Thứ Hai, 17/06/2024 01:50 SA
Tìm giải pháp khắc phục tình trạng tôm, cá chết ở Sông Cầu
Thứ Sáu, 24/05/2024 11:47 SA

Mới đây, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III tổ chức khảo sát thực tế tại vùng nuôi ở đầm Cù Mông để xác định nguyên nhân tôm hùm, cá biển nuôi chết hàng loạt. Báo Phú Yên phỏng vấn PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III xung quanh vấn đề này.

 

* Thời gian gần đây, tại vùng nuôi xã Xuân Thịnh thuộc đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) xảy ra tình trạng tôm hùm, cá biển nuôi chết hàng loạt và tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, xin viện trưởng cho biết đâu là nguyên nhân?

 

PGS.TS Võ Văn Nha. Ảnh: ANH NGỌC

- Ngày 22/5, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã cử đoàn công tác gồm các cán bộ chuyên môn về lĩnh vực môi trường, bệnh thủy sản cùng với Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung đi khảo sát thực tế và thực hiện lấy mẫu, quan trắc, đo đạc các thông số tại vùng nuôi này để phân tích cụ thể.

 

Qua 2 ngày khảo sát (22 và 23/5), đoàn công tác nhận thấy, vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các thôn Phú Dương, Vịnh Hòa (xã Xuân Thịnh) bà con nuôi theo dạng lồng chìm và ganh bằng các thùng phuy.

 

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, số lượng lồng, bè ở đây có mật độ nuôi quá dày, khoảng cách giữa các lồng nuôi chỉ khoảng 0,6-1m.

 

Theo  kết quả đo đạc các thông số tại một số khu vực của vùng nuôi, lúc nước ròng (khoảng 18-22 giờ), hàm lượng ôxy hòa tan trong nước tại các vị trí trong đầm đều dưới 1mg/lít. Theo định mức quy định để động vật thủy sản sống được thì hàm lượng ôxy hòa tan trong nước phải trên 5mg/lít.  

 

Lãnh đạo UBND tỉnh cùng Sở NN&PTNT và TX Sông Cầu kiểm tra tình hình tôm hùm, cá biển nuôi tại đầm Cù Mông chết hàng loạt. Ảnh: ANH NGỌC

 

Hàm lượng ôxy hòa tan trong nước quá thấp là một hiện tượng bất thường, có thể là nguy cơ làm cho tôm hùm, cá biển nuôi chết hàng loạt. Một vấn đề khác đó là nhiệt độ tại vùng nuôi cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và cao hơn so với cùng thời kỳ năm trước. Trong khi đó, mặt nước tại vùng nuôi phẳng lặng, không một chút gợn sóng với thời tiết nắng nóng như vậy, đây là yếu tố bất thường thứ hai cần quan tâm.

 

Lúc nước thủy triều lên vào buổi sáng, chúng tôi đã đo đạc các thông số về môi trường tại các khu vực nuôi ở đầm Cù Mông. Khoảng 7 giờ 30, tại khu vực cửa đầm (nơi tiếp giáp gần với biển) thuộc thôn Vịnh Hòa, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước khoảng 5,2mg/lít, thông số này đảm bảo để động vật thủy sản sống được.

 

Tuy nhiên, khi tiến sâu vào các khu vực nuôi trong đầm, khoảng 8 giờ 30 tại thôn Phú Dương, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước chỉ khoảng 2,27mg/lít, không đủ hàm lượng ôxy hòa tan trong nước để động vật thủy sản sống được. Điều này cũng cho thấy, việc đối lưu nước của đầm Cù Mông rất kém.

 

Theo UBND TX Sông Cầu, tính đến ngày 24/5, trên địa bàn thị xã có 4 địa phương có người nuôi thủy sản bị thiệt hại do tôm hùm, cá biển nuôi chết hàng loạt (từ ngày 18-23/5). Tổng số lồng nuôi có cá, tôm chết là hơn 1.630 lồng của 281 hộ, với số lượng gần 130 tấn, trong đó tôm hùm khoảng 67 tấn, cá biển khoảng 62 tấn. Địa phương bị thiệt hại nặng nhất là xã Xuân Thịnh, với khoảng 64 tấn tôm hùm, gần 40 tấn cá chết ở 1.590 lồng của 192 hộ nuôi.

 

Theo nhận định của đoàn công tác, do lượng lồng, bè nuôi thủy sản ở đây quá nhiều và quá dày, trong khi đó cửa đầm quá nhỏ, đây là nguyên nhân làm ngăn cản sự đối lưu nước giữa ngoài biển với trong đầm.

 

Một vấn đề khác, đó là môi trường vùng nuôi có thể đang bị ô nhiễm, vì mùi hôi thối nồng nặc tại khu vực nuôi . Thời điểm xảy ra sự cố tôm hùm, cá biển nuôi chết cũng là vào thời gian thời tiết đang chuyển mùa, trong lúc nắng nóng lại xuất hiện mưa giông.

 

Theo kết quả đo đạc tại vùng nuôi thì lượng bùn thải tích tụ ở tầng đáy quá dày, khoảng 0,5-0,6m, có nơi đến 1m. Việc nhận định ban đầu về nguyên nhân tôm hùm, cá biển nuôi lồng, bè ở xã Xuân Thịnh chết hàng loạt của Sở NN&PTNT là có cơ sở và trùng khớp với kết quả khảo sát của đoàn công tác.

 

Chúng tôi sẽ phân tích, đánh giá các mẫu (tôm, cá, nước, bùn đáy) khi có kết quả, từ đó đưa ra kết luận cụ thể về nguyên nhân tôm hùm, cá biển nuôi  chết hàng loạt ở đây.

 

* Hiện nay, tôm hùm, cá biển nuôi tại vùng nuôi xã Xuân Thịnh vẫn còn tình trạng chết, viện trưởng có đề xuất giải pháp gì để khắc phục trước mắt và lâu dài?

 

- Những năm gần đây, bà con NTTS ở TX Sông Cầu đa số trúng mùa và tiếp tục đầu tư mở rộng nên số lượng lồng nuôi tăng cao. Hậu quả của việc nuôi tự phát này như kết quả đã phân tích trên và có sự tham gia kết hợp của thời tiết cực đoan.

 

Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) lấy mẫu nước và bùn đáy tại vùng nuôi đầm Cù Mông có cá, tôm chết hàng loạt. Ảnh: ANH NGỌC

 

Trước mắt, chính quyền và người NTTS ở địa phương cần phải di chuyển hoặc giảm số lượng lồng nuôi trên một đơn vị diện tích ở tại vùng nuôi này;kéo tất cả số lồng nuôi có tôm, cá chết (lồng không còn tôm, cá) lên bờ nhằm giảm tải vùng nuôi và tăng cường sự lưu thông nước.

 

Việc cá, tôm nuôi chết có thể nhận định nguyên nhân chính là do thiếu ôxy hòa tan trong nước, do đó người nuôi cần triển khai ngay việc nâng các lồng nuôi lên gần mặt nước. Song song với việc này thì người nuôi phải tiến hành che mát các lồng nuôi bằng cách dùng lưới lan hay tận dụng tàu dừa sẵn có ở địa phương.

 

Người nuôi cần phải trang bị một số bình ôxy hay ôxy dạng hạt để xử lý kịp thời, cung cấp ôxy trong giai đoạn tôm, cá nuôi bị thiếu ôxy, nhất là vào ban đêm, lúc thủy triều rút. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy địa phương và người nuôi cũng đã triển khai lực lượng vớt, thu gom xác cá, tôm chết mang vào bờ xử lý.

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều xác cá, tôm chết trôi nổi trên mặt đầm. Chính quyền địa phương và người NTTS cần phải thường xuyên, hàng ngày tổ chức vớt, thu gom xác cá, tôm, rác thải… trên đầm để mang vào bờ xử lý, điều này sẽ làm giảm áp lực về môi trường ở vùng nuôi.

 

Người nuôi cần di dời tạm thời một số lồng, bè còn thủy sản nuôi ở vùng này sang vùng nuôi khác nhằm giảm tải vùng nuôi và hạn chế thiệt hại. Trong quá trình di dời, bà con cần chú ý đến sức khỏe của tôm, cá và hạn chế làm vật nuôi bị sốc. Người nuôi cần xuất bán ngay khi thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, không nên giữ lại chờ giá, vì vùng nuôi chưa đảm bảo an toàn, nếu lưu giữ lại sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

 

Không nuôi với mật độ dày mà phải tiến hành san thưa thủy sản nuôi, giãn khoảng cách lồng để tăng lưu thông nước, tránh hiện tượng bị thiếu ôxy cục bộ tại lồng nuôi. Giảm lượng thức ăn hàng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những ngày nắng nóng gay gắt, chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp với việc bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học nhằm tăng cường sức đề kháng của vật nuôi trong giai đoạn thời tiết thất thường như hiện nay.

 

Theo dự báo, từ nay đến tháng 7/2024, thời tiết nắng nóng ở khu vực miền Trung tiếp tục diễn ra gay gắt. Do đó, địa phương và người NTTS cần triển khai giải pháp ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan. Người nuôi cần thường xuyên nắm bắt thông tin và ứng trực, xử lý kịp thời khi xảy ra diễn biến thời tiết xấu ảnh hưởng đến vật nuôi.

 

Về lâu dài, chính quyền địa phương cần tăng cường truyên truyền để người NTTS thay đổi từ nuôi truyền thống sang hình thức nuôi công nghiệp và mạnh dạn sắp xếp lại các vùng nuôi. Tỉnh cần hỗ trợ các địa phương xác định được sức tải của từng vùng nuôi, từ đó tính toán, khống chế số lượng lồng, bè ở từng vùng nuôi cụ thể. Địa phương cần tính toán mở rộng vùng nuôi tại các khu vực biển hở nhằm giảm áp lực đối với các vùng nuôi đầm, vịnh, ven bờ.

 

* Xin cảm ơn ông!

ANH NGỌC

 
BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek