Bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống đang là hướng đi được nhiều địa phương trong tỉnh hướng đến. Để khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng miền, các địa phương tiếp tục lồng ghép hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ mở rộng sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Làng nghề trồng dâu nuôi tằm Mỹ Thạnh Tây, đan đát Thạnh Đức, bánh tráng Long Bình là 3 làng nghề sẽ được hỗ trợ để khôi phục và phát triển trong năm 2024. Ảnh: NGỌC HÂN |
Khơi dậy tiềm năng, lợi thế
Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 20 làng nghề được công nhận theo Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Để bảo tồn và phát triển làng nghề, tỉnh đã phê duyệt nhiều đề án, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển giao cho các sở, ngành, địa phương triển khai.
“Hầu hết các làng nghề ở khu vực nông thôn đang hoạt động cầm chừng. Do vậy, phát triển làng nghề và giữ nghề là bài toán khó, bởi giữ nghề - giữ làng nghề cốt lõi phải đảm bảo được đời sống cho người dân. Từ thực tế đó, chi cục chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt toàn bộ hoạt động của làng nghề hiện nay, tham mưu cho Sở NN&PTNT phối hợp các địa phương định hướng phát triển làng nghề gắn với phát triển sản phẩm OCOP, phục vụ du lịch nông thôn”, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho hay.
Sau khi có kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025, chi cục phối hợp với các địa phương hỗ trợ phát triển các làng nghề đã có sản phẩm OCOP được công nhận, có tiềm năng tạo sản phẩm OCOP, nhằm góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề, giữ nghề truyền thống.
Tại TX Sông Cầu, nhắc đến các sản phẩm OCOP đi lên từ làng nghề, không thể không nhắc đến nước mắm Tân Lập, rượu Quán Đế, muối Tuyết Diêm… Từ khi được công nhận và xếp hạng OCOP, các sản phẩm đã tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết: Chương trình OCOP đã góp phần đưa những sản phẩm truyền thống của các làng nghề có mặt ở những cửa hàng tiện lợi, siêu thị và các trang thương mại điện tử. Hiện 25/25 sản phẩm OCOP đã được công nhận của thị xã đều có doanh số bán hàng tăng 30% trở lên so với trước khi tham gia chương trình; quy mô sản xuất, giá trị thương hiệu của sản phẩm đều được nâng lên.
Bà Trần Thị Nguyệt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Hòa cho hay: Trên địa bàn huyện có 5 làng nghề có sản phẩm OCOP. Đây là điểm thuận lợi để Phú Hòa đầu tư cho các làng nghề này gắn với Chương trình OCOP, nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn.
Nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống
Với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển KT-XH khu vực nông thôn bền vững, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; trên cơ sở Đề án khôi phục phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch trên địa bàn Phú Yên giai đoạn 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2021, mới đây, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch khôi phục, phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo đó, năm 2024, tỉnh phấn đấu công nhận mới từ 1-2 làng nghề; hỗ trợ phát triển sản phẩm làng nghề đăng ký thực hiện Chương trình OCOP, trong đó có ít nhất 6 sản phẩm của các làng nghề đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; xây dựng, thực hiện các dự án, mô hình phát triển làng nghề gắn với liên kết chuỗi giá trị.
Ngoài ra, một số làng nghề truyền thống như: Làng nghề bánh tráng Long Bình ở thị trấn La Hai và làng nghề đan đát Thạnh Đức ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân); làng nghề trồng dâu nuôi tằm Mỹ Thạnh Tây (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) sẽ được hỗ trợ về vốn đầu tư, đào tạo nghề, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho các làng nghề được khôi phục và phát triển.
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: Trước nguy cơ mai một các làng nghề truyền thống, Sở NN&PTNT đã và đang chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá thực tế tình hình hoạt động và gặp gỡ, trao đổi với các hộ làm nghề, khuyến khích họ tiếp tục bảo tồn và phát huy truyền thống làng nghề. Qua đó, sở đề xuất các giải pháp trình UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn, giải quyết một số vấn đề liên quan đến phát triển làng nghề.
Theo ông Mai Ne, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, hiện địa phương có 2 làng nghề truyền thống được công nhận. Để hỗ trợ, huyện đang tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề theo quy định tại Nghị định 52 của Chính phủ.
“Đối với làng nghề đan đát Vinh Ba, địa phương tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng và định hướng xây dựng thành các sản phẩm OCOP. Còn đối với làng nghề trồng dâu nuôi tằm Mỹ Thạnh Tây, để vực dậy làng nghề, ngoài việc hỗ trợ phát triển trồng giống dâu mới với diện tích 1,1ha, huyện đã phê chuẩn hỗ trợ HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong đầu tư nhà nuôi tằm tập trung với diện tích 200m2, kinh phí 1,2 tỉ đồng; đồng thời vừa đánh giá, công nhận lại sản phẩm rượu tằm Hòa Phong đạt OCOP 3 sao”, ông Mai Ne thông tin.
Ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Để tạo động lực cho các làng nghề từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, địa phương đã và đang hỗ trợ, tạo điều kiện để HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất, phát triển làng nghề thông qua các hoạt động như: hỗ trợ xây dựng hạ tầng, mặt bằng sản xuất, chuyển giao công nghệ và phát triển du lịch cộng đồng tại làng nghề.
Năm 2024, tỉnh phấn đấu công nhận mới từ 1-2 làng nghề; hỗ trợ phát triển sản phẩm làng nghề tham gia đăng ký thực hiện Chương trình OCOP, trong đó có ít nhất 6 sản phẩm của các làng nghề đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. |
NGỌC HÂN