Triển khai Kế hoạch 92/KH-UBND ngày 11/5/2021 thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là kế hoạch) của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã đẩy mạnh các giải pháp phù hợp với thực tế từng địa phương, thúc đẩy hoạt động thương mại, tạo thuận lợi trong việc mua sắm hàng hóa, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.
Trao đổi với Báo Phú Yên, ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết:
Ông Nguyễn Hải Triều |
- Kế hoạch được thực hiện thông qua các nội dung: Tăng cường thông tin, tuyên truyền; phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam, đặc sản địa phương; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
* Việc triển khai kế hoạch hướng đến các tiêu chí cụ thể nào, thưa ông?
- Theo kế hoạch, đến năm 2025 sẽ đạt một số chỉ tiêu gồm: Giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỉ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại và trên 80% các kênh phân phối truyền thống; doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong tỉnh chiếm tỉ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tỉnh; trên 90% người tiêu dùng, doanh nghiệp Phú Yên biết đến Chương trình nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, như các điểm bán hàng cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; duy trì được kênh truyền thông với chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” để tuyên truyền, quảng bá cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; trên 80% doanh nghiệp Phú Yên biết đến phong trào Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và trên 50% doanh nghiệp tham gia phong trào này.
* Xin ông cho biết những phần việc mà ngành Công Thương đã thực hiện trong thời gian qua?
- Trên cơ sở nội dung và mục tiêu của kế hoạch, những năm qua, Sở Công Thương đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại các địa phương. Công tác tuyên truyền ngày càng phong phú, đa dạng về nội dung và hình thức. Sở đã phối hợp các cơ quan truyền thông mở các chuyên mục Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam, xây dựng và tuyên truyền về mô hình Điểm bán hàng Việt Nam…
Hàng hóa sản xuất trong nước tạo ấn tượng, thu hút người tiêu dùng tại các hội chợ triển lãm, trưng bày sản phẩm. Ảnh: VÕ PHÊ |
Sở Công Thương cũng phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương tổ chức nhiều chương trình, hoạt động liên quan đến cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Cụ thể, đơn vị đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp xây dựng giải pháp bán hàng đa kênh; cập nhật thông tin doanh nghiệp, sản phẩm, hiệu chỉnh hình ảnh sản phẩm (gắn logo thương hiệu) lên các sàn thương mại điện tử.
Ba năm gần đây, sở đều triển khai Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday và hỗ trợ 34 lượt doanh nghiệp tham gia với 171 sản phẩm được khuyến mại giảm giá; phối hợp thực hiện liên kết sàn thương mại điện tử của tỉnh với sàn thương mại điện tử các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Kon Tum, Quảng Ngãi...
Sở thường xuyên cập nhật, nâng cấp thông tin, hình ảnh sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lên sàn thương mại điện tử. Đến nay, trên sàn thương mại điện tử của tỉnh đã có trên 250 sản phẩm OCOP, đặc trưng của tỉnh được giới thiệu, quảng bá.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn còn được Sở Công Thương hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ bán hàng, kết nối tham gia các hội chợ, hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu trưng bày sản phẩm, bán hàng ở trong và ngoài tỉnh, kể cả nước ngoài.
Trong đó có hội nghị triển khai thực hiện Hiệp định RCEP; kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp sản xuất điều, cà phê, gạo, dược liệu với các doanh nghiệp tại Iran; hay tham gia đoàn giao dịch xúc tiến thương mại tại Hungary và Đức; diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu xanh để trao đổi các giải pháp và hỗ trợ chính sách về thương mại xanh, cung cấp chuỗi tiêu chuẩn hóa…
* Ông có nhận định gì về hiệu quả của việc thực hiện kế hoạch, đặc biệt là về nhận thức, xu hướng tiêu dùng của người dân, hạ tầng thương mại…?
- Từ những phần việc đã triển khai, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp nên phong trào tiêu dùng hàng Việt Nam ngày càng được củng cố và phát triển; ý thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc hưởng ứng cuộc vận động được nâng cao.
Sở Công Thương sẽ tiếp tục vận động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng; vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt Nam. |
Đối với mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam, Sở Công Thương đã phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ xây dựng nhiều bảng hiệu tuyên truyền Điểm bán hàng Việt tại các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa. Tính đến nay xây dựng được 54 điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các huyện, thị xã, thành phố từ nguồn kinh phí của trung ương và địa phương.
Hạ tầng thương mại toàn tỉnh hiện có 130 chợ truyền thống, 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị, 14 cửa hàng Co.opFood thuộc hệ thống Co.opmart, 43 cửa hàng tiện lợi được công nhận và nhiều cửa hàng tạp hóa, đại lý phân phối, bán lẻ.
Hệ thống hạ tầng thương mại trên đã góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Qua đó giữ vững thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỉ lệ từ 80-90% tại các hệ thống phân phối, bán lẻ, góp phần đưa hàng Việt Nam có chất lượng đến với người tiêu dùng.
* Thưa ông, để góp phần đạt được mục tiêu của kế hoạch đề ra, từ nay đến năm 2025, các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể nào tiếp tục được ngành Công Thương triển khai?
- Thực tế, trong quá trình triển khai kế hoạch vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như một số sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh sản xuất theo mùa vụ nên số lượng cung cấp không đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường. Hầu hết các cơ sở sản xuất trên địa bàn có quy mô nhỏ, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa nên gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên chưa phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền sẽ được tăng cường để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong triển khai thực hiện.
Sở Công Thương sẽ tiếp tục vận động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, sản xuất các mặt hàng có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng; vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt Nam. Đơn vị cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và phát huy vai trò giám sát, tố giác, phản hồi của người dân để kịp thời xử lý, ngăn chặn hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa; phát triển hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam cố định nhằm từng bước hiện đại hóa hạ tầng thương mại; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trung tâm thương mại tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và khu đô thị; tổ chức hội chợ có quy mô lớn trên địa bàn.
* Xin cảm ơn ông!
KHANG ANH (thực hiện)