Thứ Sáu, 04/10/2024 02:30 SA
Để có những mùa mía ngọt
Thứ Hai, 12/07/2010 15:00 CH

Mía là cây trồng chủ lực của 3 huyện miền núi Phú Yên. Thời gian qua, loại cây trồng này đã giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân ở vùng nông thôn, miền núi. Song việc phát triển vùng nguyên liệu mía, nâng cao năng suất, ổn định giá cả vẫn còn nhiều bất cập.

 

thu-hoach-mia100712.jpg

Nông dân xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) thu hoạch mía.- Ảnh: H.NAM

 

CHÔNG CHÊNH VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA

 

Tính đến năm 2009, trên địa bàn tỉnh có hai công ty đầu tư trồng và chế biến mía đường. Diện tích được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển cây mía đến năm 2010 là 17.500ha, sản lượng dự kiến khoảng 1.170.000 tấn mía nguyên liệu và đã phân vùng quy hoạch cho các công ty. Trong đó, Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã được quy hoạch vùng nguyên liệu mía tại các huyện Sông Hinh, Tây Hòa, Tuy An, Đông Hòa và TP Tuy Hòa. Theo quy hoạch đến năm 2010, diện tích mía đứng hằng năm là 4.500ha và 1.500ha sản xuất mía luân canh. Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam được quy hoạch các vùng nguyên liệu mía còn lại trong tỉnh.

 

Năng suất mía ở Phú Yên thấp, dẫn đến sản lượng vùng nguyên liệu mía hằng năm không đảm bảo nên các nhà máy thường kết thúc niên vụ sớm. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên, năm 2007, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn, đến năm 2008 chỉ còn gần 940.000 tấn và năm 2009 sản lượng tiếp tục giảm còn 815.000 tấn. Năng suất mía bình quân ở Phú Yên từ 44,75 - 51,78 tấn/ha, thấp hơn năng suất trung bình của cả nước. Bên cạnh đó, giá mía nguyên liệu cũng thấp so với các vùng khác. Cụ thể: niên vụ mía 2009 - 2010, giá nguyên liệu mía cây bình quân ở Phú Yên 571.000 đồng/tấn, trong khi đó tại đồng bằng sông Cửu Long, mía cây được mua với giá 1,45 triệu đồng/tấn. Thực tế thời gian qua, phân bón liên tục tăng giá, trong khi đó nông dân trồng mía bán với giá thấp so với các tỉnh khác, các nhà máy xem xét lại giá mua mía. Có những thời điểm giá mía nguyên liệu xuống thấp, nông dân không thể thu hoạch, điều này làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nông dân, nên họ không yên tâm sản xuất cây mía. Ông Nguyễn Tý ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) chuyên canh 2ha mía tại vùng 13 xã An Nghiệp (huyện Tuy An), thế nhưng giá cả cây mía có năm làm cho ông phải méo mặt. “Cách đây 3 năm, mía trồng để “đứng” quá 30 tháng chưa thu hoạch vì chờ giá, cuối cùng tôi chỉ thu hoạch khoảng 1ha mía nơi tốt, còn lại phải phá bỏ để trồng sắn”.

 

Qua khảo sát của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên tại các vùng nguyên liệu mía trọng điểm cho thấy, giá bán mía cây bình quân toàn tỉnh là 571.000 đồng/tấn, lợi nhuận bình quân 1 tấn mía là 116.000 đồng, như vậy với 1 ha mía, nông dân thu lãi hơn 6,7 triệu đồng là quá thấp.

 

CẦN ĐẦU TƯ GIỐNG MỚI

 

Các công ty mía đường trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng các trạm, trại mía giống để phục vụ công tác khảo nghiệm giống mới, cung cấp giống cho nông dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên, về số lượng cũng như chất lượng giống hạn chế.

 

Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa đã sớm thành lập 2 trạm, trại mía giống tại hai huyện Sông Hinh và Tây Hòa với quy mô gần 340.000m2 . Các giống mía trồng đại trà trong vùng nguyên liệu là K84-200 (chiếm 66%), R579 (chiếm 8%), ROC (26 chiếm 7%)... Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đưa các giống mía R579 (chiếm 65%), R570 (chiếm 30%), K88-92 (chiếm 1,3%)... trồng đại trà trong vùng nguyên liệu và đang lập dự án đầu tư xây dựng trại mía giống công nghệ cao với quy mô 26ha tại Khu công nghiệp, công nghệ cao huyện Phú Hòa.

 

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, các giống mía hiện nay năng suất chất lượng thấp và có chiều hướng ngày càng giảm. Nguyên nhân được xác định là các trạm, trại sản xuất cung ứng mía giống quá ít, không đủ cung cấp cho nhu cầu trồng mới nên nông dân phải chọn lọc lại giống từ ruộng mía thương phẩm để trồng. Ông Trần Công Định, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh nói: Mấy năm qua, đời sống nhân dân huyện Sông Hinh thay đổi là nhờ chính sách ưu tiên cho miền núi, trong đó chú trọng phát triển cây trồng, đặc biệt là cây sắn, mía. Thế nhưng gần đây, một số loại giống cây trồng này đã thoái hóa nên năng suất không cao, dẫn đến thu nhập của nông dân thấp.

 

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Như Thức, thời gian đến, các doanh nghiệp mía đường phải du nhập, trồng thử nghiệm và nhanh chóng nhân rộng giống mới; có chính sách hỗ trợ đầu tư cho người trồng mía. Bên cạnh đó, để giữ vững vùng nguyên liệu, trước hết phải đảm bảo cho nông dân có mức lợi nhuận tối thiểu là 30% chi phí (hiện nay chỉ mới đạt 23,9%) và phải ổn định. Ngoài ra, cần chia sẻ rủi ro cho nông dân khi giá cả thị trường bấp bênh để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek