HTX và thành viên HTX quản lý hàng trăm héc ta rừng sản xuất, nhưng chưa có diện tích nào có chứng chỉ. Nguyên nhân được cho là vì diện tích nhỏ, manh mún cộng với pháp lý sở hữu đất rừng yếu. Cùng với quá trình hợp tác giữa Liên minh HTX tỉnh với Cơ quan nông nghiệp Phần Lan về phát triển lương thực và lâm nghiệp, những khúc mắc được xử lý để các HTX sớm sở hữu chứng chỉ rừng, từng bước nâng cao giá trị rừng trồng.
Xin tham gia và thay đổi chứng chỉ
HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú (HTX Hòa Phú) ở huyện Tây Hòa là HTX xin tham gia Dựa án VIE6566 - hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ hướng tới chứng chỉ rừng tại Việt Nam. Khởi động dự án năm 2017, ban đầu chỉ có 2 HTX là HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa).
Theo Liên minh HTX tỉnh, do nhu cầu mở rộng thành viên và tăng diện tích rừng dự án nên tháng 11/2018, HTX Hòa Phú có đơn tự nguyện xin tham gia dự án. Đầu năm 2019, Ban Quản lý Dự án VIE6566 được sự thống nhất của điều phối viên quốc gia và Cơ quan nông nghiệp Phần Lan về phát triển lương thực và lâm nghiệp (FFD) đồng ý kết nạp thêm HTX này.
Ông Võ Văn Dị, Giám đốc HTX Hòa Phú cho biết: Chứng chỉ rừng là bước cuối khẳng định thương hiệu gỗ rừng trồng, tạo tiền đề cho xúc tiến thương mại và nâng cao giá trị lâm nghiệp, giúp cải thiện đời sống người có rừng. Vì vậy, HTX mong muốn được tham gia để có cơ hội nhận chứng chỉ rừng cho thành viên. Hiện 29 hộ thành viên HTX đăng ký tham gia cấp chứng chỉ trên diện tích hơn 103ha.
Giai đoạn đầu của quá trình hợp tác với FFD, các HTX ở Phú Yên hướng tới chứng chỉ rừng PEFC nhưng chưa có kết quả. Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hợp tác hướng các HTX tới chứng chỉ rừng FSC.
Theo Liên minh HTX tỉnh, năm 2020 kết thúc Dự án VIE6566, tất cả hồ sơ cấp chứng chỉ rừng PEFC của 3 HTX đã hoàn tất và chuẩn bị tiến tới đánh giá chính thức. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng với các công ty đánh giá (được FFD ủy quyền) thì kinh phí của dự án gặp khó khăn từ phía các nhà tài trợ. Liên minh HTX 3 tỉnh là Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi và Liên minh HTX tỉnh Phú Yên thống nhất ưu tiên cho các HTX ở tỉnh Thừa Thiên - Huế được cấp chứng chỉ PEFC.
Quảng Ngãi và Phú Yên tiếp tục triển khai Dự án VIE8701 - Hướng tới phục hồi nền lâm nghiệp quy mô nhỏ tại Việt Nam và chỉ tập trung hỗ trợ chứng chỉ rừng FSC cho các HTX. “Có sự thay đổi từ chứng chỉ PEFC sang chứng chỉ FSC bởi chứng chỉ FSC tập trung sâu vào khía cạnh môi trường.
Hơn nữa, qua tìm hiểu, thị trường trong nước và thế giới đang chuộng gỗ rừng có xuất xứ từ những cánh rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC nên liên minh 2 tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên chọn chứng chỉ này để xin cấp”, ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết.
Thí điểm để nhân rộng
Chứng chỉ rừng là tờ giấy thông hành giúp các HTX mở rộng cơ hội xúc tiến thương mại ở thị trường quốc tế. Đây là bước đầu tiên của quá trình chuyên nghiệp hóa, giúp sản phẩm gỗ rừng trồng hòa nhập thị trường chính ngạch thay vì phải bán thông qua thương lái như từ trước tới nay. Hiệu quả thực tế như thế nào vẫn còn nằm ở phía trước và 3 HTX tham gia dự án sẽ là những đơn vị đầu tiên thí điểm. Thời gian tới nếu phát huy được hiệu quả thì Liên minh HTX tỉnh sẽ nhân rộng. Ông Lê Thanh Lam, Giám đốc Ban Quản lý phát triển chứng chỉ rừng FSC, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
Dự án VIE8701 khởi động từ tháng 1/2023, dự kiến đến hết tháng 6/2024 kết thúc. Khi ấy, 3 HTX tham gia dự án cũng là 3 HTX đầu tiên của tỉnh có chứng chỉ rừng. Tại hội nghị tham vấn các bên liên quan, nhiều đơn vị bày tỏ cần mở rộng dự án để các hộ trồng rừng nhỏ lẻ, với diện tích rải rác không tập trung có cơ hội được cấp chứng chỉ.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), Dự án VIE8701
kết thúc tương đương với hơn 678ha rừng trồng của 134 hộ có chứng chỉ FSC. Về cơ bản, đây là rừng có diện tích lớn, có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất rừng (gọi tắt là sổ đất rừng) và không có tranh chấp.
Còn nhiều hộ trồng rừng nhỏ lẻ với diện tích nằm rải rác chưa được tham gia dự án sẽ rất khó nếu phải tự hoàn tất thủ tục và các tiêu chí để được cấp chứng chỉ rừng. Vì vậy, dự án nên được mở rộng để thêm cơ hội cho nhiều hộ trồng rừng yếu thế. Địa phương sẽ hỗ trợ thủ tục hành chính, hoàn tất sổ đất rừng. Hiện toàn xã có gần 5.200ha rừng sản xuất, trong đó khoảng 3.600ha của 600 hộ có sổ đất rừng. Diện tích còn lại tiếp tục phối hợp rà soát và cấp sổ cho bà con.
Còn theo đại diện Phòng TN&MT huyện Phú Hòa, toàn xã Hòa Định Tây có hơn 2.543ha đất lâm nghiệp mà chỉ có gần 250ha tham gia chứng chỉ rừng FSC là quá ít. Trong khi, dự án này mang lại lợi ích về xã hội, môi trường và kinh tế cho rừng và cả người trồng rừng. Việc nhân rộng cấp chứng chỉ rừng sẽ có thêm người dân được nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và tăng thu nhập từ rừng trồng.
Bà Trần Thị Phượng, PGS.TS Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế), điều phối viên quốc gia Dự án VIE8701, chia sẻ: Dự án này là dự án phát triển chứng chỉ rừng nhóm hộ quy mô nhỏ, có nghĩa là các chủ rừng có diện tích dưới 100ha kém tập trung cùng tham gia đăng ký thực hiện chung một chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Những mong muốn của các đơn vị cũng là mục tiêu mà dự án hướng tới. Đối với hơn 678ha rừng trồng của 134 hộ tham gia dự án có hộ có diện tích lớn, có hộ có diện tích nhỏ. Điều quan trọng hơn là các hộ này tự nguyện đăng ký với HTX tham gia dự án. Hơn nữa, đây là mô hình thí điểm và sau khi dự án kết thúc có hiệu quả sẽ tính tới việc mở rộng.
MINH DUYÊN