Thứ Bảy, 30/11/2024 05:42 SA
Những bất cập trong quản lý khai thác, chế biến diatomite
Thứ Năm, 24/11/2005 14:56 CH

Nhiều năm nay tình hình khai thác trái phép chế biến quặng diatomite trên địa bàn huyện Tuy An luôn diễn biến phức tạp. Phải chăng chính quyền các cấp  và ngành chức năng thiếu kiểm tra và xử lý nghiêm minh ?

 

TỪ KHÔNG QUẢN LÝ ĐƯỢC KHÂU KHAI THÁC

 

Phú Yên có quặng diatomite thuộc loại lớn nhất nước với trữ lượng khoảng 90 triệu m3 nằm tập trung ở các xã miền núi An Xuân, An Lĩnh, An Thọ (Tuy An). Tại xã An Xuân, Công ty Phát triển Khoáng sản 5 (Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam) được cấp phép khai thác mỏ Hoà Lộc trên diện tích 66 ha. Tuy nhiên, Công ty chỉ mới khoanh vùng khai thác giai đoạn 1 trên diện tích hơn 4,87 ha. Diện tích còn lại, do công ty chưa thực hiện đền bù quyền sử dụng đất cho dân nên không quản lý được và các hộ dân vẫn sản xuất bình thường. Từ năm 2001, khi diatomite được chế biến dùng làm chất xử lý môi trường nuôi tôm và thuốc thú y thuỷ sản với nhu cầu lớn, cũng là lúc nạn khai thác trái phép diatomite bắt đầu diễn ra ồ ạt. Quặng diatomite mà người dân địa phương quen gọi là “đất bồi” hầu như nằm lộ thiên, cứ đào bỏ lớp đất mặt chừng 1m thì gặp.

 

Quặng diatomite được phơi khắp đồi núi ở An Xuân - Ảnh: Nguyên Trường

 

Khu vực chung quanh mỏ Hoà Lộc, người dân đào lấy quặng tạo nên những hầm hố nham nhở khắp nơi, có nơi thành những hố sâu thẳng đứng 7- 8m làm biến dạng địa hình và tác động xấu đến môi trường sinh thái. Diatomite đào lên được băm nhỏ phơi ngay bên cạnh. Khi vừa khô, chuyển sang màu trắng sữa được dồn vào bao, loại bao đựng thức ăn gia súc, đưa về cất giấu trong nhà chờ người đến mua, hoặc bán trao tay ngay tại chỗ. Gần đây, một số hộ dân trong xã còn đặt máy nghiền quặng thành dạng bột, làm tung bụi mù mịt ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Những lúc diatomite được tiêu thụ mạnh, thì chung quanh khu vực mỏ Hoà Lộc có hàng trăm người tham gia đào bới bừa bãi không kể ngày đêm. Không chỉ dân trong xã mà còn có dân nhiều nơi khác kéo đến. Đã vậy, họ còn lén lút cắt gỡ hàng rào lưới B40 bảo vệ, để vào bên trong mỏ lấy cắp quặng của công ty khai thác. Một cán bộ phụ trách mỏ Hoà Lộc cho biết: “Lượng quặng do người dân khai thác trái phép gấp cả chục lần so với công ty. Mỗi ngày như vậy, họ lấy đi không dưới 40 tấn diatomite”.

 

Trước tình trạng khai thác trái phép quặng diatomite ngày càng phức tạp, UBND huyện Tuy An và Công ty Phát triển khoáng sản 5 đã nhiều lần tổ chức lực lượng phối hợp truy bắt, xử lý tịch thu quặng khai thác, vận chuyển trái phép nhưng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.

 

...ĐẾN CHẾ BIẾN TRÁI PHÉP Ồ ẠT

 

Ngoài nạn khai thác trái phép, gần đây trên địa bàn Phú Yên cũng xuất hiện nhiều cơ sở chế biến thuốc thuỷ sản thú y từ quặng diatomite. Hiện toàn tỉnh có trên 40 cơ sở chế biến, sản xuất các mặt hàng này, tập trung nhiều nhất ở huyện Tuy An với gần 20 cơ sở, trong đó có không ít cơ sở hoạt động trái phép, không những tiếp tay cho nạn khai thác trái phép mà còn lấn chiếm đất đai sử dụng sai mục đích và gây tác động tiêu cực đến môi trường.

 

Kết quả thanh tra của Sở Tài nguyên Môi trường mới đây cho thấy công tác quản lý của chính quyền địa phương và các ngành chức năng còn nhiều bất cập trong lĩnh vực này. Khi qua kiểm tra10 cơ sở đang hoạt động trên địa bàn huyện Tuy An thì có 2 cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký sản xuất thuốc thú y thuỷ sản, 6 cơ sở không đăng ký lập dự án đánh giá tác động môi trường, chưa được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường và 6 cơ sở chiếm dụng đất hoặc sử dụng đất sai mục đích.

 

Chẳng hạn, cơ sở chế biến diatomite của ông Trần Văn Mẫn (thôn Phú Tân xã An Cư) hoạt động từ năm 2003 nhưng không hề thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật như giấy phép chế biến khoáng sản, giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Cơ sở này được xây dựng trên diện tích gần 1ha thuộc đất lâm nghiệp do xã quản lý. Khi đoàn thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đến kiểm tra thì cơ sở của ông Mẫn ngừng hoạt động nhưng vẫn còn 23,5 tấn diatomite không hoá đơn không rõ nguồn gốc. Từ khi hoạt động đến nay, ông Mẫn chưa hề thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Còn tại cơ sở của ông Nguyễn Hữu Việt nằm cạnh cơ sở của ông Mẫn đi vào hoạt động từ tháng 4/2005 nhưng cũng không có bất cứ một giấy phép nào và còn sử dụng 900 m2 đất nông nghiệp của ông Trần Sa làm cơ sở sản xuất. Khi kiểm tra còn phát hiện toàn bộ 50 tấn diatomite mà ông Việt mua để chế biến đều không rõ nguồn gốc, không có hoá đơn. Còn doanh nghiệp tư nhân Thái Dương (Chí Đức- thị trấn Chí Thạnh) thuê 5.280 m2 nhà kho và sân phơi lúa của HTX nông nghiệp Chí Thạnh để làm cơ sở sản xuất thuốc thú y thuỷ sản. Cơ sở này hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 4-2004 nhưng đến nay mới đăng ký lập dự án đánh giá tác động môi trường. Trong số 65 tấn diatomite mà doanh nghiệp Thái Dương đưa vào chế biến trong thời gian gần đây có đến 12 tấn mua trôi nổi trên thị trường.

 

Từ sai phạm có tính điển hình của các cơ sở trên cho thấy việc quản lý khai thác và chế biến quạng diatomite của các cấp chính quyền và ngành chức năng huyện Tuy An còn nhiều lỏng lẻo. Cá biệt có chính quyền cấp xã còn tạo điều kiện cho tư nhân xây dựng cơ sở bằng cách cho thuê đất nông nghiệp, mặc dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp. Đó là trường hợp của UBND xã An Thạch cho cơ sở Ngọc Phong thuê 587 m2 đất nông nghiệp. Hay như trường hợp xã An Cư để ông Mẫn chiếm gần 1 ha đất lâm nghiệp lập cơ sở chế biến diatomite trái phép từ năm 2003 nhưng đến giữa tháng 6-2005 mới có văn bản báo cáo cấp trên. Theo “gương” chính quyền xã, nhiều HTX nông nghiệp cũng đem sân phơi, nhà kho cho tư nhân thuê làm cơ sở chế biến diatomite dù biết đây là công trình sử dụng vào mục đích phục vụ cho xã viên thu hoạch lúa. Tính ra diện tích đất dùng làm các cơ sở chế biến diatomiê sử dụng sai mục đích lên trên 25.400 m2, bao gồm 11.765 m2 từ đất nông nghiệp, lâm nghiệp và 13.640m2 nhà kho sân phơi do các HTX, cơ quan cho thuê. Quản lý nhà nước về lĩnh vực này của chính quyền các cấp còn nhiều mặt yếu kém thể hiện ở chỗ thiếu kiểm tra ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời những sai phạm để các cơ sở này ngang nhiên hoạt động mà không bảo đảm các điều kiện theo pháp luật quy định, không làm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.

 

ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP ?

 

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là lâu nay các cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở chế biến vi phạm pháp luật. Do đó, đối với cơ sở chưa cấp phép đăng ký kinh doanh hoặc chưa có phiếu xác nhận đạt tiêu chuẩn môi trường thì bên cạnh xử phạt hành chính theo Nghị định 150/2004/NĐ-CP và Nghị định 121/2004/NĐ-CP, đồng thời buộc phải đình chỉ hoạt động và chỉ cho phép hoạt động trở lại khi đủ các điều kiện theo pháp luật quy định. Đối với số lượng diatomite mà các cơ sở mua không rõ nguồn gốc cần phải được xử lý tịch thu và phạt hành chính theo khoản 2, điều 12 của Nghị định 121/2004/NĐ-CP. Đối với diện tích mà các đơn vị, cơ quan cho thuê cần phải được thu hồi sử dụng đúng mục đích, và diện tích của các cơ sở lấn chiếm sử dụng sai mục đích tuỳ trường hợp cụ thể mà thu hồi hoặc cho phép chủ cơ sở chuyển mục đích sử dụng.

 

Riêng đối với Công ty Phát triển Khoáng sản 5, có thể nói đơn vị này đã chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình khi được Nhà nước giao quyền quản lý khai thác mỏ diatomite Hoà Lộc. Trong số hơn 66 ha đất được Nhà nước giao, còn gần 61,2 ha công ty không quản lý được do chưa thực hiện đền bù cho dân. Đây là kẽ hở để người dân khai thác quặng bừa bãi và gây mất trật tự ở khu vực này. Qua hơn 5 năm hoạt động cho thấy Công ty Phát triển Khoáng sản 5 không có khả năng quản lý và khai thác hết diện tích, do vậy nên xem xét thu hồi và giao lại cho các đơn vị khác có nhu cầu để quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia này. Chính quyền xã An Xuân, nơi có mỏ diatomite cũng cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc giáo dục nhân dân không tham gia khai thác quặng trái phép, cần thiết đề nghị UBND huyện xử phạt hành chính đối với những hộ cố tình vi phạm.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek