Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) ở Phú Yên thực hiện hỗ trợ kinh tế hộ xã viên (HXV) và bước đầu mang lại hiệu quả đáng mừng. Dù vậy, việc hỗ trợ này vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Làm bánh tráng thương phẩm tại thôn Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) – Ảnh: HÙNG NAM
Hỗ trợ kinh tế cho HXV thông qua việc bố trí cơ cấu mùa vụ, chọn lọc giống, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, cải tiến mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ… là công tác được nhiều HTX chú trọng gần đây. Bên cạnh đó, một số HTX chủ động tổ chức các hoạt động trợ giúp HXV hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh với nhiều doanh nghiệp trong sản xuất hàng hóa, mở mang các loại hình dịch vụ nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho HXV.
NÂNG CAO NĂNG SUẤT, TĂNG THU NHẬP
HTX Nông nghiệp - Kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa) đã hỗ trợ kinh tế HXV thông qua việc đưa giống cây, con mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập. HTX đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tư nhân tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn cho cán bộ, xã viên về quy trình sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cấp phát tài liệu giúp xã viên nâng cao kiến thức nhà nông. Nhằm tạo việc làm, hỗ trợ kinh tế cho hàng trăm HXV, HTX đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất làm ăn hiệu quả như: mô hình trồng cỏ nuôi bò, mô hình 2 lúa + 1 bắp lai thu đông, đồng lúa chất lượng cao, trồng dâu nuôi tằm… Nhờ đó thu nhập hộ xã viên tăng từ 4,2 triệu đồng/người/năm (năm 2005) lên 8,5 triệu đồng/người/năm (năm 2009). HTX còn đầu tư 2,3 tỉ đồng bê tông hóa 8 tuyến mương với chiều dài 5.750m, tạo điều kiện cho xã viên vay vốn đầu tư 40 chiếc máy cày, 33 chiếc máy tuốt và 7 máy gặt xếp dãy. Hằng năm, HTX còn hợp đồng 23 đại lý ở 8 thôn làm nhiệm vụ cung cấp vật tư nông nghiệp cho xã viên theo đúng mức giá hỗ trợ của HTX…
Trong khi đó, để tạo nguồn vốn vay cho HXV, HTX Nông nghiệp - Kinh doanh dịch vụ Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) đã mở rộng dịch vụ tín dụng nội bộ hằng năm từ 2,5-2,8 tỉ đồng. HTX còn trích 200 triệu đồng hỗ trợ HXV nghèo vay mua lương thực, thực phẩm lúc giáp hạt nhằm giảm bớt tình trạng dùng lúa non chống đói cũng như hạn chế vấn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Ngoài ra, HTX còn tạo điều kiện cho xã viên áp dụng các mô hình sản xuất hiện đại như “sạ hàng sạ thưa”, “ba giảm ba tăng”, các chương trình ICM, IPM vào đồng ruộng, sản xuất giống nông hộ… Nhờ đó, năng suất lúa hằng năm luôn đạt từ 133 tạ/ha đến 137 tạ/ha. Theo Chủ nhiệm HTX Hòa Quang Nam Nguyễn Văn Lành, việc hỗ trợ kinh tế HXV luôn được Ban chủ nhiệm xem là nhiệm vụ quan trọng nhằm củng cố lại tổ chức, gia tăng mức độ gắn kết giữa các thành viên trong HTX nhằm đưa kinh tế tập thể ngày một đi lên.
CÒN NHIỀU TRỞ LỰC
Tuy nhiên, việc hỗ trợ kinh tế của HTX đối với HXV hiện đang gặp khá nhiều khó khăn. Theo ông Lê Xuân Đức, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Long Hà (huyện Đồng Xuân), sản phẩm do HXV làm ra gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các sản phẩm địa phương khác cũng như nhập khẩu từ nước ngoài. Việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp khó khăn, đã thế thị trường đầu vào của nông nghiệp sau một thời gian ổn định lại biến động bất thường, giá tăng liên tục, công tác vận chuyển khó khăn. Thêm vào đó, những tác động tiêu cực của mưa bão, hạn hán góp phần làm cho chất lượng sản phẩm giảm sút, khiến thu nhập của HXV cũng giảm theo. Trong khi đó, khâu sơ chế và chế biến sau thu hoạch tiếp tục trở thành cản trở lớn. Mặc dù có sự trợ giúp từ phía HTX, các cấp sở ngành nhưng HXV vẫn thiếu thông tin về thị trường để có thể quy hoạch lại quá trình sản xuất. Những việc này đều nằm ngoài khả năng của HTX.
Mặt khác, khả năng cung cấp các dịch vụ ưu đãi của HTX cho HXV vẫn chỉ giới hạn trong một số hoạt động sản xuất nhất định. Hiện tại, vốn hoạt động của hầu hết các HTX khá khiêm tốn, bản thân các HTX này lại không có tài sản thế chấp để vay vốn ưu đãi của Nhà nước nên không có điều kiện phát triển đa dạng các dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của HXV.
Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên cho biết: “Để đổi mới phương thức sản xuất, trong thời gian tới, cần phát triển mạnh các loại hình tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn, tiếp tục việc hỗ trợ phát triển kinh tế HXV, phát triển các tổ chức mang tính trợ giúp như HTX, tổ hợp tác, các nông hội kiểu mới... Ngoài ra, ban chủ nhiệm các HTX phải chủ động nghiên cứu và thực hiện các giải pháp hiệu quả để củng cố, đổi mới, phát triển HTX, tranh thủ sự quan tâm và giúp đỡ từ phía chính quyền địa phương, các cấp ngành để tìm ra phương hướng phát triển bền vững hoạt động sản xuất – kinh doanh của HTX cũng như đề ra những cơ chế hữu hiệu nhằm hỗ trợ kinh tế cho HXV. Điều này góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho nông dân và nông thôn ngày càng phát triển”.
XUÂN HUY