Thời gian qua, ngành Ngân hàng Phú Yên thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật, thông tin về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và cách phòng chống… Qua đó giúp cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng có thêm kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao ý thức cảnh giác đối với loại tội phạm này.
Hơn 100 vụ lừa đảo trong 2,5 năm
Từ năm 2022 đến tháng 6/2024, toàn tỉnh xảy ra 101 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với tổng thiệt hại gần 60 tỉ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm nay xảy ra 34 vụ, tăng 14 vụ (tương đương 70%) so với cùng kỳ năm 2023, có vụ thiệt hại hơn 8 tỉ đồng. “Đây là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi con số thống kê của cơ quan chức năng chỉ ghi nhận số vụ mà người dân phản ánh, trình báo. Thực tế số vụ liên quan đến tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng còn lớn hơn nhưng vì nhiều lý do mà nạn nhân không báo cáo”, trung tá Trần Tuấn, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh cho biết.
Theo thống kê, tại Phú Yên, khoảng 70% nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là nữ; còn trên toàn quốc, tỉ lệ này lên đến 90%. Trung tá Trần Tuấn, Phó Trưởng phòng PA05 Công an tỉnh |
Theo trung tá Trần Tuấn, hiện nay có khoảng 24 hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng được cơ quan chức năng nhận diện, thống kê. Phổ biến là thủ đoạn giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện đe dọa, sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân; sử dụng công nghệ AI tạo ra các đoạn video giả danh tính để thực hiện cuộc gọi lừa đảo; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp, mua combo du lịch giá rẻ; lừa đảo tuyển cộng tác viên online, chuyển tiền từ thiện… Các đối tượng cũng giả danh nhân viên nhà mạng, ngân hàng, công ty chứng khoán… yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, sau đó chiếm quyền sử dụng điện thoại và đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng. Tội phạm còn xâm nhập, hack tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo của người dùng để nhắn tin cho bạn bè, người thân hỏi vay tiền…
“Các phương thức, thủ đoạn nói trên liên tục được cơ quan công an và các ngành chức năng cảnh báo nhưng người dân vẫn bị lừa. Có những vụ, tội phạm sử dụng phương thức cũ nhưng thủ đoạn, kịch bản biến tấu tinh vi nên nhiều người vẫn sập bẫy”, đại diện PA05 cho hay.
Điều đáng lo ngại là hiện nay, công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu do phương thức, thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi; hoạt động có tổ chức, liên kết trong - ngoài nước. Tình hình lộ, lọt và mua bán, trao đổi thông tin cá nhân diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước về sim điện thoại, tài khoản ngân hàng và các dịch vụ trung gian thanh toán chưa chặt chẽ; cơ chế phối hợp giữa các đơn vị chức năng chưa đồng bộ, chưa hiệu quả và còn mang nặng thủ tục hành chính. Trang thiết bị kỹ thuật, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng còn hạn chế...
“Đặc biệt, ý thức cảnh giác của người dân chưa cao, hầu hết các trường hợp người bị hại tự để lọt thông tin cá nhân trên mạng xã hội, tạo điều kiện cho kẻ gian thu thập, nắm bắt, từ đó xây dựng kịch bản lừa nạn nhân vào bẫy”, trung tá Trần Tuấn cho biết thêm.
Đồ họa: VIỆT AN |
Củng cố chốt chặn cuối cùng
Xác định ngân hàng là khâu chốt chặn cuối cùng giúp khách hàng bảo vệ tài sản, thời gian qua, ngành Ngân hàng Phú Yên thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật, thông tin tuyên truyền về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và cách phòng chống… cho cán bộ, nhân viên toàn ngành. Nhờ vậy, nhiều trường hợp nhân viên ngân hàng đã cảnh giác, giúp khách hàng tránh mất tiền khi bị các đối tượng lừa đảo.
Cụ thể, vào tháng 5/2024, chị Bùi Thị Thanh Truyền, giao dịch viên của Phòng giao dịch Tuy An - BIDV Phú Yên đã ngăn chặn thành công một người dân bị đối tượng giả danh viện kiểm sát hăm dọa, lừa đảo nhằm chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng. Vào tháng 8/2024, chị Nguyễn Thị Như Khoa, giao dịch viên của VietinBank Phú Yên cũng chủ động phát hiện và kịp thời ngăn chặn thành công một vụ nghi lừa đảo chiếm đoạt tài sản 100 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Như Khoa cho biết: Trong quá trình làm việc, Ban giám đốc VietinBank Phú Yên thường xuyên tuyên truyền, quán triệt cho cán bộ, nhân viên ngân hàng về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua không gian mạng. Nhờ vậy, tôi nâng cao tinh thần cảnh giác. Khi phát hiện giao dịch có dấu hiệu lừa đảo, tôi đã kịp thời cảnh báo, thông tin cho khách hàng biết để hủy giao dịch.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nhuy, Giám đốc KienlongBank Phú Yên thì cho hay: Với 4 điểm giao dịch ở TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và các huyện Tuy An, Sơn Hòa, hiện chi nhánh có gần 12.000 khách hàng trên địa bàn tỉnh. Để giúp bảo vệ an toàn tài sản cho khách hàng, KienlongBank Phú Yên thường xuyên thông tin các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đồng thời hướng dẫn cho người lao động, nhân viên ngân hàng kỹ năng, phương pháp xử lý tình huống khi phát hiện hành vi lừa đảo, nhất là trong tiếp xúc với khách hàng, người dân...
Theo ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, thời gian tới, ngành Ngân hàng Phú Yên sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho cán bộ, nhân viên ngân hàng và khách hàng về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong lĩnh vực ngân hàng. Các đơn vị trong ngành cũng sẽ thực hiện tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ lực lượng công an phòng ngừa, điều tra, xử lý kịp thời tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Ngoài ra, các ngân hàng còn tiếp tục quan tâm quán triệt, triển khai cho cán bộ, nhân viên nắm vững, thực hiện tốt quy định pháp luật liên quan nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhằm củng cố chốt chặn cuối cùng, đem lại sự ổn định không chỉ cho ngành Ngân hàng mà còn cho hoạt động KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Dấu hiệu nhận diện người bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng
Theo trung tá Trần Tuấn, Phó Trưởng phòng PA05 Công an tỉnh, đa số người bị lừa đảo sẽ mất bình tĩnh, gấp gáp, vì theo yêu cầu của đối tượng, nạn nhân phải hoàn thành nhiệm vụ ngay mới rút tiền trong hệ thống; hoặc kẻ giả mạo công an, viện kiểm sát, tòa án đưa ra các tình huống pháp lý để đe dọa, khống chế tâm lý của người bị hại. Khách hàng cũng sẽ thực hiện nhiều lần việc chuyển tiền trong một thời gian ngắn, đến cùng một tài khoản, số tiền chuyển lần sau cao hơn lần trước.
Trong tình huống nói trên, nhân viên ngân hàng nên khéo léo tác động, trấn an tâm lý khách hàng và gợi hỏi nắm bắt thêm thông tin về việc giao dịch chuyển tiền của khách hàng. Đồng thời tuyên truyền giải thích về các nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản để khách hàng nhận thức lại sự việc hoặc chủ động báo cáo cơ quan công an phối hợp xử lý.
VIỆT AN |
LÊ HẢO