Chủ Nhật, 24/11/2024 04:43 SA
Cải tiến cách làm bánh, tăng hiệu quả kinh tế
Thứ Sáu, 14/06/2024 14:00 CH

Lãnh đạo UBND xã và Hội Nông dân xã Xuân Phước tham quan cơ sở bánh tráng Út Trang cắt bánh tráng bằng máy. Ảnh: KHẮC SĨ

Bám trụ với nghề tráng bánh thủ công mấy chục năm, ông Lương Đình Nho (57 tuổi) ở thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân luôn trăn trở làm thế nào để đưa công nghệ vào nghề tráng bánh truyền thống, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại kinh tế cao hơn.

 

Với ý tưởng đó, ông quyết định đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất bánh tráng truyền thống của gia đình và đặt tên cơ sở sản xuất bánh tráng Út Trang. Nghề làm bánh tráng không chỉ tạo thu nhập khá cho gia đình ông, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

 

Bánh dẻo, thơm ngon

 

Ông Lương Đình Nho, chủ cơ sở bánh tráng Út Trang chia sẻ: Trước đây, bánh tráng được làm thủ công nên sản phẩm ít, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhận thấy nhu cầu tiêu dùng của thị trường ngày càng tăng cao, nên năm 2017, tôi quyết định đầu tư khoảng 300 triệu đồng mở rộng cơ sở sản xuất (nhà xưởng, máy làm bánh...) theo hệ thống dây chuyền sản xuất khép kín, từ công đoạn xay bột, đánh bột, tráng bánh, cắt. Còn công đoạn của người lao động chủ yếu đưa bánh ra phên để phơi khô, thu vào, cắt bánh thành từng xấp vuông, tròn và đóng gói...

 

Với máy làm bánh tráng, năng suất và sản lượng bánh cao hơn cách làm thủ công. Cụ thể, mỗi tạ gạo có thể làm ra trên 94kg bánh tráng thành phẩm, với trên 1 triệu đồng tiền bánh/giờ. Thêm vào đó, bánh tráng máy không sử dụng các nguyên liệu như củi, trấu, mùn cưa… nên không ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, các phụ phẩm trong quá trình sản xuất như nước vo gạo, vụn bánh tráng thừa còn được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi.

 

“Dù làm bằng máy móc, quy trình hiện đại nhưng những chiếc bánh tráng ở cơ sở sản xuất của gia đình tôi vẫn giữ được hương vị thơm ngon và độ dẻo đặc trưng. Nguyên liệu chính để làm bánh tráng là gạo. Để làm được những chiếc bánh tráng đảm bảo chất lượng, thơm ngon, tôi chọn gạo dẻo, sau đó đến các công đoạn ngâm gạo, xay bột, đánh bột... phải được thực hiện đúng kỹ thuật.

 

Tiếp đến là công đoạn tráng bánh, cắt bánh và đưa lên giàn phơi, đòi hỏi sự khéo léo, thuần thục, cẩn thận để bánh không bị rách rồi đặt lên các tấm phên đan bằng tre đem phơi dưới ánh nắng”, ông Nho chia sẻ.

 

Hướng đến sản phẩm OCOP

 

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất cung cấp sản phẩm bánh tráng cho người tiêu dùng, cơ sở bánh tráng Út Trang còn là địa chỉ đáng tin cậy trong giải quyết công ăn việc làm ổn định cho lao động vùng nông thôn. Hiện nay, cơ sở bánh tráng Út Trang tạo việc làm thường xuyên cho từ 10-12 lao động nữ ở địa phương và các xã lân cận, với thu nhập ổn định từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.

 

Ông Lương Đình Nho bên sân phơi bánh tráng của gia đình. Ảnh: KHẮC SĨ

 

Trung bình mỗi ngày, cơ sở bánh tráng Út Trang sản xuất khoảng 10-12 bao, mỗi bao 50kg, làm đến đâu tiêu thụ đến đó, không có hàng tồn, với giá bán dao động tùy theo giá gạo (bánh mè tròn chưa nướng 100.000 đồng/60 cái; bánh mè tròn nướng sẵn 150.000 đồng/60 cái; bánh vuông nhúng 55.000 đồng/60 cái; bánh cuốn nem 30.000 đồng/kg). Sau khi trừ chi phí, thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

 

Chị Phạm Thị Thu Đào, thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước cho biết: “Từ khi cơ sở bánh tráng Út Trang được thành lập, tôi và một số chị em trong thôn xin làm công nhân tại đây, công việc tương đối nhẹ nhàng, hằng tháng thu nhập cũng khá cao, so với các công việc khác thì công việc này cho thu nhập ổn định, đủ trang trải cuộc sống cho gia đình”.

 

Ông Nho chia sẻ thêm: Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng hoạt động của cơ sở luôn ổn định. Hiện cơ sở vẫn đang duy trì hoạt động thường xuyên. Với chất lượng thơm ngon, giá cả phải chăng nên những chiếc bánh tráng của cơ sở ông Nho được nhiều đại lý, tiểu thương trong tỉnh và các đầu mối tại Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh… đặt hàng.

 

Do đó, thời gian đến sẽ tiếp tục thăm dò thị trường để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Đặc biệt, cơ sở sẽ hướng đến đa dạng thêm một số loại bánh tráng, mẫu mã, chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Ông Vũ Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phước cho hay: Mô hình sản xuất bánh tráng máy của gia đình ông Nho là một trong những mô hình kinh tế nổi bật của xã Xuân Phước. Đặc biệt, ông Nho đã mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Không chỉ tạo nguồn thu ổn định cho gia đình, cơ sở tráng bánh Út Trang còn tạo thêm việc làm và thu nhập thường xuyên cho các lao động trên địa bàn xã. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao với bánh tráng Út Trang, giúp cho mặt hàng này ổn định thị trường tiêu thụ.

 

KHẮC SĨ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek