Chủ Nhật, 19/01/2025 13:11 CH
Cuộc sống mới trên trục dọc miền Tây Phú Yên
Thứ Năm, 01/04/2010 13:00 CH

Trục dọc miền Tây Phú Yên nối từ Vân Canh (tỉnh Bình Định) qua Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh để lên Ma Đrắc (tỉnh Đắk Lắk) dài hơn 115 cây số đang được xây dựng. Con đường này đã mở ra nhiều cơ hội phát triển của những vùng đất thuộc các huyện miền núi còn nhiều tiềm năng ở Phú Yên.

 

td1.jpg
Những cửa hiệu mới mọc lên trên trục dọc miền Tây đoạn qua xã vùng xa Sông Hinh – Ảnh: H.ÁNH

 

Con đường từ thị trấn La Hai về xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) những ngày này rộn trong tiếng máy ủi, máy nghè. Những mảng bụi lớn từ các đoạn đường đang thi công bốc lên, tấp vào những ngôi nhà mới 2 bên đường nhưng người dân nơi đây lại không một tiếng kêu ca. Dường như ai cũng hiểu, con đường đang được trải nhựa kia sẽ mở ra bao cơ hội phát triển cho gia đình, cho làng xóm.

 

THỊ TỨ DẦN HÌNH THÀNH

 

Trục dọc miền Tây Phú Yên có chiều dài hơn 115km; trên toàn tuyến có 11 cầu, 2 cống tràn liên hiệp; qua ba năm thi công, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 7 cầu và một số đoạn đường trọng yếu. Dự kiến đến quý III/2011 trục đường xương sống vùng miền Tây này sẽ hoàn thành.

Ông Phạm Thành Đô ở thôn Lãnh Trường, xã Xuân Lãnh vừa chuyển nhà ra gần đường vào đầu năm 2009 và mở tiệm tạp hóa cho con bán. Thấy được, ông chuyển từ nghề nông sang kinh doanh hàng nông sản. Cùng với sự đầu tư của Nhà máy đường KCP Đồng Xuân, ông tính mua một chiếc xe tải lớn để kinh doanh vận tải. “Giờ trục dọc miền Tây qua xã mở ra, người dân ở đây mừng lắm. Không chỉ lưu thông dễ dàng mà làm ăn cũng dễ hơn nhiều” - ông Phạm Thành Đô vừa mở tủ bán hàng cho khách vừa nói.

 

Còn với già Sô Minh Thứ ở làng Hà Rai (xã Xuân Lãnh), nằm gần trục dọc miền Tây, niềm vui lớn nhất của già là kể từ nay con cháu có thể thuận tiện trong việc tìm bạn. “Làm được con đường này thì già cảm ơn Nhà nước rất nhiều. Đồng bào ở đây cũng cần tìm bạn chớ. Muốn vậy lên Đắk Lắk mấy hồi” - Già khề khà.

 

Cùng với trục dọc miền Tây mà Xuân Lãnh là cửa ngõ phía bắc giáp với Vân Canh (tỉnh Bình Định) thì một con đường từ Sông Cầu qua Xuân Lãnh để lên Gia Lai cũng đang được hình thành, biến vùng đất này trở thành ngả tư của 2 trục đường chính. Và Xuân Lãnh sẽ còn phát triển hơn trong tương lai khi nơi đây trở thành một thị tứ, trung tâm của ba xã Xuân Lãnh, Phú Mỡ và Đa Lộc theo hướng phát triển của huyện Đồng Xuân. “Xuân Lãnh đã làm xong quy hoạch trở thành thị tứ trung tâm của địa phương. Chỉ chờ trục dọc miền Tây hoàn thành, huyện cho phép thì sẽ bắt tay vào làm ngay” - Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh Võ Trọng Nam cho biết.

 

Trước sự phát triển về các loại hình kinh doanh dịch vụ và nhu cầu nhà ở cao, giá đất ở đây đang tăng hàng ngày. Xã Xuân Lãnh đã điều chỉnh giá đất nhà ở với mức tăng từ 1/3 đến gấp hai lần, riêng thị trường bất động sản còn “nóng” hơn. Chỉ mấy tháng trước, chị Trần Thị Lệ Hằng mua một lô đất có mặt tiền trục dọc miền Tây thuộc thôn Lãnh Trường (xã Xuân Lãnh) với giá 4 triệu đồng mỗi mét ngang thì nay đã tăng lên 10 triệu đồng. Chị Hằng cho biết: “Giá đất ở đây giờ đã lên đáng kể, nhờ đó người dân cũng dễ sống. Riêng em chỉ mấy tháng đã kiếm được hơn 20 triệu đồng tiền chênh lệch giá đất”.

 

Với sự phát triển của đời sống người dân như thế, nói như ông Nguyễn Văn Lộc, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đồng Xuân, nguồn thu ngân sách ở nhiều địa phương trong huyện sẽ không còn ì ạch như trước. Đặc biệt, xã Xuân Lãnh sẽ là đơn vị thứ hai trên địa bàn huyện, sau thị trấn La Hai, có số thu ngân sách cao.

 

VÙNG XA XÔI TRỞ NÊN SÔI ĐỘNG

 

Từ Xuân Lãnh dọc theo trục miền Tây xuôi về nam mới thấy hết sự hoành tráng của trục giao thông được xem là xương sống của toàn vùng miền Tây Phú Yên này. Có những lúc cảm giác như con đường bồng bềnh trên những ngọn đồi bát úp, nhưng cũng có khi con đường như treo lưng chừng giữa một bên là vách núi dựng đứng và một bên là thăm thẳm hồ Sông Hinh. Có lẽ ấn tượng nhất trên trục đường này là hình ảnh của hai cây cầu dài nhất toàn tuyến - cầu Sông Ba và cầu La Hai. Nếu như cầu La Hai không chỉ giúp thị trấn của Đồng Xuân thoát cảnh cô lập trong mùa mưa lũ, mà đường dẫn của nó còn mở ra một hướng mới về phía Nam thị trấn, thì cầu Sông Ba được ví như cái nắm tay thật chặt giữa hai người anh em song sinh Sơn Hòa và Sông Hinh sau 25 năm ra riêng.

 

td3.jpg

Cầu Sông Ba trên trục miền Tây – Ảnh: N.TRƯỜNG

 

Dọc theo trục miền Tây Phú Yên mà chúng tôi đi qua, nơi nào con đường được nâng cấp, xây dựng thì nơi đó hàng quán, nhà cửa lại mọc lên. Nhiều gia đình đã chuyển nhà từ trong các xóm ra gần đường để sinh sống, mở rộng kinh doanh, phát triển dịch vụ.

 

Rong rủi hơn ngày đường, cuối cùng chúng tôi cũng đến Sông Hinh, xã xa nhất của huyện Sông Hinh, xã cuối cùng của trục dọc này giáp với huyện Ma Đrắc, tỉnh Đắk Lắk. Đây là địa phương trước đây thường xuyên bị cô lập trong mùa mưa bão. Chỉ cần một trận mưa lớn là con suối Tre ngập tràn nước giữ chân người qua lại. Nhưng giờ, cầu suối Tre được xây dựng, đoạn đường qua xã đang được trải nhựa phẳng lì. Gần đến ngả rẽ vào UBND xã, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Bích, một người quê Phú Yên lên Đắk Lắk lập nghiệp bằng nghề vận chuyển hàng hóa bán cho người dân ở xã Sông Hinh. Chị chào khách bằng nụ cười thật tươi. “Những ngày qua, không còn vất vả lội bùn, dắt xe nữa” - chị Bích tâm sự.

 

Những ngày sau tết, Sông Hinh dường như nhộn nhịp hơn bởi những chuyến xe ngược xuôi từ Đắk Lắk, Khánh Hòa về đây để mua hàng nông sản. Nhờ con đường trục dọc miền Tây được mở ra, việc lưu thông, buôn bán được dễ dàng đã giúp cho nhiều mặt hàng nông sản ở đây không chỉ tiêu thụ dễ dàng mà còn bán được giá. Bà Cao Thị Bá, một người quê ở Đồng Nai cùng gia đình ra xã Sông Hinh lập nghiệp bằng nghề khai thác cá ở hồ Sông Hinh những ngày qua phấn khởi khi những chuyến xe đông lạnh từ Khánh Hòa lên đây mua cá ngày càng nhiều đã giúp cho giá cá ở đây tăng cao. “Trước đây giá cá rẻ như cho. Khi nào được giá nhất cũng chỉ 18.000 đồng/kg loại 1, nhưng nay trung bình đã lên 25.000 đồng/kg rồi” - bà nói.

 

Trục đường này chưa hoàn thành nhưng nhiều nhà doanh nghiệp ở các nơi đã về đây mua đất ở xã Sông Hinh để mở đại lý. “Đó là điều chưa hề có trước đây ở địa phương này” - Chủ tịch UBND xã Sông Hinh Trần Ngọc Thuân khẳng định, đồng thời cho biết thêm: “Trước đây người ta đến xã Sông Hinh làm ăn, khi có vốn thì người ta lại chuyển đi nơi khác để sinh sống cho thuận lợi. Nhưng giờ nhiều người làm ăn đã về đây mua đất để mở đại lý đầu tư. Đặc biệt là đại lý buôn bán vật tư xây dựng, vật tư nông nghiệp và buôn bán nông sản. Nhờ đó giá đất ở đây cũng đã lên ngang với giá UBND tỉnh quy định, chứ trước thì chẳng bao giờ”.

  

Ghi chép của HỒNG ÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bước tiến dài sau 35 năm
Thứ Năm, 01/04/2010 16:00 CH
Nỗ lực cho hai sự kiện lớn
Thứ Năm, 01/04/2010 15:00 CH
Sức vươn của đô thị trẻ Tuy Hòa
Thứ Năm, 01/04/2010 11:00 SA
Nhiều cơ hội để Đông Hòa phát triển
Thứ Năm, 01/04/2010 09:00 SA
“Phác thảo” đô thị Phú Yên
Thứ Năm, 01/04/2010 07:50 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek