Thứ Tư, 02/10/2024 07:21 SA
Quản trị rủi ro doanh nghiệp trong suy giảm kinh tế
Thứ Ba, 13/01/2009 14:33 CH

Kinh doanh là một lĩnh vực nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy giảm, khủng hoảng tài chính. Những thay đổi về tỉ giá, biến động giá cả thị trường, pháp luật chưa hoàn chỉnh, tín dụng bị hạn chế, lãi suất quá cao làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp càng thêm rủi ro.

 

HM-Honag090113.jpg
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Phú Yên tại lễ Tuyên dương doanh nghiệp đoạt giải Sao vàng Nam Trung bộ  – Ảnh: N.TRƯỜNG

 

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi đối mặt với những vấn đề trên, dẫn đến hệ quả sản xuất kinh doanh giảm sút, cắt giảm việc làm, lợi nhuận thấp... Vì vậy quản trị rủi ro đã trở thành một yếu tố quan trọng như quản trị tài chính hay quản trị các nguồn lực khác trong doanh nghiệp. Qua nghiên cứu, chúng tôi xin chia sẻ một số quy trình cơ bản của quản trị rủi ro trong doanh nghiệp như sau:

 

Việc đánh giá rủi ro cần được tổ chức định kỳ ít nhất 2 lần/năm do một nhóm các nhân viên giàu kinh nghiệm từ các phòng ban chức năng chính trong doanh nghiệp thực hiện, tập trung vào việc tìm ra các rủi ro tiềm ẩn. Việc quan trọng nhất khi tiến hành đánh giá các rủi ro là phải xây dựng được một bản đánh giá hoàn chỉnh, đầy đủ các mặt hoạt động của doanh nghiệp mình. Những lĩnh vực cần quan tâm khi đánh giá rủi ro gồm:

 

- Đánh giá từ phương thức quản lý của ban lãnh đạo. Đó là khả năng quản lý, đề ra chiến lược, tầm nhìn của doanh nghiệp. Do vậy trong đánh giá cần xác định những nội dung chính như: Cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ trong ban lãnh đạo, các thành viên ban lãnh đạo có thật sự thấu hiểu chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của họ? Ban lãnh đạo có xác định các mục tiêu cho từng giai đoạn theo định hướng chiến lược không? Có xây dựng chính sách nhân sự và chuẩn bị kế hoạch nhân sự kế cận không? Cơ chế ủy quyền, phân nhiệm có rõ và được phân công tới toàn bộ hệ thống không? Có xây dựng được một hệ thống báo cáo kịp thời, tin cậy không?

 

- Đánh giá công tác kế hoạch: Doanh nghiệp có đề ra kế hoạch chiến lược sản xuất kinh doanh và kế hoạch này có được xem xét, cập nhật bổ sung theo yêu cầu thị trường không? Kế hoạch có đo lường được và được tổ chức đo lường giám sát định kỳ, có hình thành hệ thống tiêu chí cơ bản không? Trong kế hoạch có đưa ra các thứ tự ưu tiên không và có được xem xét cập nhật sửa đổi không?

 

- Đánh giá công tác nhân sự: Doanh nghiệp có ấn hành sổ tay cán bộ, nhân viên, có mô tả công việc cho từng cán bộ, nhân viên, có đánh giá thành tích cán bộ, nhân viên định kỳ không? Có thang lương, chính sách xét lương và có được xem xét, hiệu chỉnh theo thị trường không? Có chính sách đào tạo và tổ chức đào tạo, có đánh giá khả năng thôi việc, chuyển công tác của nhân viên chủ chốt không? Có nghiên cứu thị trường hoặc mua thông tin về thị trường lao động để hiệu chỉnh chính sách nhân sự của doanh nghiệp không?

 

- Đánh giá về thực thi pháp luật: Doanh nghiệp có hệ thống cập nhật chính sách pháp luật; có hệ thống theo dõi luật quốc tế hoặc các nước có quan hệ kinh doanh không? Có đội ngũ cán bộ pháp chế; có sử dụng luật sư tư vấn và khi nào sử dụng?

 

- Đánh giá về tài chính: Hệ thống tài chính- kế toán của doanh nghiệp có theo chuẩn mực kế toán quốc gia và quốc tế, có thực hiện nghiêm túc, đúng hạn, có hệ thống báo cáo và giám sát tài chính chủ động không? Có hệ thống đo lường và giám sát giá thành; giá thành có được tính trên cơ sở chi phí thực tế không? Có hệ thống dự báo doanh thu, lợi nhuận và phân tích dòng tiền; có hệ thống kiểm soát kiểm toán nội bộ không? Có chính sách kinh doanh và thẩm quyền phê duyệt các hoạt động mua bán; các hợp đồng kinh tế có được xem xét và đánh giá bởi một nhóm chuyên nghiệp hiểu rõ nội dung hợp đồng không?

 

- Đánh giá về thông tin và công nghệ thông tin: Doanh nghiệp có hệ thống mạng, hệ thống an ninh mạng, hệ thống back- up dữ liệu và chính sách back- up, việc back- up có được kiểm tra định kỳ không? Có hệ thống lưu trữ tài liệu chính xác, dễ tìm, có tổ chức diễn tập khả năng phục hồi dữ liệu trên hệ thống, có quy định về bảo mật và hệ thống mã khóa cá nhân không?

 

- Đánh giá về uy tín doanh nghiệp: Có quan hệ tốt với chính quyền, có được mối liên kết hỗ trợ của đối tác kinh doanh, có uy tín với ngân hàng thông qua các hoạt động tín dụng, có bảo đảm lương và các chính sách đối với người lao động và có đồng hành với giới truyền thông không?

 

HỒ MINH HOÀNG

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek