Thứ Hai, 07/10/2024 03:24 SA
Gắn du lịch sinh thái rừng núi với văn hóa đồng bào bản địa
Chủ Nhật, 16/01/2011 14:30 CH

Ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân có nhiều điểm để du khách có thể trải nghiệm, khám phá thiên nhiên cùng nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Tuy nhiên, cũng như du lịch biển, đảo, loại hình du lịch sinh thái rừng núi ở ba địa phương này vẫn còn ở dạng tiềm năng.

 

thac-draitang110116.jpg

Thác Draitang (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) - một trong những điểm phát triển du lịch sinh thái rừng núi - Ảnh: T.QUỚI

 

TIỀM NĂNG CHỜ ĐÁNH THỨC

 

Phú Yên có 2 nơi được xếp vào danh mục các khu bảo tồn thiên nhiên là rừng cấm Krông Trai (huyện Sơn Hòa) và đèo Cả (huyện Đông Hòa). Đây được xem là hệ sinh thái rừng đặc trưng của Phú Yên. Ngoài ra, Phú Yên còn có hệ sinh thái sông, suối, hồ rất phong phú như: sông Ba, sông Hinh, sông Kỳ Lộ; các nguồn nước khoáng nóng: Phú Sen, Triêm Đức, Trà Ô, Lạc Sanh…

 

Huyện miền núi Sông Hinh là nơi có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Các xã Ea ly, Sông Hinh, Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Sơn Giang, Ea Bia, Ea Trol, Ea Bá, Ea Lâm... có nhiều cảnh đẹp thơ mộng dọc sông Ba và nhiều nhánh sông, dòng suối; có hồ Trung tâm ở thị trấn Hai Riêng, thác Draitang (Ea Trol), bàu Hà Lầm (Ea Lâm), hồ Tân Lập, hồ Cảnh Tây, hồ Eađin (Ea Bar), thác H’Ly (xã Sông Hinh)... Hệ sinh thái rừng ở đây còn khá nguyên sơ. Bên cạnh đó, Sông Hinh là địa phương có 3 lòng hồ thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’Năng cũng tạo cảnh quan thơ mộng cho du lịch sinh thái.

 

Hai huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân cũng có nhiều sông, suối, đá, các ghềnh thác nhỏ và nhiều vực tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ. Ở Sơn Hòa có khu du lịch sinh thái Sơn Nguyên với thác Hòa Nguyên ở độ cao 30 mét tạo nên dòng nước trắng xóa đổ xuống, tung bọt nước như sương buổi sớm tỏa mờ cả một vùng. Dọc hai bên thác là rừng cây cổ thụ rợp bóng mát - nơi có nhiều loài sinh vật quý hiếm; có con sông Thá nằm ở phía tây huyện Sơn Hòa, bắt nguồn ở độ cao 300m, dài 25 km; có cao nguyên Vân Hòa với khí hậu mát mẻ, trong lành nên rất thuận lợi cho những chuyến du lịch ngoài trời.

 

Huyện Đồng Xuân khá nổi tiếng với suối nước nóng Triêm Đức thuộc thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2. Bên bãi cát trắng của dòng sông Kỳ Lộ, có một khối đá to, từ trong khe đá, một dòng nước nóng khoảng 70oC theo một rãnh nhỏ chảy ra ngoài. Lúc trời dịu mát, hơi nước bốc lên có thể nhìn thấy được. Du khách có thể luộc chín trứng gà ở suối nước nóng này. Theo người dân địa phương, bùn và nước ở dòng suối có thể chữa được một số bệnh. Một địa danh du lịch sinh thái khác ở huyện Đồng Xuân là khu Đá Bàn - suối Mơ thuộc xã Đa Lộc và Xuân Lãnh. Những ngày lễ, tết, nơi đây đông đảo du khách các địa phương trong tỉnh đến tham quan, du lịch.

 

Đồng bào vùng này canh tác theo mô hình trang trại, trồng các loại cây lâu năm kết hợp nuôi thú như nai, nhím, heo rừng... rất phù hợp với du lịch trải nghiệm cuộc sống, vui chơi giải trí và thưởng thức các món ăn truyền thống của địa phương.

 

DU LỊCH GẮN VỚI VĂN HÓA ĐỒNG BÀO BẢN ĐỊA

 

Du lịch sinh thái rừng núi là loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm thực tế cuộc sống với thiên nhiên hoang dã và tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa. Cả hai điều này Phú Yên đã có đủ. Cộng đồng các dân tộc ở miền núi Phú Yên đã tạo nên nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị. Các lễ hội truyền thống, các loại nhạc cụ độc đáo, các làn điệu dân ca, các vũ điệu dân ca đặc sắc là tiềm năng to lớn, là cơ sở cho phát triển du lịch sinh thái rừng núi gắn với văn hóa bản địa.

 

Ở 3 huyện miền núi Phú Yên có hơn 30 dân tộc anh em chung sống. Trong đó, 3 dân tộc cư trú lâu đời là người Ê Đê, Chăm H’roi và Ba Na. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng (văn hóa vật thể và phi vật thể) tạo nên sự phong phú, độc đáo, đa dạng. Trong đó, tiêu biểu là văn hóa cồng chiêng nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại. Các lễ hội thường được tổ chức ở các buôn làng là lễ bỏ mả, lễ cầu mưa, lễ mừng sức khỏe, cúng làng cuối năm, lễ mừng nhà mới, lễ đâm trâu…

Theo thạc sĩ Lê Thế Vịnh, Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch), di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên khá phong phú, đặc sắc. Phát triển du lịch sinh thái rừng núi cần gắn với phát huy các giá trị văn hóa bản địa này để tạo sự hấp dẫn lâu dài, bền vững…

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek