Phú Yên đang cùng với cả nước thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Để công nghiệp phát triển thì việc sử dụng các phương tiện máy móc để sản xuất ra của cải vật chất là điều tất yếu, thế nhưng hầu hết các máy móc đều phát ra cường độ tiếng ồn nhất định. Nếu tiếng ồn có cường độ cao, công nhân lao động tiếp xúc với thời gian dài thì khả năng gây ra các tai nạn do tiếng ồn là không thể tránh khỏi.
Kiểm tra tiếng ồn tại Công ty cổ phần Xi măng Cosevco Phú Yên – Ảnh: K.CHI |
Bạn đang làm việc nơi có tiếng ồn?Có bao giờ bạn đã thấy khó nghe hoặc khó hiểu những gì mà đồng nghiệp nói với bạn không? Họ có phàn nàn rằng “bạn nói to không”? Như vậy, bạn có thể bị điếc do tiếng ồn. Loại tiếng ồn này là do tiếp xúc nhiều với nguồn ồn lớn ở nơi bạn đang làm việc. Nếu quá mức có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng nghe của bạn. Nguyên nhân là do khi tiếp xúc với nguồn ồn quá lớn trên 145 decibel trong thời gian ngắn như tiếng nổ, gây điếc tức thời. Tiếng ồn tác dụng lên các cơ quan thính giác gây chấn thương và tích lũy theo thời gian. Do đó, dù tiếng ồn có cường độ thấp dưới 70 decibel nhưng tiếp xúc liên tục nhiều năm cũng làm giảm thính lực.
Ốc tai trong có các tế bào thần kinh phát hiện những âm thanh có tần số cao và những âm thanh có tần số thấp. Các tế bào thần kinh phát hiện tần số cao dễ bị tổn thương do tiếng ồn hơn. Vì vậy, khi tiếp xúc với nguồn ồn quá lớn và lâu các tế bào này sẽ chết, sau đó đến các tế bào tần số thấp. Điều quan trọng là khi tế bào thần kinh đã chết thì không phục hồi được nữa và gây tổn thương vĩnh viễn.
Ảnh hưởng của điếc do tiếng ồn thường cả hai tai. Ở giai đoạn sớm, có thể không nhận biết tổn thương thính giác, chỉ phát hiện được bằng việc kiểm tra sức khỏe, đo thính lực vì đây là tổn thương ban đầu do những âm thanh có tần số cao. Sau đó xuất hiện tổn thương thính giác do âm thanh tần số thấp, bạn sẽ thấy khó nghe các cuộc đối thoại. Sau đó mới nhận ra sự mất khả năng nghe, sau đó không thể nghe rõ ràng tiếng nói của chính bản thân mình và có xu hướng nói to. Khi mức độ điếc càng tăng, bạn sẽ thấy rất khó đối thoại với người khác, cuối cùng không thể nghe được các cuộc nói chuyện. Và lúc đó đã quá muộn. Không phải ai cũng có quá trình phát sinh bệnh như nhau khi tiếp xúc cùng loại tiếng ồn. Một số người dễ bị điếc hơn và bị tổn thương thính giác nhanh hơn những người khác.
Vậy có thể phòng tránh được không và phòng như thế nào khi phải làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn? Đầu tiên phải tiến hành sớm các biện pháp phòng bệnh để công nhân không phải tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn như giảm tiếng ồn do máy móc bằng cách giữ tốc độ máy ở mức độ thấp nhấp cho phép, dùng các đệm cao su hoặc bộ phận giảm thanh ở những nơi có thể lắp đặt và cách ly máy gây ồn… Cuối cùng là biện pháp phòng hộ cá nhân bảo vệ tai như sử dụng bao tai chống ồn và phải chắc chắn cả hai tai được che chắn an toàn.
Kiểm tra thính lực thường xuyên hàng năm cho công nhân trực tiếp tiếp xúc nguồn gây ồn bằng cách đo thính lực để phát hiện sớm và có biện pháp phòng hộ cũng như bố trí lao động một cách hợp lý, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất bệnh điếc nghế nghiệp gây nên. Như vậy, lao động trong môi trường có nguồn ồn là không thể tránh khỏi nhưng phải biết cách bố trí, sắp xếp thiết bị gây ồn, phòng hộ cá nhân hiệu quả thì cường độ, năng suất lao động và sản phẩm do chính những công nhân đó sản xuất ra mới đạt hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất tai nạn lao động có thể xảy ra.
Bác sĩ HUỲNH THẾ VINH
(Trung tâm Y tế Dự phòng Phú Yên)