Các địa phương đang triển khai kế hoạch sản xuất vụ lúa đông xuân 2024-2025. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang chỉ đạo, đôn đốc nông dân tập trung làm đất, gieo sạ đúng cơ cấu giống và khung lịch thời vụ.
Chủ động vào vụ mới
Sau đợt mưa dài ngày, tranh thủ thời tiết nắng dần, bà con nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiến hành cày ải, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân 2024-2025.
Theo ông Phạm Tấn Thơ, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội (huyện Phú Hòa), trong sản xuất lúa, khâu làm đất và vệ sinh đồng ruộng không chỉ giúp hạn chế mầm bệnh lây lan mà còn quyết định việc xuống giống kịp thời vụ. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 12, HTX đã bố trí máy cày làm đất xong lần 1 và đang cho máy cày lật, làm nhuyễn đất lại lần 2 để bừa kéo láng.
“Vụ này, HTX chọn giống lúa BĐR57 để sản xuất trên diện tích 49ha, hiện đã phân bổ xong 1,3 tấn lúa giống về cho bà con xã viên, đợi qua đông chí (21/12) sẽ tiến hành ngâm giống gieo sạ”, ông Thơ chia sẻ.
Canh tác 10 sào đất ruộng, thời điểm này ông Nguyễn Văn Ân ở xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa) đã chủ động làm đất và chuẩn bị sẵn hơn 60kg lúa xác nhận giống Đài Thơm 8 để gieo sạ vụ này. Theo ông Ân, trước đây để tiết kiệm chi phí, ông thường sử dụng lúa thịt từ vụ trước trữ lại để gieo sạ vụ sau, nhưng cách làm này không hiệu quả, tỉ lệ nảy mầm thấp lại lẫn nhiều tạp chất nên năng suất không cao. Lúa xác nhận tuy có giá cao gấp đôi so với lúa thịt, nhưng tỉ lệ nảy mầm, độ sinh trưởng và hiệu quả về năng suất luôn vượt trội.
“Trong sản xuất lúa hiện nay, chúng tôi đã ý thức được việc sử dụng lúa chất lượng cao để gieo sạ, như vậy sẽ hạn chế được các loại cỏ dại và mầm bệnh tồn dư trên ruộng”, ông Ân cho biết.
Tại huyện Tây Hòa, vụ đông xuân năm nay, toàn huyện đưa vào sản xuất hơn 6.500ha. Địa phương đang hướng dẫn nông dân thực hiện tốt việc vệ sinh đồng ruộng, ra quân diệt chuột, ốc bươu vàng, đẩy mạnh cơ giới hóa vào khâu sản xuất, áp dụng kỹ thuật canh tác: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhằm giảm chi phí đầu tư. Ông Đoàn Văn Hùng, nông dân ở xã Hòa Đồng cho biết: Vụ này tôi áp dụng canh tác theo chương trình IPHM. Vì vậy, sau khi thu hoạch 7 sào lúa hè thu, tôi tiến hành phát dọn bờ, vệ sinh đồng ruộng, giữ nước và thuê máy cày ngâm đất nhằm diệt trừ sâu bệnh, giữ độ phì nhiêu cho đất, chuẩn bị gieo sạ.
Bố trí thời vụ, cơ cấu giống hợp lý
Theo Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2024-2025, toàn tỉnh gieo sạ 26.500ha lúa. Để sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thời tiết, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương chủ động cân đối nguồn nước, khoanh vùng sản xuất, tập trung chỉ đạo sản xuất theo từng xứ đồng.
Cụ thể, khu vực chủ động tưới trong hệ thống thủy nông các hồ đập, tập trung gieo sạ từ ngày 20/12/2024-10/1/2025. Các vùng trũng thấp, cuối nguồn nước thuộc huyện Tuy An, TX Đông Hòa, TP Tuy Hòa… khuyến cáo lịch gieo sạ từ ngày 1-10/1 để tránh lũ lụt, ngập úng gây hư hại, mất giống. Vùng nước rút quá chậm, sau ngày 10/1 có thể gieo mạ để cấy, tranh thủ thời gian và rút ngắn thời gian sinh trưởng, lúa trổ bông sớm…
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh còn khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận và cơ cấu hợp lý. Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: 3 giống lúa chủ lực để gieo sạ vụ này là ĐV108, Đài Thơm 8, PY 10; bổ sung các giống lúa ngắn ngày và trung ngày có năng suất, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu sâu bệnh như PY8, OM269-65, CH133, BĐR999, Hà Phát 3, BĐR57, ML232… Đồng thời áp dụng các phương pháp sạ hàng, sạ thưa hợp lý, giảm lượng giống sạ ít hơn 100kg/ha; vùng chủ động tưới tiêu nước có thể sạ hàng, sạ thưa với lượng giống 60-80kg/ha và 40-50kg/ha đối với giống lúa lai.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Hòa cho hay: Tùy theo thời gian sinh trưởng của từng giống lúa và điều kiện canh tác, chúng tôi sẽ bố trí gieo sạ nhanh gọn theo từng vùng để lúa trổ bông tập trung sau tiết kinh trập (5/3) và kịp thu hoạch lúa khoảng trung tuần tháng 4. Cùng với đó đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, đặc biệt sử dụng máy gieo hạt để giảm sản lượng giống.
Còn ông Huỳnh Tấn Ân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Phòng Nông nghiệp huyện đang hướng dẫn và vận động nông dân tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ, vi sinh tại chỗ để bón ruộng, cải tạo độ phì, lượng bón 5-10 tấn/ha đã ủ hoai mục. Bón phân vô cơ theo đúng quy trình kỹ thuật, cân đối hợp lý, đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời kỳ.
Với sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng, các địa phương, sự tích cực lao động của nông dân trên toàn tỉnh, tin rằng sản xuất vụ đông xuân 2024-2025 sẽ thu được nhiều kết quả.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Trọng Tùng |
NGỌC HÂN