Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành mô hình vườn mẫu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Phong trào xây dựng vườn mẫu không chỉ giúp người dân thay đổi nhận thức, sản xuất khoa học mà còn góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tạo cảnh quan nông thôn mới (NTM) xanh - sạch - đẹp.
Nâng cao thu nhập từ vườn mẫu
Vườn mẫu của gia đình ông Tô Đình Kền ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) để lại nhiều ấn tượng cho những người đến thăm. Vườn rộng gần 24ha, được quy hoạch khoa học, hàng lối thẳng tắp, xanh mướt với hơn 30 loại cây ăn trái các loại đang đến mùa thu hoạch, sai trĩu quả.
Chia sẻ về vườn mẫu của gia đình, ông Kền cho biết: Khu vườn này trước đây là vùng đất đồi hoang hóa, khó trồng trọt nhưng tôi đã cật lực đào xới, cải tạo đất và bắt đầu trồng các loại cây ăn trái từ năm 2016. Năm 2022, sau khi có chủ trương thực hiện vườn mẫu, tôi trở thành người tiên phong trong phong trào xây dựng vườn mẫu ở địa phương.
Để xây dựng thành công vườn mẫu, hướng đến tiêu chí xanh - sạch - đẹp, ngay từ đầu ông Kền đã chọn phương pháp trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, sinh học; đầu tư mua các loại máy làm đất, cắt cỏ và lắp đặt hệ thống tưới tự động. Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây trái của gia đình ông luôn đạt sản lượng cao, được thị trường đón nhận. “Mỗi năm, vườn cho thu hoạch khoảng 150 tấn trái cây các loại. Riêng bưởi da xanh và ổi lê là 2 cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình gần 350 triệu đồng/năm”, ông Kền phấn khởi nói.
Năm 2020, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, ông Lê Văn Khương ở thôn Phú Hội, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) đã mạnh dạn đăng ký xây dựng vườn mẫu với mô hình trồng lan rừng. Đến nay, sau gần 4 năm, khu vườn của ông Khương là điển hình tiêu biểu, góp phần giúp địa phương đạt các tiêu chí NTM nâng cao.
Theo ông Khương, với diện tích trên 2.000m2, ông đã đầu tư thiết kế lại khu vườn, lắp đặt hệ thống tưới phun sương trong nhà màng để trồng các loại lan rừng như: lan hạc vỹ, phi điệp, quế lan hương, nghinh xuân, lan kiếm, thủy tiên, hài... và các loại lan công nghiệp khác. Ngoài đầu tư, kinh doanh vườn lan, ông Khương còn mở rộng mô hình trồng trọt (keo, sắn, mía) và chăn nuôi bò. Bình quân thu nhập sau khi trừ chi phí của gia đình gần 700 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập từ vườn lan gần 500 triệu đồng.
“Thời gian đầu triển khai, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc. Nhưng qua tham quan, học hỏi ở một số mô hình và sự cố vấn, giúp đỡ của địa phương, tôi đã trồng và nhân giống thành công nhiều loại lan mới có giá trị, đã bán ra thị trường cả nước và được những người chơi lan đánh giá cao”, ông Khương chia sẻ.
Nâng tầm nông thôn mới
Xác định rõ vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng vườn mẫu, tháng 4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xây dựng vườn mẫu NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, để được công nhận đạt chuẩn vườn mẫu, các vườn phải đảm bảo đạt 5 tiêu chí gồm: quy hoạch và thực hiện quy hoạch; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm từ vườn; cảnh quan, môi trường và thu nhập.
Để vườn mẫu phát triển hiệu quả và có tính lan tỏa, ngoài hỗ trợ của chính quyền địa phương thì bản thân hộ làm vườn phải chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; đồng thời liên kết các hộ kinh doanh trong và ngoài tỉnh tạo đầu mối tiêu thụ sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững.
Ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh |
Cùng với các tiêu chí cụ thể, tỉnh đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan căn cứ tiêu chí, chỉ tiêu được phân công phụ trách để ban hành hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí và quy định điều kiện, trình tự, thủ tục xét công nhận và công bố vườn mẫu đạt chuẩn.
Theo bà Trần Thị Nguyệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Hòa, với mục tiêu phát triển kinh tế vườn hộ gắn với xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp, phong trào xây dựng vườn mẫu được triển khai rộng rãi tại các địa phương trên địa bàn huyện.
“Phong trào đã giúp người dân có động lực quy hoạch cải tạo vườn tạp, đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Các sản phẩm từ vườn là kết quả của sự lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và nhu cầu tiêu thụ, thị hiếu của thị trường. Bên cạnh đó, yếu tố cảnh quan, môi trường cũng được các hộ đầu tư quan tâm”, bà Nguyệt cho biết.
Tương tự, tại huyện Đồng Xuân, phong trào xây dựng vườn mẫu đang được chú trọng thực hiện. Các xã, thị trấn tích cực vận động người dân cải tạo vườn tạp, hướng tới xây dựng vườn mẫu đạt chuẩn. Ông Huỳnh Tuấn Ân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: Những khu vườn được cải tạo sạch, đẹp không chỉ mang đến diện mạo khang trang cho hạ tầng cơ sở mà còn giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước khởi sắc.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò kinh tế vườn; vận động những hộ có khả năng tiếp tục xây dựng thêm nhiều vườn mẫu nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần cùng địa phương thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM.
Đánh giá về hiệu quả trong phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, xây dựng vườn mẫu trên địa bàn tỉnh, ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho hay: Đến nay, toàn tỉnh có 31 vườn được công nhận vườn mẫu NTM. Các vườn mẫu thực sự là mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Với mức đầu tư không lớn, đây là mô hình có tính khả thi cao, là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Bên cạnh đó, việc xây dựng và nhân rộng các vườn mẫu còn trực tiếp góp phần vào thực hiện, nâng cao một số chỉ tiêu của tiêu chí môi trường, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất… trong xây dựng NTM.
NGỌC HÂN