Chiều 31/12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng các đại biểu đến dự.
Tại điểm cầu Phú Yên, đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng đại diện Sở Tài chính, Cục Thuế Phú Yên, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chi cục Hải quan Phú Yên tham dự.
Năm 2024, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt triển khai nhiệm vụ thu, chi NSNN ngay từ đầu năm; rà soát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, chống thất thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện. Bộ cũng tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 với kết quả thực hiện ước đạt khoảng 197.300 tỉ đồng. Trong đó, miễn, giảm khoảng 99.000 tỉ đồng; gia hạn khoảng 98.300 tỉ đồng.
Trong bối cảnh vẫn phải duy trì các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, các cơ quan thu thuế vẫn quyết liệt nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu. Thu NSNN năm 2024 ước đạt hơn 2 triệu tỉ đồng, bằng 119,1% (tăng 324.400 tỉ đồng) so với dự toán, tăng 15,5% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán.
Chi NSNN ước đến ngày 31/12/2024 đạt khoảng 1,83 triệu tỉ đồng, bằng 86,4% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định; tỉ lệ giải ngân ước đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt khoảng 81,9%); chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán.
Tại Phú Yên, tính đến 30/12/2024, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh là 5.402 tỉ đồng, đạt 100,2% dự toán trung ương và dự toán tỉnh giao, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương là 10.907 tỉ đồng, đạt 98,3% dự toán trung ương và dự toán tỉnh giao.
Năm 2025, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu KT-XH và dự toán NSNN được giao, Bộ Tài chính quyết tâm, chủ động, linh hoạt, thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu chỉ đạo, điều hành đã đề ra. Trong đó tập trung giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tăng cường năng lực dự báo đúng, kịp thời những biến động tình hình kinh tế thế giới và trong nước để đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm xử lý tốt các vấn đề phát sinh.
Bộ Tài chính cũng tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, tài sản công, gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững. Kiểm soát hiệu quả bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế…
VIỆT AN