Thị trường các quốc gia Hồi giáo (Halal) hiện đang là thị trường tiềm năng của các ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt là các ngành hàng thực phẩm và nông nghiệp.
Với số lượng 2,2 tỉ người tiêu dùng từ thị trường này, các ngành hàng nông sản Việt Nam như được rộng cửa giao thương thế giới.
Nhiều cơ hội khai phá
Với năng lực sản xuất và xuất khẩu hiện nay của ngành nông nghiệp Việt Nam, việc đáp ứng các tiêu chí của nhà nhập khẩu đều được doanh nghiệp thực hiện tốt và mang lại nhiều kết quả khả quan.
Trong những năm qua, ngành nông, lâm, thuỷ sản đã thành công trong việc thâm nhập nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và thị trường gần nhất là Trung Quốc. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030".
Theo Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp Việt Nam có những tăng trưởng đáng kể trong nhiều năm qua. Dự báo trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành là 62 tỉ USD, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 15%. Đây đều là sự nỗ lực của cả hệ thống nông nghiệp.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, mặc dù nông sản, thủy sản đã xuất khẩu đi nhiều thị trường và xúc tiến thương mại đã có hiệu quả nhưng Việt Nam phải bước chân vào những thị trường khó tính, mang tính đặc thù như thị trường Halal.
Qua đó, để các sản phẩm nông sản của Việt Nam có được nhiều phân khúc, nhiều thị trường, kim ngạch xuất khẩu được nhiều hơn.
Trong năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đã chịu nhiều tác động từ biến động chính trị thế giới, giá cước vận tải tăng, cũng như sự thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, nhưng với chất lượng và đặc thù riêng trong từng sản phẩm, ngành nông nghiệp cũng đã có thành tích xuất khẩu đáng mừng.
Là một doanh nghiệp xuất khẩu thành công vào thị trường các nước Hồi giáo (Halal) nhiều năm nay, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu cá ngừ của Bidifisco sang châu Âu bị ảnh hưởng bởi thẻ vàng IUU, nên đơn vị đã đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường Halal, với đơn hàng ngày một tăng.
Hiện sản phẩm của Bidifisco đã đáp ứng các tiêu chuẩn, đạt chứng nhận Halal và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đang được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, đặc biệt các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).
Cũng theo kinh nghiệm của bà Cao Thị Kim Lan, để vào thị trường Halal buộc phải có chứng nhận Halal. Các nước hồi giáo chiếm 1/3 dân số thế giới. Người Hồi giáo sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm xanh, sạch, đạt chứng nhận Halal. Các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí của họ để xuất khẩu bền vững.
Linh hoạt đáp ứng các thị trường Halal
Các chuyên gia ngành nông nghiệp đánh giá, đa số các sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam đều có cơ hội thâm nhập vào thị trường các quốc gia Hồi giáo. Cụ thể, các sản phẩm không có bất cứ nguyên liệu nào bị cấm theo luật Hồi giáo.
Thêm vào đó, trong suốt các khâu sản xuất, sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ phương tiện, thiết bị nào từ vật liệu luật Hồi giáo không cho phép. Đồng thời trong suốt quá trình sản xuất, sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ thực phẩm bổ dưỡng nào từ nguyên liệu luật Hồi giáo không chấp nhận. Vấn đề này đang được các doanh nghiệp quan tâm khắc phục.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng đang hoàn thiện các tiêu chí theo yêu cầu của thị trường Halal, để có thể đưa sản phẩm thuỷ sản vào các thị trường này.
Tuy nhiên, thị trường Halal cũng giống như các thị trường khác ở chỗ, mỗi quốc gia có 1 yêu cầu riêng nào đó, doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thì phải hoàn tất thủ tục các tiêu chí nhỏ này nữa.
Ông Firdauz Bin Othman, Tổng Lãnh sự Malaysia tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, tiêu chuẩn Halal đã được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc này đã đóng góp tích cực cho sự phát triển và gia tăng nhu cầu về các sản phẩm Halal.
Thị trường Halal được tăng trưởng bởi sự phát triển dân số Hồi giáo toàn cầu cũng như nhu cầu về các sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Việc này đã mang đến những cơ hội lớn cho nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam có thể tiếp cận một cách chủ động đến thị trường Halal.
Còn bà Faiza Shafqat, Tham tán Thương mại và Đầu tư, Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam cho biết, Pakistan có hơn 200 triệu dân, 90% là người Hồi giáo, nên nhu cầu thực phẩm Halal rất lớn, đặc biệt là các sản phẩm thịt. Mỗi năm, trung bình Pakistan nhập khẩu 2,7 tỉ USD thịt gà.
Để xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp cần đạt được chứng nhận Halal của Pakistan, với những tiêu chuẩn cụ thể đã công bố trên website của Đại sứ quán. Những người tiêu dùng tại Pakistan cũng luôn tìm kiếm logo Halal trên các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, vì đó là tiêu chuẩn cơ bản cho thực phẩm của người Đạo hồi.
Hiện nay, việc cấp chứng nhận Halal vẫn là một trong những thách thức lớn khi các tiêu chuẩn không đồng nhất giữa các quốc gia Hồi giáo. Mỗi quốc gia lại có những tiêu chuẩn riêng và sẽ cấp chứng nhận theo từng quốc gia hoặc khu vực. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ thị trường trước khi lên kế hoạch sản xuất và xuất khẩu.
Theo TTXVN/Vietnam+