Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III vừa có báo cáo kết quả khảo sát, quan trắc đột xuất tình hình thủy sản chết (từ ngày 22-24/6) tại đầm Cù Mông thuộc xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu).
Người nuôi ướp đá lạnh để đưa cá đi tiêu thụ nhằm gỡ gạc một phần vốn đầu tư. Ảnh: ANH NGỌC |
Kết quả phân tích mẫu nước (lấy ngày 24/6) cho thấy, 4/14 thông số môi trường nước tầng mặt và 6/14 thông số nước tầng đáy nằm ngoài giới hạn cho phép (GHCP). Cụ thể, ôxy hòa tan (DO) ở tầng mặt là 3,98mg/1, ở tầng đáy là 3,06mg/l, thấp hơn GHCP là 5mg/1. Hàm lượng NH4+-N vượt GHCP ở cả 2 mẫu phân tích, trong đó hàm lượng NH4+-N ở mẫu tầng mặt là 0,33mg/1, tầng đáy là 0,37mg/1, cao hơn so với GHCP là 0,1mg/1. Nhu cầu ôxy hóa học (COD) cả 2 mẫu thu đều vượt GHCP, trong đó hàm lượng COD ở mẫu thu tầng mặt là 8,3mg/1, tầng đáy là 4,7mg/1, cao hơn so với GHCP là 4mg/1. Mật độ vibrio tổng số cả 2 mẫu thu ở tầng mặt và tầng đáy đều vượt hơn 103cfu/ml (tầng mặt là 2,6 x 103cfu/ml; tầng đáy là 4,7 x 103cfu/ml). Hàm lượng PO43--P mẫu tầng đáy vượt GHCP. Mật độ conform tổng số, mẫu thu ở tầng đáy vượt GHCP. Ngoài ra, nhiệt độ ở thời điểm khảo sát khá cao (lúc 18 giờ 15), tầng mặt là 31,70C, tầng đáy là 30,60C.
Kết quả đánh giá chất lượng môi trường nước theo chỉ số AWQI (chỉ số chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản) cho thấy, tại vùng khảo sát, chất lượng nước tầng mặt ở mức kérn (AWQI = 40) và tầng đáy ở mức rất kém (AWQI = 20). Chất lượng nước chưa phù hợp cho nuôi trồng thủy sản lồng, bè tại khu vực khảo sát.
Từ các kết quả khảo sát, đo đạc hiện trường và phân tích mẫu cho thấy, hàm lượng DO thấp, chưa phù hợp cho nuôi tôm hùm và cá biển nuôi lồng. Nước ở khu vực khảo sát ô nhiễm các chất dinh dưỡng và chất hữu cơ. Thời tiết khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ từ ngày 14-19/6, đặc biệt tại Phú Yên nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt và kéo dài, nhiệt độ từ 35-380C, có nơi lên đến 390C. Từ ngày 20-22/6, tại vùng nuôi Xuân Cảnh, trời lặng gió, oi bức và có mưa dông. Tại thời điểm khảo sát (buổi chiều tối), nhiệt độ nước tầng mặt cao, gần tiệm cận với giới hạn trên cho phép; hàm lượng DO thấp, nước vùng nuôi thể hiện ô nhiễm chất dinh dưỡng, chất hữu cơ.
Bên cạnh đó, lồng nuôi được đặt gần bờ, có độ sâu mực nước thấp (2,5-3,5m lúc nước ròng) so với quy định, mật độ lồng thả nuôi dày, khu vực nuôi nằm ở vị trí nút thắt cổ chai, dễ làm cho việc đối lưu và trao đổi nước kém. Đây có thể là những nguyên nhân làm cá biển, tôm hùm nuôi chết tại vùng khảo sát.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III khuyến cáo, người nuôi chuyển lồng, bè nuôi đến nơi có độ sâu mức nước tối thiểu khi triều thấp lớn hơn 4m. Sử dụng viên ôxy, máy sục/tạo khẩn cấp để tăng ôxy hòa tan. Tổ chức thu gom cá, tôm chết đưa vào bờ tiêu hủy theo quy định, tuyệt đối không để cá, tôm chết trên đầm, ven bờ làm gia tăng ô nhiễm nước và nguy cơ dịch bệnh. Nhanh chóng thu hoạch cá, tôm đạt kích cỡ thương phẩm nhằm giảm thiệt hại. Đưa các lồng, lưới lồng không còn cá, tôm nuôi lên mặt nước, tạo sự thông thoáng ở khu vực nuôi. Che mát bằng lưới lan ở những lồng, bè còn cá, tôm nuôi và các lồng nuôi ở khu vực kế cận, khi thời tiết tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt thời gian tới.
Bổ sung vitamin và men vi sinh vào thức ăn để tăng sức đề kháng và giúp cho cá, tôm tiêu hóa tốt. Thường xuyên cập nhật diễn biến màu nước, thời tiết của khu vực, đồng thời lặn theo dõi cá, tôm nuôi, từ đó có hướng xử lý kịp thời, đặc biệt là lúc nước ròng. Cần thực hiện sắp xếp, bố trí lại vùng nuôi lồng, bè ở địa phương hiệu quả hơn, lưu ý về lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi, vị trí đặt lồng, khoảng cách giữa các lồng, bè phù hợp và an toàn hơn cho vùng nuôi.
ANH NGỌC