Tiêm phòng vắc xin đợt II/2024 cho vật nuôi gần kết thúc, tuy nhiên tỉ lệ tiêm phòng còn thấp. Để đạt tỉ lệ tiêm phòng theo yêu cầu, người chăn nuôi cần phải tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng hơn nữa.
Nỗ lực tiêm phòng
Từ ngày 15/8, ngành Thú y và các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đồng loạt tổ chức tiêm phòng vắc xin đợt II/2024 cho vật nuôi. Theo kế hoạch, đợt tiêm phòng vắc xin này sẽ kết thúc vào ngày 31/10 tới. Tuy nhiên hiện nay, tỉ lệ tiêm phòng nhiều loại vắc xin còn thấp, chưa đạt quy định về phòng chống dịch.
Số liệu thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, tổng đàn trâu, bò trong diện buộc phải tiêm phòng đợt này của toàn tỉnh gần 101.500 con; tính đến ngày 14/10, toàn tỉnh đã có 75.631 con trâu, bò được tiêm vắc xin lở mồm long móng (LMLM), chiếm khoảng 75%. Các loại vắc xin còn lại có tỉ lệ tiêm khá thấp. Cụ thể, vắc xin tụ huyết trùng trâu bò tiêm được 14% tổng đàn. Đàn gà, vịt cũng mới tiêm khoảng 162.000 liều vắc xin cúm gia cầm, trong khi tổng đàn gia cầm toàn tỉnh có khoảng 4,5 triệu con.
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An, tổng đàn trâu, bò toàn huyện trong diện tiêm phòng đợt này có hơn 21.100 con. Đến nay, các địa phương đã tiêm được khoảng 15.000 liều vắc xin LMLM, chiếm 69%; vắc xin tụ huyết trùng tỉ lệ tiêm khá thấp, toàn huyện chỉ mới tiêm được 1.575 liều.
Với quyết tâm tiêm đạt tỉ lệ quy định, trước khi tổ chức tiêm phòng, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đồng Xuân đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền đến người chăn nuôi về những quy định và hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi từ việc tiêm vắc xin. Cùng sự hỗ trợ tích cực từ các xã, thị trấn, qua 2 tháng triển khai, toàn huyện có khoảng 10.000 con trâu, bò được tiêm vắc xin LMLM, đạt 81%. Riêng vắc xin tụ huyết trùng, hiện toàn huyện chỉ mới tiêm được 11% tổng đàn.
Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đồng Xuân Nguyễn Phương Thảo cho biết: “Mùa này thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm cao… là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh tụ huyết trùng phát tán, lây lan, gia súc dễ ủ bệnh sẵn trong cơ thể. Vì vậy, địa phương không tiêm đồng loạt các mũi tiêm, mà tiêm vắc xin LMLM trước, sau đó mới tiếp tục tiêm vắc xin tụ huyết trùng. Việc tách tiêm riêng từng mũi vắc xin làm cho công tác tiêm kéo dài, nhưng đổi lại sẽ đảm bảo an toàn hơn cho đàn gia súc, hạn chế tình trạng phản ứng sau tiêm”.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm, để đảm bảo công tác tiêm phòng vắc xin đợt này, từ tháng 8, chi cục đã tổ chức lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh vật nuôi cho hơn 100 cán bộ, đội ngũ thú y các xã, thị trấn trong toàn tỉnh. Qua đó, lực lượng làm công tác thú y ở các địa phương được bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm về việc bảo quản vắc xin, cách tiêm phòng vắc xin để đạt hiệu quả cao nhất… Đồng thời hướng dẫn các cán bộ, đội ngũ thú y cơ sở cách xử lý cho vật nuôi khi xuất hiện phản ứng sau tiêm phòng.
Người nuôi cần tích cực phối hợp
Để công tác tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi đạt kết quả cao, ngoài nỗ lực của các ngành chức năng thì người chăn nuôi phải có ý thức, phối hợp tốt hơn. Trong đợt tiêm phòng lần này, Nhà nước hỗ trợ vắc xin LMLM cho đàn trâu, bò toàn tỉnh và vắc xin cúm gia cầm cho đàn gà, vịt của huyện Phú Hòa và TX Đông Hòa. Người chăn nuôi ở các địa phương khác phải tự mua vắc xin cúm gia cầm và tụ huyết trùng để tiêm phòng cho vật nuôi của gia đình.
Vì vậy, ngoài những lý do về thời tiết, sức khỏe vật nuôi không ổn định thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tỉ lệ tiêm phòng các loại vắc xin này luôn thấp trong nhiều đợt tiêm phòng trước là bởi người dân vẫn còn trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước mà không mua vắc xin phòng dịch. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người chăn nuôi hiểu được những rủi ro nếu không tiêm phòng cũng như hiệu quả phòng dịch của việc tiêm phòng vắc xin.
Chủ tịch UBND xã Đa Lộc Nguyễn Hữu Duy cho hay: Trước khi triển khai tiêm phòng, xã đã tổ chức họp, phân công các hội đoàn thể tuyên truyền cho người dân; đồng thời rà soát danh sách các hộ nuôi không tiêm phòng trong đợt trước để đến tận nhà vận động. Các hộ không chịu phối hợp tiêm phòng phải ký cam kết chịu mọi trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong trường hợp lây lan dịch bệnh từ vật nuôi của gia đình sang các hộ xung quanh… Nhờ quyết liệt trong công tác triển khai, đến nay, 91% đàn trâu, bò của xã Đa Lộc được tiêm vắc xin LMLM và gần 35% đàn vật nuôi được tiêm vắc xin tụ huyết trùng.
Ông Trần Văn Thành ở xã Đa Lộc cho biết: Sau khi được chính quyền địa phương vận động, giải thích, gia đình tôi đã thống nhất thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn bò gồm vắc xin LMLM được tiêm miễn phí và vắc xin tụ huyết trùng tự mua với chi phí vắc xin và công tiêm khoảng 15.000 đồng/mũi.
Muốn đạt được tính bảo hộ thì tỉ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi phải đạt tối thiểu 80% tổng đàn trong diện tiêm. Vì vậy, người chăn nuôi phải có ý thức, trách nhiệm chung trong cộng đồng chăn nuôi để cùng chung tay phòng ngừa dịch bệnh đạt hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh |
THỦY TIÊN