Thứ Sáu, 11/10/2024 11:30 SA
Nên thống nhất quy định đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tài sản
Thứ Sáu, 17/07/2009 13:30 CH

Hiện nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Phú Yên được phép chủ động xem xét, quyết định cho khách hàng vay vốn có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản. Tuy nhiên, các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm chưa thống nhất, thiếu đồng bộ đang gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cho vay có bảo đảm bằng tài sản, nhất là đối với khoản vay vốn thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Điều 130, Luật Đất đai năm 2003 quy định hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì các bên được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) nơi có đất.

 

Theo đó, khi làm thủ tục thế chấp quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, hộ gia đình, cá nhân thường yêu cầu chứng thực hợp đồng tại UBND cấp xã cho tiện lợi.  Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất do các hộ gia đình, cá nhân mang đến để yêu cầu UBND cấp xã chứng thực thường là các hợp đồng mẫu do ngân hàng soạn sẵn, sát với hoạt động thực tế của ngân hàng và quy định của pháp luật chuyên ngành. Cán bộ tư pháp của UBND cấp xã do không có nghiệp vụ chuyên sâu nên khó có thể biết được các điều khoản của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là có xác thực, hoặc vi phạm pháp luật hay không, nên “vô tư” chứng thực vào hợp đồng.

 

Ngoài ra, việc đăng ký giao dịch bảo đảm tùy thuộc vào loại tài sản thế chấp, cầm cố mà được thực hiện ở nhiều cơ quan khác nhau. Ví dụ, Sở Nông nghiệp – Phát triển – Nông thôn đăng ký tàu thuyền thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu thuyền. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Phòng Tài nguyên – Môi trường các huyện, thành phố) nơi có bất động sản thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất… Do có nhiều cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm như vậy, trong trường hợp một doanh nghiệp phải thế chấp, cầm cố nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ một món vay tại ngân hàng, nhưng việc thế chấp, cầm cố các tài sản đó không thể thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm tại một trong những cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm nêu trên, doanh nghiệp và ngân hàng phải thỏa thuận, lập thành nhiều hợp đồng khác nhau để đăng ký giao dịch bảo đảm tại nhiều cơ quan đăng ký. Trường hợp này làm phát sinh thêm thời gian làm thủ tục, tăng chi phí đối với doanh nghiệp cho việc đăng ký giao dịch bảo đảm ở nhiều nơi.

 

Lợi ích của việc đăng ký giao dịch bảo đảm là công khai hóa việc thế chấp, cầm cố tài sản nhằm hạn chế rủi ro cho bên nhận thế chấp, cầm cố và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đây cũng là cơ sở để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán của bên nhận thế chấp, cầm cố khi xử lý tài sản. Để bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia giao dịch, các cơ quan thẩm quyền cần sớm bổ sung, sửa đổi các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm không còn phù hợp với tình tình hình thực tế hiện nay.

 

ĐẮC PHÚ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hiệu quả của Chương trình 134 ở Hòa Hội
Thứ Sáu, 17/07/2009 18:00 CH
Cách phân biệt tiền giả
Thứ Sáu, 17/07/2009 16:30 CH
Vẫn rắc rối chuyện hóa đơn
Thứ Sáu, 17/07/2009 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek