Thời gian gần đây, cơ quan công an liên tiếp nhận đơn trình báo của người dân về việc bị lừa từ vài trăm triệu đồng đến vài tỉ đồng vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng… Thủ đoạn của các đối tượng không mới nhưng tinh vi, núp bóng dưới nhiều hình thức, người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhân viên ngân hàng hướng dẫn khách hàng các biện pháp đảm bảo an toàn khi giao dịch trực tuyến. Ảnh: LÊ HẢO |
7 ngày, bị lừa đảo gần 7 tỉ đồng
Chiều 22/8 vừa qua, chị T.T.H (huyện Phú Hòa) đến VietinBank Phú Yên thực hiện giao dịch nộp tiền mặt để chuyển 100 triệu đồng cho người nhận là Nguyễn Thị N, mở tài khoản tại VietinBank Hà Nội. Trong khi giao dịch, chị H liên tục nhận được điện thoại gọi đến để hối thúc chị nhanh chóng chuyển tiền.
Theo chị H, chị mới quen một người đàn ông trên mạng xã hội khoảng 3 tháng, người đó tự giới thiệu đang làm việc tại một tập đoàn lớn và hướng dẫn chị chuyển tiền cho người tên N là đối tác làm ăn để đầu tư dự án kiếm lời. Khi đến VietinBank Phú Yên làm thủ tục chuyển tiền, nhờ nhân viên ngân hàng cảnh giác, phân tích đây là một trong những hình thức lừa đảo, chị H đã hủy giao dịch.
Không may mắn như chị H, từ đầu năm 2024 đến nay, theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, đơn vị này đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền thiệt hại lên đến hàng chục tỉ đồng. Đặc biệt trong 7 ngày (từ 21-28/8), Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tiếp nhận 4 đơn tố cáo của người dân trên địa bàn tỉnh, với cùng thủ đoạn kêu gọi đầu tư tài chính sinh lợi nhuận trên không gian mạng.
Cụ thể, ngày 21/8, bà L.T.H (TX Đông Hòa) tố giác bị các đối tượng kêu gọi đầu tư trên thị trường khách sạn, dầu khí lừa hơn 1 tỉ đồng. Ngày 23/8, bà N.T.N.T (huyện Sông Hinh) tố giác bị các đối tượng kêu gọi đầu tư mua bán hàng hóa trên mạng lừa hơn 2,2 tỉ đồng. Trong ngày 28/8, cơ quan công an tiếp nhận 2 đơn tố giác của bà P.M.N (huyện Tuy An) tố giác bị các đối tượng kêu gọi đầu tư bán xăng dầu để kiếm lời, bị lừa hơn 2,7 tỉ đồng và ông B.T (TX Đông Hòa) tố giác bị các đối tượng kêu gọi đầu tư tiền ảo trên ứng dụng “OKX: Mua BTC, SOL & Crypto”, bị lừa hơn 600 triệu đồng.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, các đối tượng mạo danh những tập đoàn, doanh nghiệp lớn để xây dựng lòng tin, mối quan hệ với nạn nhân, kêu gọi đầu tư vào dự án, hứa hẹn lợi nhuận cao rồi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn này không mới nhưng được thực hiện ngày càng tinh vi, núp bóng dưới nhiều hình thức, đánh vào tâm lý ham lợi nhuận của các nhà đầu tư để lừa đảo.
Tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức cảnh giác
Để tránh bị lừa đảo, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh khuyến cáo người dân cẩn trọng trước những lời mời kết bạn trên mạng xã hội, cảnh giác với các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, đồng thời cân nhắc kỹ khi tham gia vào các nhóm đầu tư tài chính. Người dân cũng cần xác minh danh tính của đối tượng hoặc gặp gỡ trực tiếp nếu có thể, không nên vội vàng làm theo những yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng; cảnh giác với những yêu cầu gửi tiền, đầu tư hoặc tham gia các giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, người dân không nên tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế quảng cáo lãi suất cao, tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính…
Nhằm góp phần ngăn chặn tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, bà Đỗ Thị Bích Diệu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cho biết, thời gian qua, đơn vị thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, nhân viên ngân hàng, khách hàng kiến thức pháp luật, phương thức, thủ đoạn và các kỹ năng nhận biết, phòng ngừa hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, kỹ năng trong phòng, chống tội phạm trên không gian mạng cho cán bộ, nhân viên ngân hàng trong quá trình làm việc nhằm ngăn chặn kịp thời các giao dịch lừa đảo, bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Theo bà Đặng Thị Bích Triêm, Phó Giám đốc VietinBank Phú Yên, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, Ban Giám đốc VietinBank Phú Yên đã tăng cường quán triệt, thường xuyên phổ biến, truyền thông đến cán bộ ngân hàng và khách hàng về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua không gian mạng. “Trong quá trình giao dịch trực tiếp với khách hàng, khi phát hiện các giao dịch có dấu hiệu nghi vấn, nhân viên ngân hàng sẽ tìm hiểu, giải thích ngay cho khách hàng biết về phương thức, thủ đoạn của tội phạm để khách hàng hiểu và ngừng ngay giao dịch. Trường hợp cần thiết, ngân hàng có thể phối hợp cơ quan công an và các cơ quan khác giải quyết”, bà Đặng Thị Bích Triêm khẳng định.
LÊ HẢO