ trợ về giống và kinh phí ở vùng Tây Nguyên để bà con trồng xoan. Ông Sơn cho biết: Xoan có thể trồng được bất cứ đâu, từ vùng cát biển đến núi đá, đất bùn, sình lầy… nhưng hiệu quả kinh tế gấp 20 lần trồng bạch đàn, keo…
Một “trường phái” gỗ lũa Sơn Phước đang được hình thành và dần khẳng định tên tuổi trên thương trường. Và với khả năng học hỏi nhanh, tay nghề vững của thợ, người ta đang nghĩ đến việc thành lập làng nghề gỗ lũa Phú Yên. Tất nhiên, để điều đó thành hiện thực cần phải có sự hỗ trợ nhiều mặt của các ngành hữu quan.
CANG THANH