Đoàn công tác vừa kiểm tra việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân. Mặc dù các chương trình đã được thực hiện đến năm thứ ba, nhưng nhiều nơi vẫn còn khá lúng túng. Để đảm bảo không lãng phí nguồn vốn, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các dự án, tiểu dự án; quyết tâm giải ngân 100% nguồn vốn được phân bổ.
Tỉ lệ giải ngân thấp
Theo UBND huyện Sơn Hòa, trong 3 năm 2022-2024, Sơn Hòa được phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện các chương trình là 246,1 tỉ đồng; tổng nguồn vốn địa phương đối ứng là 50,4 tỉ đồng. Đến hết 31/3, cả ba chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã giải ngân được 108,5 tỉ đồng, đạt 61,5% tổng kế hoạch vốn năm 2022, 2023. Trong đó, vốn đầu tư phát triển giải ngân được đạt 96,4%; vốn sự nghiệp chỉ đạt 17% kế hoạch.
Cụ thể, so với kế hoạch vốn, địa phương thực hiện giải ngân vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới được 29,8 tỉ đồng, đạt 96,7%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giải ngân được 204 triệu đồng, đạt 3,1%; Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình 1719) giải ngân được 78,4 tỉ đồng, đạt 56,4%.
Giai đoạn 2021-2023, huyện Đồng Xuân được phân bổ 43,8 tỉ đồng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; đến nay đã giải ngân được 42,9 tỉ đồng, đạt 97,8%. Năm 2024, huyện được phân bổ thêm 18,3 tỉ đồng thực hiện chương trình. Tương tự, nguồn vốn giảm nghèo bền vững năm 2022, 2023 phân bổ cho địa phương 8,7 tỉ đồng; đã giải ngân 1,9 tỉ đồng, đạt 21,8%. Nguồn vốn phân bổ năm 2024 là 5,2 tỉ đồng.
Nguồn vốn Chương trình 1719 được phân bổ trong năm 2022-2024 là 111,77 tỉ đồng. Địa phương đã giải ngân nguồn vốn đầu tư ngân sách trung ương 26,5 tỉ đồng, đạt 94,2%; nguồn vốn sự nghiệp được 6,82 tỉ đồng, đạt 17,4%. Nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách huyện đã giải ngân được 863,2 triệu đồng, đạt 84,6%; nguồn vốn sự nghiệp thuộc ngân sách huyện giải ngân được 60,1 triệu đồng, đạt 11,5% kế hoạch giao.
Nhiều khó khăn
Tại buổi làm việc, đại diện các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân đã nêu ra nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG. Cụ thể, việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025 yêu cầu các tiêu chí cao hơn khiến một số xã rớt các tiêu chí đã đạt được; một số chỉ tiêu chưa phù hợp với điều kiện thực tế của huyện miền núi.
Các địa phương cần phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình MTQG; nỗ lực sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao để thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh |
Việc huy động vốn đối ứng trong Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới rất khó thực hiện; nguồn vốn cấp trên phân bổ cho địa phương theo nhiều đợt nên rất khó lồng ghép. Các địa phương cũng khá lúng túng trong việc lựa chọn các danh mục công trình; việc phân bổ lồng ghép các nguồn vốn để xây dựng các hạng mục công trình cũng rất chậm.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ năm 2021 trở lại đây, khó khăn về nguồn vốn, thiên tai, dịch bệnh, bộ tiêu chí nhiều chỉ tiêu hơn… nên việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ càng khó khăn. Năm 2022, nguồn kinh phí phân bổ chậm, lại chưa có hướng dẫn của UBND tỉnh, các sở, ngành về mức thu hồi, cơ chế quay vòng vốn và mức hỗ trợ cụ thể cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các dự án đa dạng hóa sinh kế và dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai rất chậm. Năm 2023, Tiểu dự án 1 - Dự án 4 không thể giải ngân hết nguồn vốn do không có lao động tham gia học nghề.
Đối với Chương trình 1719, một số dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp triển khai rất chậm, như Tiểu dự án 1 - Dự án 5, Bộ GD&ĐT mới ban hành tài liệu dạy học chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 (lớp 1, 2, 3), chưa ban hành tài liệu giai đoạn 2 (lớp 4, 5); việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí từ nguồn vốn Tiểu dự án 1 - Dự án 5 chưa ban hành quy định cụ thể nội dung, mức hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia xóa mù chữ.
Đối với Tiểu dự án 2 - Dự án 10, UBND tỉnh chưa ban hành mức hỗ trợ người quản lý tài sản, duy trì, vận hành, khai thác, bảo trì các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng công nghệ thông tin nên rất khó thực hiện.
Ông Đặng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân chia sẻ: Huyện Đồng Xuân đã rất nỗ lực triển khai các chương trình MTQG, nhưng hiệu quả giải ngân vẫn chưa được như mong đợi. Nguyên nhân đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, do Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí mới có nhiều chỉ tiêu, yêu cầu rất cao nên các địa phương khó thực hiện.
Thêm vào đó, nguồn lực đầu tư còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; một số tiêu chí cần nguồn lực đầu tư cao như trường học, xóa nhà ở tạm, cấp nước tập trung… lại được bố trí nguồn vốn rất hạn chế.
Đối với Chương trình 1719, việc thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3, Tiểu dự án 4 - Dự án 5, một số đối tượng thụ hưởng chương trình đã giảm so với rà soát ban đầu nên không đủ điều kiện giải ngân nguồn vốn. Với Tiểu dự án 1 - Dự án 9, trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cơ chế “hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt”, nên chưa thể thực hiện.
Điều chỉnh nguồn vốn theo Nghị quyết 111
Trước thực trạng thực hiện và giải ngân các nguồn vốn khó khăn của các địa phương, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 111/2024 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG, trong đó quy định 8 cơ chế, chính sách đặc thù.
Trồng sắn phủ bạt là một trong những mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế hiệu quả đang được triển khai tại huyện Sông Hinh. Ảnh: NGÔ XUÂN |
Thực hiện Nghị quyết 111, các huyện miền núi đã đề xuất điều chỉnh dự toán giữa các nguồn vốn phù hợp với tình hình các địa phương. Cụ thể, đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện Đồng Xuân đề xuất điều chỉnh giảm kinh phí thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 4 là 1,45 tỉ đồng, tăng cho Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án 2 - Dự án 6 về truyền thông giảm nghèo.
Đối với Chương trình 1719 cũng được đề xuất điều chỉnh giảm 29,19 tỉ đồng thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3 sang thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 4 là 29,107 tỉ đồng và Dự án 1 là 86 triệu đồng. Đối với Tiểu dự án 3 - Dự án 5 cũng được đề xuất chuyển 7,242 tỉ đồng sang thực hiện Dự án 1, Tiểu dự án 2 - Dự án 3, Tiểu dự án 1 - Dự án 4 và Dự án 6; chuyển 4,88 tỉ đồng từ Tiểu dự án 1 - Dự án 9 sang Tiểu dự án 1 - Dự án 4 và Dự án 1…
Tương tự, huyện Sơn Hòa cũng có đề xuất điều chỉnh 1,74 tỉ đồng dự toán vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm 2022, 2023 giữa các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; điều chỉnh 59,886 tỉ đồng dự toán vốn sự nghiệp ngân sách trung ương năm 2022-2024 giữa các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719.
Địa phương cũng đề xuất tập trung vốn vào Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…
Tại buổi làm việc với các địa phương, đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cam kết đến cuối năm 2024 phải giải ngân hết 100% nguồn vốn được phân bổ.
“Nguồn kinh phí trung ương sẽ bị trung ương thu hồi; cấp tỉnh sẽ bị tỉnh thu hồi nếu không giải ngân hết. Đây sẽ là một sự lãng phí rất lớn. Các địa phương cần phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình MTQG; nỗ lực sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao để thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi”, đồng chí Đào Mỹ nhấn mạnh.
NGÔ XUÂN