UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành đến cuối năm nay phải hoàn tất việc giải thể bắt buộc đối với HTX không hoạt động hoặc hoạt động trên danh nghĩa. Tuy nhiên, do số lượng HTX quá nhiều, quy trình tiến hành giải thể bắt buộc phức tạp, thiếu sự đồng bộ, làm cho quá trình này diễn ra khá chậm.
HTX Đóng tàu Đồng Tâm (Đông Hòa) hoạt động cầm chừng một thời gian, nay đã bắt đầu xem xét thủ tục giải thể- Ảnh: P.HÙNG |
NHIỀU HTX NGƯNG HOẠT ĐỘNG
Theo Liên minh HTX Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 213 HTX đăng ký hoạt động theo Luật HTX. Trong đó, 143 HTX còn đang hoạt động, 70 HTX đã ngưng hoạt động nhưng chưa được giải thể, chỉ tồn tại trên danh nghĩa, tập trung chủ yếu ở hai huyện Tuy An, Đông Hòa và TP Tuy Hòa (chiếm gần 90%). Phần lớn các HTX bị buộc phải giải thể rơi vào những trường hợp như: 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng không tiến hành hoạt động, hoạt động không hiệu quả, không tổ chức đại hội xã viên thường kỳ khi không có lý do chính đáng… Đặc biệt, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các HTX bị giải thể, hoạt động trì trệ là năng lực, trình độ quản lý điều hành của Ban Chủ nhiệm quá yếu. Phần lớn cán bộ chưa qua đào tạo bài bản, trình độ học vấn thấp. Mặt khác, các HTX hiện nay đang rất khó khăn về vốn.
Khi mới thành lập, HTX Nghề cá An Phú (huyện Tuy An) đã vay tiền mua một chiếc thuyền mã lực 250CV để làm phương tiện đánh bắt. Thời gian đầu hoạt động, HTX làm ăn có lãi, trả một phần nợ ngân hàng và chia lãi cho xã viên. Sau này làm ăn thua lỗ, chiếc thuyền duy nhất của HTX cũng phải bán lại cho người khác để trả lương cho xã viên. Từ đó đến nay, HTX này chuyển sang làm dịch vụ chế biến thủy hải sản. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Hiện nay, hoạt động của HTX đang hết sức bấp bênh bởi công việc lúc có, lúc không. Hơn nửa số xã viên mang tâm lý chán nản vì thu nhập thấp nên chủ động xin ra HTX. Do không thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ nên đơn vị phải thu hẹp quy mô sản xuất, làm ăn cầm chừng”.
HTX Sửa chữa, đóng tàu thuyền, cưa xẻ gỗ và mộc dân dụng Phước Thành (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) thành lập tháng 9/1997. Ba năm sau, HTX đã mở rộng quy mô hoạt động, đóng hàng chục chiếc tàu có công suất từ 90CV trở lên. Công việc ổn định, đội ngũ thợ lành nghề làm việc theo cơ chế khoán sản phẩm thu nhập bình quân 140.000-180.000 đồng/ngày. Đến tháng 6/2001, do suy thoái kinh tế, nhiều hợp đồng bị hủy khiến HTX lỗ hơn 500 triệu đồng. Hiện nay, HTX vẫn duy trì hoạt động nhưng chỉ trên danh nghĩa.
HTX Nông nghiệp Đa Lực (huyện Đồng Xuân) thành lập vào tháng 4/2008. Mặc dù chưa đến 50 hộ xã viên, 10 cán bộ văn phòng với số vốn góp vỏn vẹn 50 triệu đồng, nhưng HTX này vẫn cố gắng vay nóng bên ngoài để đầu tư vào các loại hình dịch vụ như xăng dầu, tín dụng nội bộ, chế tác đồ gia dụng... Đến đầu năm 2010, HTX đã lỗ hơn 250 triệu đồng, buộc phải đóng cửa, không hoạt động cho đến nay.
LÚNG TÚNG TRONG GIẢI THỂ
Nhiều HTX không hoạt động nhưng vẫn tồn tại trên danh nghĩa để nhận hỗ trợ và giúp đỡ của chính quyền, các sở, ngành trong tỉnh, gây cản trở quá trình phát triển kinh tế tập thể. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 46 chỉ đạo việc giải thể bắt buộc đối với các HTX không còn hoạt động, các HTX yếu kém mà không củng cố được theo đúng Luật HTX, thời gian hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng của đợt lũ lụt lịch sử tháng 11/2009, nên quá trình này được tỉnh cho kéo dài đến cuối năm 2010. Song, đến nay việc giải thể các HTX ngưng hoạt động tiếp tục gặp nhiều trở ngại bởi bộ máy của nhiều HTX tự tan rã, việc xử lý nợ tồn đọng vẫn chưa được giải quyết.
Theo ông Lê Xuân Đức, Chủ nhiệm HTX Long Hà (Đồng Xuân), trình tự và thủ tục để tiến hành giải thể HTX bắt buộc tương đối phức tạp: UBND tỉnh lập Hội đồng giải thể, chỉ định Chủ tịch Hội đồng để tổ chức việc giải thể HTX. Hội đồng giải thể phải đăng thông báo trên các phương tiện truyền thông trong ba số liên tiếp về quyết định giải thể HTX. Tiếp đến, phải thông báo trình tự, thủ tục, thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng, xử lý vốn, đơn xin giải thể, quyết toán tài chính và phương án chi trả vốn góp cho xã viên, bán nhà xưởng, chuyển quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đã trả con dấu… Trong khi đó, Nhà nước cũng chưa có quy định rõ ràng về pháp lý liên quan đến giải thể HTX.
Mặt khác, sự phối hợp giữa các sở, ngành, các tổ chức chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, vẫn còn sự lúng túng trong quá trình thực hiện việc giải thể HTX. Trong khi chính quyền địa phương lại thiếu kiên quyết dẫn đến mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ xã viên, làm cho quá trình giải thể HTX càng thêm khó khăn, phức tạp. Do vậy, để làm tốt công tác này, chính quyền các địa phương phải chủ động làm việc, xử lý cương quyết với các HTX thuộc diện buộc giải thể nhưng cố tình không giải thể. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng phải liên hệ chặt chẽ với Liên minh HTX Phú Yên, các sở, ngành, tổ chức có liên quan để thu hồi nợ một cách có hiệu quả, nhằm đẩy nhanh quá trình giải thể bắt buộc các HTX.
XUÂN HUY