Sắn là một trong ba cây trồng chủ lực của người dân trong tỉnh, chỉ sau lúa và bắp. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây trồng này thoái hóa, năng suất thấp và nhiễm bệnh do canh tác liên tục nhiều năm.
Thiếu giống sắn sạch bệnh
Sắn thuộc loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, mức đầu tư thấp, thích hợp với những địa hình, loại đất mà các cây trồng khác không trồng được. Trong điều kiện bình thường, mỗi hecta sắn có thể cho thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ… Những yếu tố trên đã giúp cây sắn được nhiều nông dân lựa chọn, nhất là những hộ không có nhiều vốn đầu tư và ở vùng đất gặp khó khăn về nước tưới.
Tại Phú Yên, những năm qua, diện tích canh tác sắn đã phát triển đến trên 26.000ha/năm. Trong đó, phần lớn trồng theo hình thức quảng canh trên vùng đồi núi ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân nên đều bị thiếu hoặc không có nước tưới.
Ghi nhận tại hội nghị đánh giá tình hình sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2023-2024 do Sở NN&PTNT tổ chức tại huyện Sông Hinh, cùng với lúa và mía, sắn là cây trồng chủ lực của huyện này. Bà Lý Thị Thu Hằng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Thời gian qua, cây sắn đã góp phần quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Hằng năm, diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện từ 10.000-12.000ha, năng suất trên 18 tấn/ha, sản lượng khoảng 172.0000 tấn.
Với giá thu mua sắn nguyên liệu bình quân 3.350 đồng/kg, độ bột 30, thì nông dân có thu nhập khoảng 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích sắn giảm vì toàn bộ các giống sắn siêu củ ở địa phương đều nhiễm bệnh khảm lá nặng, sản xuất kiểu truyền thống không tưới nước nên cây còi cọc, không đạt năng suất, độ bột thấp, việc sản xuất sắn trở nên khó khăn, nông dân hầu như không có lợi nhuận.
Ông Lê Tấn Hải, một người trồng sắn ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) cho hay: Tôi trồng sắn gần 20 năm nay. Trước đây, sắn không bị bệnh, lá xanh mượt, củ to, dài gần nửa mét. Còn mấy năm gần đây, bệnh khảm lá liên tục xuất hiện, cộng với thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài nên cây sắn phát triển không nổi.
Mặc dù đã chăm sóc, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật phòng trừ, nhưng tình hình bệnh khảm lá sắn không cải thiện. Trước đây, bình quân mỗi sào đất trồng sắn thu hoạch được hơn 2 tấn củ tươi, còn hiện tại năng suất củ giảm gần 1 tấn.
Theo Sở NN&PTNT, từ năm 2021 đến nay, bình quân mỗi vụ, hơn 1.000ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút gây hại, hiện vẫn chưa có thuốc phòng trừ; chỉ khi thay thế giống mới thì mới có thể ngăn chặn được bệnh. Do đó, vấn đề khó khăn nhất hiện nay của nông dân là thiếu giống sắn sạch bệnh để trồng mới. Vì vậy, ngành Nông nghiệp đang khảo nghiệm các giống sắn mới đạt chuẩn, cho năng suất, độ bột cao, sạch bệnh để chuyển giao cho nông dân sản xuất…
Quy hoạch vùng trồng, tìm giống kháng bệnh
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho hay: Địa phương luôn quan tâm đến việc đưa giống sắn mới sạch bệnh, kháng bệnh khảm lá, có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Vì vậy, năm 2024, huyện trồng được trên 10ha sắn giống HN5 kháng bệnh khảm lá trên mô hình trồng sắn phủ bạt, kết hợp tưới nước nhỏ giọt.
Để đảm bảo cây sắn phát triển bền vững trong thời gian tới, huyện chủ trương giảm dần diện tích trồng sắn ngoài vùng quy hoạch để đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch 91 của UBND tỉnh.
Để phòng chống bệnh khảm lá sắn, ngành Nông nghiệp tuyên truyền đến bà con các giải pháp theo quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh; đồng thời thực hiện các mô hình, dự án nghiên cứu, khảo nghiệm các giống sắn có khả năng chống chịu, kháng bệnh khảm lá sắn.
Cụ thể như đề tài Nghiên cứu chọn tạo giống sắn năng suất, tinh bột cao, kháng được sâu bệnh hại chính, phù hợp với điều kiện sản xuất tại tỉnh Phú Yên; mô hình Sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm; mô hình Theo dõi đánh giá khả năng kháng bệnh khảm lá sắn, hàm lượng tinh bột và đánh giá năng suất của 27 dòng/giống sắn… |
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, vừa qua, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh tích hợp quy hoạch vùng trồng sắn tập trung của tỉnh vào quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1746 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, vùng trồng sắn tập trung tại các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tây Hòa; đồng thời nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ NN&PTNT ban hành tại Quyết định 1115 ngày 17/4/2024.
“Về giải pháp nâng cao năng suất sắn, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi thực hiện mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt tại huyện Sông Hinh, từ đó đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình để tuyên truyền đến các địa phương học tập, áp dụng nhân rộng. Ngoài ra, ngành còn xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, HTX trồng sắn với các doanh nghiệp chế biến sắn trên địa bàn tỉnh”, ông Tùng khẳng định.
THÁI NGỌC