Thứ Bảy, 05/10/2024 23:52 CH
Trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt cùng ngành Ngân hàng Phú Yên
Thứ Hai, 03/06/2024 08:01 SA

Khách hàng trải nghiệm dịch vụ số của một ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Ảnh: LÊ HẢO

Đó là chủ đề của sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng Phú Yên năm 2024, diễn ra từ ngày 7-9/6 tới, tại khu vực hồ điều hòa Hồ Sơn (phường 5, TP Tuy Hòa), với sự tham gia của các ngân hàng và một số đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về sự kiện nói trên, ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Phú Yên cho biết:

 

- Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về việc chủ động tham gia cách mạng công nghệ 4.0, Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hoạt động chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ và có những tiến bộ đáng kể trong thời gian gần đây.

 

Cụ thể, NHNN triển khai tích cực các đề án, chương trình, kế hoạch, chính sách nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Ngân hàng. NHNN cũng ban hành thông tư cho phép các ngân hàng cho vay, bảo lãnh bằng phương thức điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy chuyển đổi số nhưng vẫn đảm bảo an ninh, an toàn.

 

Khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện. Hạ tầng mạng lưới thanh toán tiếp tục được đầu tư, phát triển. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích như chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán di động, sử dụng mã QR, ví điện tử, dùng tài khoản viễn thông thanh toán (Mobile Money)..., đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

 

Hoạt động TTKDTM đối với dịch vụ công cũng được triển khai rộng rãi, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thu ngân sách nhà nước... Đến nay, người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán lệ phí, học phí không dùng tiền mặt; sử dụng tài khoản nộp phí, lệ phí, tiền phạt vi phạm giao thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia...

 

Đồ họa: VIỆT AN

 

* Ông cho biết một số kết quả nổi bật trong việc triển khai TTKDTM trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này?

 

- Đến 30/4/2024, tổng giá trị TTKDTM theo các kênh giao dịch thanh toán trên địa bàn tỉnh đạt 207.521 tỉ đồng, tăng 68,64%, với 26 triệu lượt giao dịch, tăng 113,09% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị giao dịch qua internet banking, mobile banking chiếm 40,84% tổng giá trị TTKDTM, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023; tại quầy ngân hàng chiếm 30,33% tổng giá trị TTKDTM, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023; qua ví điện tử chiếm 27% tổng giá trị TTKDTM, tăng hơn 23,5 lần so với cùng kỳ năm 2023...

 

Đây là những tín hiệu tốt, chứng tỏ người dân đang thay đổi dần thói quen rút tiền mặt bằng các hình thức thanh toán trên nền tảng điện tử, di động...

 

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực dịch vụ công, TTKDTM cũng đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, Sở GTVT triển khai thanh toán phí, lệ phí bằng hình thức chuyển khoản 100% qua hệ thống ngân hàng cho tất cả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở.

 

100% cơ sở giáo dục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, kết nối chia sẻ với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để phục vụ TTKDTM. 97% người dân TTKDTM khi chi trả phí cấp phiếu lý lịch tư pháp. Khoảng 50% người dân TTKDTM khi thực hiện các giao dịch hành chính trong lĩnh vực y tế. 100% khách hàng thanh toán tiền điện qua 10 ngân hàng và 9 tổ chức trung gian.

 

100% khách hàng ở nội đô và hơn 90% khách hàng ở ven đô TTKDTM đối với hóa đơn tiền nước. Tỉ lệ chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện TTKDTM cũng đạt cao...

 

Ngoài ra, ngày càng nhiều người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng thông qua các ứng dụng ngân hàng số, từ đó hình thành thói quen TTKDTM thay cho các hình thức giao dịch truyền thống. Đáng chú ý, tỉ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng và các tổ chức được phép khác hiện chiếm đến 99,83%. Điều này góp phần làm tăng tỉ lệ TTKDTM trên địa bàn tỉnh, từ đó thúc đẩy kinh

tế số, xã hội số phát triển.

 

* NHNN chi nhánh Phú Yên hướng đến mục tiêu gì khi tổ chức sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng Phú Yên năm nay, thưa ông?

 

- Tham gia sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng Phú Yên năm 2024, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh truyền thông về những tiện ích của việc TTKDTM; đồng thời hướng dẫn, tư vấn cài đặt, sử dụng các dịch vụ, sản phẩm trên ứng dụng ngân hàng số như: mở tài khoản trực tuyến, kích hoạt ngân hàng điện tử, tạo và in mã QR, đăng ký và thực hiện mua sắm, thanh toán trực tuyến hóa đơn điện, nước, viễn thông, bảo hiểm, vé tàu, vé máy bay, hàng tiêu dùng, điện máy, nội thất… và các tiện ích khác.

 

Ngân hàng cũng hướng dẫn người dân cách sử dụng ngân hàng số an toàn, hiệu quả; cách nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng và các biện pháp phòng chống.

 

Thông qua các hoạt động nói trên, ngành Ngân hàng Phú Yên hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân, góp phần thay đổi thói quen thanh toán bằng hình thức chi trả tiền mặt sang sử dụng các phương thức TTKDTM. Đồng thời giúp người dân xóa bỏ tâm lý e ngại khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số, tiến tới đẩy nhanh quá trình thanh toán số, TTKDTM theo hướng thuận tiện, dễ dàng và an toàn, tạo nền móng phát triển giao dịch trực tuyến và kinh tế số, xã hội số.

 

* Sau sự kiện, ngành Ngân hàng Phú Yên sẽ làm gì để tiếp tục thúc đẩy TTKDTM, góp phần chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh?

 

- Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy TTKDTM, góp phần chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, ngành Ngân hàng Phú Yên sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng hỗ trợ TTKDTM, áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin nhằm đảm bảo an ninh, bảo vệ người dùng và chống gian lận trong thanh toán.

 

 

Đồ họa: VIỆT AN

 

 

Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ đẩy mạnh các giải pháp TTKDTM như: ví điện tử, thẻ tín dụng, chuyển khoản trực tuyến, thanh toán qua ứng dụng di động...; nghiên cứu các chương trình khuyến mãi phù hợp để thu hút đông đảo người dân tham gia và sử dụng.

 

Đối với dân cư ở khu vực nông thôn, miền núi, các đơn vị trong ngành cũng sẽ có những sản phẩm TTKDMT thiết thực, phù hợp với khả năng tiếp cận, thích ứng, cơ sở vật chất và trình độ của người dân.

 

Ngoài ra, ngành Ngân hàng Phú Yên còn tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về các phương thức TTKDTM, những lợi ích và an toàn khi sử dụng TTKDTM, thông tin về các chính sách khuyến khích sử dụng TTKDTM để người dân hiểu và áp dụng.

 

Các ngân hàng, tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán thường xuyên cảnh báo, cập nhật kiến thức cần biết cho khách hàng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, gửi tin nhắn, website của ngân hàng… Đồng thời tăng cường ứng dụng các giải pháp nâng cao tính an toàn, bảo mật công nghệ thông tin vào các phương thức TTKDTM, có các chính sách hỗ trợ khách hàng trong trường hợp gặp sự cố hoặc lỗi khi sử dụng các phương thức thanh toán này.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek