Xuân Thịnh là xã duy nhất ở TX Sông Cầu được đầu tư theo chương trình xã nghèo bãi ngang của Chính phủ. Từ một xã nghèo, với sự đầu tư của Nhà nước và khai thác lợi thế của nghề nuôi tôm hùm, Xuân Thịnh đã bứt phá, vươn lên mạnh mẽ. Các thôn Hòa Hiệp, Phú Dương, Vịnh Hòa, Từ Nham trở thành những làng biển trù phú ở Sông Cầu.
Chợ Xuân Thịnh được đầu tư từ chương trình xã nghèo bãi ngang - Ảnh: N.T
Từ trung tâm TX Sông Cầu, theo QL 1A đi về hướng bắc chừng 8 km, qua đèo Nại là đến địa phận xã Xuân Thịnh. Dọc con đường bê tông chạy dài qua thôn Hòa Hiệp đến trung tâm xã tại thôn Phú Dương, chúng tôi nhìn thấy nhiều ngôi nhà mái bằng 2 - 3 tầng xen lẫn với nhiều hàng quán dịch vụ hoạt động nhộn nhịp. Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thịnh Trần Văn Đạo nói: Đời sống của người dân khá lên, tất cả đều nhờ con tôm hùm. 100% hộ dân đã có nhà xây kiên cố, có xe máy, phương tiện nghe nhìn; nhiều hộ đã sắm được ô tô du lịch. Các công trình hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” được đầu tư nâng cấp…
Xã Xuân Thịnh có 4 thôn đều hướng mặt ra biển và đầm Cù Mông với bờ biển dài hơn 20 km bao quanh ba mặt, nên cuộc sống của phần lớn hộ dân nơi đây dựa vào biển với nghề khai thác ven bờ, đánh bắt hải sản trong đầm Cù Mông. Cách đây chừng 10 năm, cuộc sống của bà con ở các làng biển Xuân Thịnh còn vất vả lắm. Việc đi lại giữa các thôn chủ yếu bằng đò ngang hoặc đi bộ theo lối mòn qua bãi cát và dọc theo mép nước ven biển. Ông Lê Văn Ngôn, 55 tuổi, ở thôn Phú Dương nhớ lại: “Ngày trước, cả xã Xuân Thịnh là những bãi cát mênh mông, chói chang. Đời sống của phần đông người dân còn nhiều khó khăn, họ tránh nắng, tránh mưa dưới những mái nhà lợp lá dừa; không ít gia đình phải lưu lạc làm ăn phương xa. Một số người đến sinh sống ở Cam Ranh (Khánh Hòa), thấy dân ở đây nuôi tôm hùm bằng lồng có hiệu quả. Họ đã học tập và kéo nhau quay về quê nhà mở ra nghề nuôi tôm hùm, người dân trong xã làm theo mà dần dà khá lên, làng xóm đông vui trở lại. Bây giờ ở Xuân Thịnh không chỉ người dân địa phương nuôi tôm hùm mà còn có dân từ nhiều nơi khác đến”.
Thời điểm năm 2005, khi xã Xuân Thịnh được đầu tư theo chương trình xã nghèo bãi ngang ven biển, mặc dù cuộc sống của người dân đã bắt đầu khá lên nhờ nghề nuôi tôm hùm nhưng vẫn còn hơn 30% hộ nghèo. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật của xã vẫn chưa được cải thiện nhiều. Giữa các thôn vẫn còn những con đường đất tạm bợ, đến thôn Từ Nham phải đi nhờ đường của xã Xuân Phương. Từ nguồn vốn chương trình xã bãi ngang của Nhà nước và huy động sức dân, Xuân Thịnh ưu tiên kiên cố hệ thống giao thông, bê tông hóa các con đường liên thôn với tổng chiều dài hơn 10 km và tiếp tục hoàn thiện các công trình hạ tầng kinh tế- xã hội khác. Trong giai đoạn 2005- 2009, xã đã đưa vào sử dụng 8 công trình với vốn đầu tư 8.323 triệu đồng, tiêu biểu như đường liên thôn Đồng Bé - Từ Nham, đường từ đèo Ông Két đến chợ trung tâm xã, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Phú Dương - Vịnh Hòa, khu dân cư Từ Nham, chợ Xuân Thịnh, mở rộng lưới điện đến tất cả các khu dân cư, cấp điện cho 100% hộ dân. Bên cạnh đó, vùng đất cát ven biển được đưa vào trồng rừng phòng hộ với hơn 500 ha phi lao từ nguồn tài trợ của dự án PACSA (Nhật Bản).
Trong khi đó, nghề nuôi tôm hùm lồng ở Xuân Thịnh phát triển mạnh. Nếu năm 2000, toàn xã mới thả nuôi khoảng 1.000 lồng, thì đến năm 2005 đã tăng lên hơn 4.600 lồng và năm 2009 lên đến gần 6.100 lồng, chiếm khoảng 40% tổng số lồng nuôi tôm hùm của TX Sông Cầu. Mỗi năm, con tôm hùm đem lại cho người dân xã Xuân Thịnh trên 100 tỉ đồng, riêng năm 2009 đạt giá trị 153,9 tỉ đồng; tính ra đạt bình quân 15,8 triệu đồng/người. Tại xã xuất hiện nhiều “đại gia” nuôi tôm hùm và kinh doanh có thu nhập mỗi năm cả tỉ đồng, tiêu biểu như hộ ông Phạm Ngọc Anh ở thôn Hòa Hiệp, các ông Nguyễn Xuân Danh, Nguyễn Văn Hổ ở thôn Phú Dương… Phó Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thịnh Trần Văn Đạo bảo: Từ khi hệ thống giao thông được xây dựng kiên cố, việc đi lại thuận tiện, các dịch vụ của địa phương cũng phát triển. Con cá, con tôm được người dân khai thác thì có xe tải đến tận nơi mua chuyển đi, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Từ đó, chất lượng cuộc sống của họ được nâng lên rõ rệt. Toàn xã có 96% hộ dân được công nhận gia đình văn hóa, xã đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, xã văn hóa và xã lành mạnh không có tệ nạn xã hội, được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2009.
NGUYÊN TRƯỜNG