Thứ Hai, 25/11/2024 18:29 CH
Mở ra cơ hội khai thác tiềm năng đất đai lâm nghiệp
Thứ Năm, 15/08/2024 10:00 SA

Thực hiện Nghị định 91 sửa đổi, bổ sung, ngành Lâm nghiệp sẽ tập trung trồng rừng thay thế, tăng độ che phủ trong thời gian tới. Ảnh: NGÔ NHẬT

Sở NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018. Đây là cơ sở để ngành Lâm nghiệp Phú Yên hướng đến những chương trình, mục tiêu phát triển trong thời gian tới.

 

Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Xuân Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh liên quan đến các nội dung nghị định sửa đổi, bổ sung của Chính phủ.

 

Ông Huỳnh Xuân Quang

* Nghị định 91/2024/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp có ý nghĩa như thế nào với ngành Lâm nghiệp, thưa ông?

 

- Nghị định 91/2024/NĐ-CP (Nghị định 91) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ những tồn tại mà các địa phương phản ánh trong thời gian qua, trong đó có Phú Yên.

 

Những sửa đổi, bổ sung của Nghị định 91 thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương, chủ rừng trong hoạt động lâm nghiệp.

 

Bên cạnh đó, Nghị định 91 tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy chế quản lý rừng về quản lý hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng; quy định cụ thể quản lý các hoạt động xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; quy định cụ thể “Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất” là dự án đầu tư có sử dụng môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và dự án cơ cấu phần xây dựng thực hiện theo pháp luật về xây dựng. Đây là điều mà Nghị định 156/2018/NĐ-CP trước đây chưa quy định cụ thể.

 

Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Nghị định 91 quy định thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng chỉ còn một cấp là HĐND cấp tỉnh (trước đây là Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ). Như vậy, HĐND tỉnh quyết định chủ trương, gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng, không phân biệt về quy mô diện tích rừng để trình các cấp khác nhau, đồng thời đơn giản hóa trình tự thủ tục hành chính từ 50 ngày xuống 35 ngày. Thêm nữa, tiêu chí dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên được mở rộng hơn về đối tượng.

 

Nghị định 91 còn điều chỉnh diện tích khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ; bổ sung quy định nội dung, trình tự và thủ tục điều chỉnh diện tích khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ… Các quy định cụ thể đầy đủ trình tự về thủ tục giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng đều thể hiện sự thống nhất, đồng bộ với trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất.

 

Ngoài ra, Nghị định 91 còn bổ sung quy định về điều tiết phù hợp cho diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững.

 

* Ngành Lâm nghiệp Phú Yên có những kiến nghị, vướng mắc gì trong quá trình triển khai Nghị định 91, thưa ông?

 

- Như tôi đã nói, Nghị định 91 tháo gỡ những vướng mắc rất giá trị cho ngành Lâm nghiệp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu việc trồng rừng thay thế vẫn còn một số nội dung cần làm rõ để triển khai.

 

Trước đây, Thông tư 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng NN&PTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Theo đó, trồng rừng thay thế là trồng rừng mới trên diện tích đất chưa có rừng hoặc trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng không thành rừng đã hoàn thành việc thanh lý rừng trồng. Tuy nhiên, nội dung này đã được bãi bỏ, không được quy định cụ thể tại Thông tư 22/2023/TT-BNNPTNT.

 

Người DTTS ở các huyện miền núi sẽ được quan tâm, tạo điều kiện cải thiện sinh kế khi tham gia trồng rừng thay thế. Ảnh: NGÔ NHẬT

 

Chi cục Kiểm lâm đã hỏi ý kiến của Cục Lâm nghiệp về các nội dung đất trồng rừng thay thế, như: Trồng lại rừng sau khai thác rừng trồng, do chất lượng rừng kém nguồn thu sản phẩm không đủ để trồng lại rừng; trồng rừng trên đất phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật không tìm ra đối tượng; trồng rừng trên đất thanh lý hợp đồng giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân đã khai thác rừng trồng trả lại đất vì không đúng đối tượng giao khoán theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng các ban quản lý không có nguồn vốn khác để trồng rừng; rừng trồng thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng, nắng hạn chết chưa hoàn thiện thủ tục thanh lý, vì chưa có văn bản pháp luật quy định về thủ tục thanh lý rừng trồng; rừng bị cháy do điều tra, giám định kéo dài, cần khắc phục trồng lại rừng ngay để đảm bảo độ che phủ của rừng...

 

* Thời gian tới, ngành Lâm nghiệp tỉnh sẽ tập trung khai thác những thế mạnh nào, thưa ông?

 

- Trên cơ sở Nghị định 91 sửa đổi, bổ sung, ngành Lâm nghiệp tập trung thực hiện các nội dung để khai thác tiềm năng đất đai quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục hoàn chỉnh chuyển loại rừng theo quy hoạch mới được phê duyệt (Quyết định 658/QĐ-UB của UBND tỉnh), cắm mốc ranh giới để làm cơ sở thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của chủ rừng, thúc đẩy giao rừng cho hộ gia đình cá nhân.

 

Ngành Lâm nghiệp tập trung quản lý bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến, lập hồ sơ quản lý rừng, làm tốt công tác trồng rừng thay thế nhằm đảm bảo độ che phủ đạt 48% vào năm 2025 và giữ ổn định độ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2030.

 

Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung triển khai có hiệu quả các đề án của ngành, trong đó chú trọng các đề án đem lại lợi ích kinh tế cho chủ rừng, cải thiện sinh kế cho người dân. Đáng chú ý là: Đề án thuê môi trường rừng kinh doanh du lịch sinh thái, Đề án phát triển giá trị đa dụng của rừng, Đề án trồng dược liệu trên đất lâm nghiệp và các chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo chính sách của Nghị định 58/2024/NĐ-CP.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

NGÔ NHẬT (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek