Thứ Năm, 03/10/2024 11:33 SA
Phú Yên chịu những tác động gì của mực nước biển dâng?
Thứ Năm, 22/07/2010 07:30 SA

Biểu hiện của biến đổi khí hậu (BĐKH) trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng cao. Phú Yên thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, không những thường xuyên bị ảnh hưởng nặng thiên tai, mà còn bị tác động mạnh do mực nước biển dâng, nên rất cần có những giải pháp ứng phó thích nghi để phát triển bền vững.

 

TOMSC100722.jpg
Vùng nuôi tôm hùm Sông Cầu đang chịu tác động của biến đổi khí hậu - Ảnh: N.T

 

NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐÃ NHẬN THẤY ĐƯỢC

 

Vùng ven biển Phú Yên có diện tích khoảng 1.279km2, gồm TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và 2 huyện Tuy An, Đông Hòa với 51 xã, phường, thị trấn có khoảng 483,8 nghìn người dân sinh sống, chiếm 56% dân số toàn tỉnh. Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Chế Bá Hùng cho biết: Thời gian qua, mực nước biển ở vùng ven biển tỉnh ta được đánh giá là có tăng lên, nhưng do chưa có trạm quan trắc nên chưa có số liệu cụ thể để đánh giá về mức tăng của mực nước biển. Nhưng theo nhận xét của cư dân ven biển thì mực nước khi triều kiệt hiện nay cao hơn ngày xưa và bờ biển dịch chuyển sâu vào đất liền khoảng 10 - 15m. Tại TX Sông Cầu đã xảy ra sạt lở từ 300m – 1,5km ở thôn 2 (Xuân Hải), Từ Nham (Xuân Thịnh), Hòa An (Xuân Hòa). Tại huyện Tuy An, sạt lở từ 700m- 1,5km ở thôn An Vũ (An Ninh Đông), Phước Đồng (An Hải), Nhơn Hội, Phú Thường, Hội Sơn (An Hòa), Mỹ Quang Bắc (An Chấn). Tại TP Tuy Hòa, sạt lở và xâm thực ở thôn Long Thủy (An Phú). Tốc độ sạt lở hằng năm từ 10- 20m, cá biệt có nơi từ 25 - 35m như các thôn Hòa An, Long Thủy.

 

Vùng ven biển của tỉnh có 21.000ha đất ngập nước, 300ha rạn san hô, 504ha thảm cỏ biển và 210ha rừng ngập mặn là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật, với một số loài gỗ quý hiếm và nhiều loài thủy hải sản giá trị như: sò huyết, cua, ghẹ... Do tác động của bão và mưa lũ, trong các năm 2007 và 2009, nghề nuôi tôm hùm ở Phú Yên đã bị thiệt hại rất nặng nề. Riêng cơn bão lũ số 11/2009, có 24.840 lồng nuôi tôm hùm bị hư hại, với hơn 263.000 con tôm hùm thịt bị chết. Năm 2007, do mưa lớn trong nhiều ngày làm ngọt hóa môi trường nước biển ven bờ ở khu vực cửa đầm Cù Mông đã gây sốc và làm chết gần 176.000 con tôm hùm, với tổng thiệt hại khoảng 31 tỉ đồng. Trong đợt nắng nóng vào cuối tháng 5 vừa qua, hiện tượng cá tự nhiên và cá nuôi ở đầm Ô Loan chết hàng loạt, do nhiệt độ tăng cao làm cho các loài vi tảo phát triển mạnh, sau đó bị suy tàn và phân hủy gây ô nhiễm nguồn nước.

 

SẼ CÒN BỊ TÁC ĐỘNG MẠNH HƠN

 

Các kịch bản nước biển dâng cho Việt Nam được tính toán theo kịch bản phát thải thấp nhất (B1), kịch bản phát thải trung bình (B2) và kịch bản phát thải cao nhất(A1). Theo PGS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng (Phân viện khí tượng thủy văn và môi trường phía nam): Ứng với mực nước biển dâng 30cm (B1) thì diện tích bị ngập nước của Phú Yên là 34,5km2, chiếm gần 0,7% diện tích của tỉnh; trong đó TP Tuy Hòa ngập 3,5 km2, TX Sông Cầu ngập 6,1 km2, Tuy An ngập 17,1km2 và Đông Hòa ngập 7,7km2. Ứng với mực nước biển dâng 75cm (B2) thì diện tích ngập nước của tỉnh là 39,9km2 (0,8%); trong đó TP Tuy Hòa ngập 4km2, TX Sông Cầu ngập 7 km2, Tuy An ngập 18,2km2 và Đông Hòa ngập 10,6km2. Ứng với mực nước biển dâng 100cm (A1) thì diện tích bị ngập nước của tỉnh là 44,3 km2 (0,9%); trong đó TP Tuy Hòa ngập 4,3 km2 chiếm 1,4% diện tích thành phố, TX Sông Cầu bị ngập 7,6 km2 chiếm 1,6% diện tích thị xã, Tuy An ngập 19,08km2 chiếm 4,4% diện tích của huyện và Đông Hòa ngập 13,3km2 chiếm 1,5% diện tích của huyện. Với tỉ lệ ngập trên không chỉ ảnh hưởng đến cơ cấu sử dụng đất mà còn ảnh hưởng đến dân sinh cũng như về cơ sở hạ tầng địa phương.

 

Vùng ven biển có 21.000ha đất ngập nước, 300ha rạn san hô, 504ha thảm cỏ biển và 210ha rừng ngập mặn và 04 cửa sông lớn là nơi sinh sống của nhiều loài thủy hải sản giá trị như: sò huyết, cua, ghẹ.., là lá chắn xói mòn bờ biển. Khi nước biển dâng, các hệ sinh thái đất ngập nước có nguy cơ bị mất, diện tích rừng ngập mặn có thể bị thu hẹp. Nước biển dâng làm mặn hóa đầm nước lợ ven biển điển hình ảnh hưởng xấu đến cấu trúc thành phần loài đang có mặt và có thể làm mất môi trường sống của nhiều loài thủy sinh nước ngọt, làm giảm số loài thủy sản. Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành kinh tế mạnh của tỉnh, với tổng diện tích thả nuôi hơn 2.000ha tập trung ở khu vực đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu), đầm Ô Loan (Tuy An), hạ lưu sông Bàn Thạch, Vũng Rô (Đông Hòa). BĐKH sẽ ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng thủy sản của tỉnh theo hướng hẹp dần do nước bị nhiễm mặn khi nước biển dâng và điều kiện sống thích nghi bị thay đổi. Nước biển dâng lên còn đẩy quá trình xâm nhập mặn sâu vào nội địa làm biến đổi hệ sinh thái vùng vốn ổn định nhiều năm trước đây sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của dân cư.

 

xay-ke100722.jpg

Bờ biển TX Sông Cầu sẽ chịu tác động của nước biển dâng đang được xây kè kiên cố – Ảnh: N.T

 

Vùng ven biển tỉnh Phú Yên có nhiều đầm, vịnh và bãi biển với nhiều thắng cảnh đẹp như: bãi Nồm, bãi Tràm, bãi Ôm, đầm Ô Loan, Gành Đá Dĩa, Vũng Rô… thuận lợi cho việc đầu tư, phát triển và hình thành các loại hình và tour du lịch sinh thái - du lịch biển hấp dẫn. Hiện nay, đã có một số dự án du lịch đi vào hoạt động như: Khu du lịch Sinh thái Sao Việt, Khu du lịch Bãi Tràm, Khu Resort Thuận Thảo... Tuy nhiên, khi nước biển dâng làm vùng ven bờ bị sạt lở có thể làm thu hẹp bãi tắm, mất đi sự hấp dẫn vốn có.

 

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng, Phú Yên cần sớm xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng với các hoạt động sau đây: Xây dựng phương án phòng chống bão, lũ, cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn cho nhân dân, thực hiện quản lý tổng hợp dải ven biển theo cách tiếp cận dựa vào cộng đồng; Cải tạo hạ tầng kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tập quán sản xuất sinh hoạt của dân cư ven biển để thích ứng với mực nước biển dâng; Tính toán chi phí và thí điểm tái định cư, di dời nhà cửa, hạ tầng kỹ thuật ra khỏi những vùng có nguy cơ bị đe dọa cao. Quy hoạch xây dựng và nâng cấp hệ thống đê biển và đê vùng cửa sông và các khu vực cần thiết đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, thoát lũ, tiêu úng và đảm bảo an toàn cho người dân; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt và thiên tai; tăng cường các nghiên cứu về cấu trúc và chức năng của các hệ sinh thái ven biển như hệ sinh thái đất ngập nước, rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển... và những tác động của BĐKH đến khả năng thích ứng của các hệ sinh thái.

 

NGUYÊN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek