Thứ Tư, 27/11/2024 17:47 CH
Bảo vệ sò huyết Ô Loan
Thứ Ba, 15/03/2011 10:00 SA

Từ năm 2005, sản lượng sò huyết đánh bắt được ở đầm Ô Loan ngày càng giảm, có thời điểm không thấy loài nhuyễn thể này xuất hiện, tưởng chừng như tuyệt chủng. Đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi sò huyết ở đầm Ô Loan” được triển khai thực hiện, và đến nay sò huyết đầm Ô Loan dần xuất hiện trở lại.

 

So-1110315.jpg

Người dân thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông (Tuy An) đang mò bắt sò huyết ở đầm Ô - Ảnh: A.NGỌC

 

Đầm Ô Loan (huyện Tuy An) có diện tích tự nhiên khoảng 1.570ha. Từ lâu nguồn lợi thủy sản trong đầm là nguồn mưu sinh lớn của người dân ở 8 thôn thuộc 5 xã sống ven đầm. Theo Trung tâm Nghiên cứu, quản lý và phát triển vùng duyên hải (Đại học Huế), qua các đợt khảo sát đã xác định đầm Ô Loan có 159 loài cá, trong đó có 28 loài mang lại giá trị kinh tế và sản lượng khai thác khá cao, 5 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.

 

Đối với nghề khai thác sò huyết đầm Ô Loan, trong 8 thôn sống ven đầm chỉ duy nhất người dân ở thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông có truyền thống khai thác đối tượng này. Hiện nay sò huyết Ô Loan đang hồi sinh trở lại, nhưng mỗi ngày (nước đầm không quá lạnh) có không dưới 100 người sử dụng xuồng máy đến những khu vực có sò và “dàn quân” để mò. Tuy nhiên, họ khai thác không mang tính chọn lựa mà khai thác theo kiểu tận thu. Việc khai thác theo kiểu tận thu như thế có thể dẫn đến khả năng tuyệt chủng sò huyết Ô Loan. Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, hiện nay trung bình mỗi ngày người dân khai thác khoảng 300-500kg sò huyết ở đầm Ô Loan.

 

Mới đây, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề Giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã nêu lên thực trạng, khó khăn, tồn tại và những biện pháp bảo vệ, phát triển bền vững không chỉ sò huyết mà tất cả các loài thủy sản ở đầm Ô Loan.

 

So-2110315.jpg

Mua bán sò huyết ở đầm Ô Loan - Ảnh: A.NGỌC

 

Theo Quyết định 889 ngày 13/9/2005 của UBND huyện Tuy An về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan, UBND huyện đã phân cấp và nâng cao trách nhiệm quản lý cho các xã. Đồng thời, trong quyết định còn nêu rõ đây là vùng được quy hoạch nhằm bảo vệ một số đối tượng thủy sản trong thời kỳ chúng còn nhỏ hoặc trong mùa vụ sinh sản. Tại những vùng này nghiêm cấm mọi hành vi khai thác hoặc chỉ được khai thác có chọn lọc ở một thời gian nhất định trong năm. Còn theo Thông tư 02 ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản thì kích thước sò huyết được phép khai thác là 25mm trở lên. Nghị định 31 ngày 29/3/2010 của Chính phủ cũng nêu rõ vi phạm quy định về bảo vệ các loài thủy sản và vi phạm quy định về khai thác thủy sản sẽ bị phạt từ 500.000 đồng trở lên và kèm theo các hình thức phạt bổ sung khác… Tuy nhiên đến nay địa phương vẫn chưa thực hiện được những quy định này. Ông Ngô Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, cho biết: “Hiện nay cửa biển Tân Quy thông thoáng, chất lượng nước trong đầm rất tốt nên nhiều loài thủy sản sinh sôi và phát triển. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư xây dựng dứt điểm cầu An Hải và chỉnh trị cửa biển Tân Quy để tạo dòng chảy thông thoáng giữa đầm với biển. Hiện nay vấn đề rác từ khu dân cư và chất thải nuôi trồng thủy sản đang làm môi trường đầm Ô Loan ô nhiễm nặng. Huyện Tuy An phải chỉ đạo các xã cùng phối hợp đồng bộ, tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ môi trường, nhưng cũng phải có biện pháp chế tài để xử lý việc vứt rác và xả thải ra môi trường. Chính quyền xã sẽ khuyến cáo người dân trong việc khai thác hợp lý, vừa khai thác vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhưng đề nghị UBND tỉnh và huyện sớm ban hành những văn bản, hướng dẫn cụ thể về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Ô Loan để xã có căn cứ thực hiện”.

 

Ông Trần Sáu, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An, kiến nghị: “Việc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi sò huyết ở đầm Ô Loan” bước đầu cho kết quả khả quan, tuy nhiên cần hoàn chỉnh quy trình và kỹ thuật nuôi sò huyết ở đầm Ô Loan để chuyển giao lại cho địa phương. Các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người dân đầu tư nuôi sò huyết. Huyện cần quy hoạch cụ thể những khu vực bảo tồn sò huyết ở trong đầm, đồng thời cấm hoặc hạn chế khai thác những khu vực này sau đó chuyển giao lại cho địa phương quản lý theo ngư trường. Các xã ven đầm nên thực hiện việc quản lý nguồn lợi sò huyết theo địa giới hành chính, không để tình trạng người dân xã này đến ngư trường của xã khác khai thác”.

 

NGỌC CHUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek