Thứ Tư, 09/10/2024 11:35 SA
Hướng mở cho tiềm năng du lịch Sông Hinh
Chủ Nhật, 24/10/2010 07:30 SA

Các nhà nghiên cứu, quản lý du lịch khẳng định Sông Hinh có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng, phù hợp với loại hình du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa.

 

Sông Hinh là cửa ngõ phía Tây nối các tỉnh Tây Nguyên, là vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời với nhiều phong tục, nét văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em. Ngoài ra, địa phương này còn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sông suối, thác vực, rừng. Đây là những tiềm năng và thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp không khói.

 

shinh101024.jpg

Thác Drai Tang (xã Ea Trol) một cảnh quan tự nhiên thu hút đông đảo du khách tham quan. - Ảnh: P.V.H

 

TIỀM NĂNG DU LỊCH SINH THÁI

 

Có thể kể đến cảnh quan thiên nhiên phù hợp với loại hình du lịch sinh thái như Hồ trung tâm thị trấn Hai Riêng. Hồ này được xem là lá phổi của thị trấn, có phong cảnh hữu tình, mặt nước lặng sóng. Ven hồ có đường vành đai dạo bộ, là một địa điểm du lịch lý thú với nhiều hoạt động vui chơi giải trí của người dân Sông Hinh. Thác H’ly ở buôn Kít (xã Sông Hinh), có nhiều ghềnh thác cao với độ sâu khoảng 20m, suối rộng, có thể xây dựng thành khu vui chơi giải trí, tham quan thắng cảnh đẹp của thiên nhiên. Cầu suối Gỗ ở hạ nguồn sông Ea Bar (xã Ea Bar), cách ĐT645 khoảng 1km. Suối có nhiều tảng đá lớn tạo nhiều ghềnh thác, hai bờ suối là rừng cây với nhiều phong cảnh đẹp. Sông Nhau (xã Sơn Giang) cách ĐT645 khoảng 1km, với thượng nguồn là hồ thủy điện Sông Hinh, hạ nguồn đổ ra sông Ba, suối rộng có ghềnh đá và trải dài, nước chảy quanh năm; hai bên suối mọc nhiều loại hoa dại và được bao bọc bởi núi rừng hùng vĩ. Ngoài ra, trên địa bàn còn có các suối với phong cảnh tự nhiên đẹp, có thể khai thác phát triển du lịch như thác Ma Re (xã Đức Bình Tây), thác Drai Tang, thác Eachơ Hùng (Ea Trol)…

 

Bên cạnh những “điểm đến” thiên nhiên, Sông Hinh còn có loại hình tài nguyên du lịch thiên nhiên kết hợp con người. Đó là, lòng hồ thủy điện Sông Hinh, rộng 41km2; lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ với diện tích mặt hồ trên 60km2; lòng hồ thủy điện Krông-Hnăng với diện tích mặt hồ 13km2, quanh hồ là những cánh rừng nguyên sinh xanh bạt ngàn, nhiều loại cá nước ngọt sinh sống, trong đó có nhiều loại đặc sản như: cá mã, cá cảnh, cá lăng, cá thác lác… Du khách đến đây tham quan hệ thống đập ngăn nước đồ sộ và nhà máy phát điện, vừa đi thuyền trên lòng hồ ngắm cảnh, vừa thưởng thức các món ăn đặc sản, hoặc đến thăm các buôn làng ở quanh khu vực hồ.

 

VĂN HÓA ĐA DẠNG, ĐỘC ĐÁO

 

Huyện Sông Hinh có 17 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên đời sống văn hóa hết sức phong phú, độc đáo, đặc biệt là di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà tiêu biểu là văn hóa cồng chiêng nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.

 

Qua khảo sát, sưu tầm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn, hiện Sông Hinh còn khá phong phú. Đó là, hệ thống cồng chiêng, chóe, các làn điệu dân ca, sử thi, lễ hội, các loại nhạc cụ, các trang phục của đồng bào các dân tộc…

 

cong-chieng101024.jpg

Biểu diễn cồng chiêng tại huyện Sông Hinh - Ảnh: D.T.X

 

Về di sản văn hóa vật thể hiện còn gần 600 bộ cồng chiêng các loại, 11 bộ aráp, 1 đàn tính của người Tày, 1 cái đàn đinh klút của người Ê Đê, 1 cái tù và của người Dao… Di sản văn hóa phi vật thể, Sông Hinh còn gần 100 sử thi, nhiều nhất là của người Ê Đê và trên 30 nghệ nhân hát sử thi. Sử thi Sông Hinh không chỉ nhiều về số lượng, phong phú về chủ đề sáng tạo, mà chất lượng nhiều bản sử thi có giá trị về văn hóa, lịch sử, được các nhà khoa học đánh giá cao như Đam San, Xinh Nhã, Khinh Dú, Am H’Wứ… Thạc sĩ Lê Thế Vịnh, Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên) cho biết: Căn cứ vào kho tàng văn hóa này, các nhà nghiên cứu từng đưa ra nhận định Sông Hinh là quê hương của sử thi. Đồng thời, Sông Hinh cũng được xem là vùng đất của lễ hội, với hệ thống lễ hội các đồng bào dân tộc anh em phong phú, độc đáo”.

Với những tiềm năng và thế mạnh hiện có, Sông Hinh hoàn toàn có cơ sở để đầu tư phát triển du lịch. Theo quy hoạch phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2020, Sông Hinh là trung tâm của không gian du lịch miền núi phía tây nam, cùng các vùng phụ cận thuộc các huyện Sơn Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa. Ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên) phân tích: Không gian du lịch này được định hướng như sau: Trung tâm du lịch chính là thị trấn Hai Riêng gắn với hồ thủy điện Sông Hinh, các khu tiểu vùng là khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai gắn với hồ thủy điện Sông Ba Hạ, suối nước nóng Lạc Sanh và Vực Phun. Đây là vùng có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn khá phong phú; nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, vùng căn cứ cách mạng, vùng có nhiều di tích lịch sử văn hóa, phong cảnh đẹp, núi non hùng vĩ, hoang sơ, nhiều lễ hội mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc…

 

Hướng khai thác và sản phẩm du lịch chủ yếu của Sông Hinh sẽ là du lịch sinh thái rừng và văn hóa bản địa. Hình thành một số buôn làng văn hóa du lịch của đồng bào các dân tộc thu hút khách du lịch. Ngoài tài nguyên sẵn có, với vị trí của mình, Sông Hinh có mối liên hệ vùng khá tốt với các điểm có tiềm năng du lịch, tạo nên những tour du lịch liên hoàn hấp dẫn.

 

THẾ NHƠN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đồng Xuân: Hiệu quả từ vốn vay ưu đãi
Thứ Bảy, 23/10/2010 18:30 CH
Trợ giúp để cùng nhau phát triển
Thứ Bảy, 23/10/2010 14:31 CH
Xây dựng 43 trạm BTS
Thứ Bảy, 23/10/2010 14:00 CH
Bất chấp rủi ro
Thứ Bảy, 23/10/2010 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek