Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, thời gian qua, hội nông dân các cấp đã thực hiện tốt việc tư vấn sử dụng vốn vay, giải ngân cho vay, giúp hội viên, nông dân đầu tư xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Kênh trợ vốn của nông dân
Theo Hội Nông dân tỉnh, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh được thành lập vào năm 1996, bằng hình thức cho vay theo phương án sản xuất kinh doanh đề xuất từ nhóm hộ ở cơ sở, kết hợp xây dựng các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp theo từng đối tượng cây trồng, vật nuôi. Nhờ nguồn vốn quỹ, hội viên nông dân có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, thu nhập được cải thiện, từng bước vượt khó thoát nghèo.
Gia đình ông Đoàn Văn Bé ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) là một trong những hộ được tiếp cận sớm với nguồn vốn Quỹ HTND. Điều kiện đất đai có, nhân lực có, nhưng gia đình lại không có vốn để phát triển sản xuất. Năm 2020, sau khi được hội tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng, ông Bé mua 2 con bò cái sinh sản về nuôi.
Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, sau 3 năm vay vốn, ông Bé đã gầy được đàn bò gần 10 con, tính theo giá trị trường khoảng 200 triệu đồng. Ngoài nuôi bò, hiện gia đình ông còn chăn nuôi thêm heo rừng và thả gà vịt xung quanh vườn, tạo nguồn thu nhập ổn định.
“Những nông dân nghèo hoặc mới thoát nghèo sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kinh tế khó khăn nên khi được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, chúng tôi có vốn để đầu tư mua con giống, thức ăn để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Hiện gia đình đã trả xong vốn vay và đang đóng góp xây dựng nguồn quỹ để giúp các hội viên khác có điều kiện được vay vốn để phát triển sản xuất”, ông Bé chia sẻ.
Gia đình ông Lê Xuân Đạm ở phường 9 (TP Tuy Hòa) cũng đã tiếp cận và phát huy nguồn vốn Quỹ HTND rất tốt. Từ vốn của gia đình, cộng thêm nguồn vốn vay từ quỹ, ông Đạm đầu tư trồng 1.000 chậu mai và 500 chậu quất, mỗi năm thu lãi 150-200 triệu đồng.
Ông Đạm cho biết: Nguồn vốn hỗ trợ tuy không lớn nhưng là kênh hỗ trợ, tiếp sức cho những bước đi đầu tiên, giúp tôi mở rộng, phát triển sản xuất, vươn lên khá giả, có điều kiện mua sắm, xây nhà cửa khang trang như hiện nay.
Nâng cao hiệu quả nguồn vốn
Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh, hiện toàn tỉnh có gần 170 dự án được đầu tư từ Quỹ HTND, với tổng nguồn vốn hơn 42 tỉ đồng, cho 1.700 lượt hộ vay phát triển kinh tế với mức vay từ 20-50 triệu đồng/hộ. Trong đó có hơn 7,8 tỉ đồng là vốn ủy thác của Trung ương Hội Nông dân; gần 9,4 tỉ đồng nguồn vốn cấp tỉnh; gần 25 tỉ đồng nguồn vốn cấp huyện. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã giải ngân 8 dự án với 3,7 tỉ đồng cho 80 hộ vay.
Đây là kênh trợ vốn hiệu quả cho hội viên, qua đó thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất kinh doanh trong nông dân, hình thành những mô hình kinh tế thu nhập cao, phù hợp đặc thù địa phương, vừa có sức lan tỏa, cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, vừa góp phần đổi mới nông nghiệp - nông dân - nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại cơ sở. Mặt khác, đây cũng là kênh kết nối nông dân nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị và vận động nông dân tham gia tổ chức hội. Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh |
“Thông qua hoạt động quỹ, nhiều loại hình tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác giúp nhau gắn với công tác xã hội cũng được hình thành, phát triển, tác động tích cực, khuyến khích người nông dân sản xuất hàng hóa theo đúng quy trình kỹ thuật, thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn”, ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh
Tổ hội hợp tác nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa tại phường Hòa Vinh (TX Đông Hòa) là một trong những tổ hội đã vay vốn từ Quỹ HTND với số tiền 400 triệu đồng để phát triển sản xuất. Sau các vụ thực hiện mô hình, kết quả năng suất tôm đạt từ 600-650kg/2ha/vụ với giá bán 200.000-300.000 đồng/kg; năng suất lúa đạt 7-7,5 tấn/2ha/vụ với giá bán 7.000 đồng/kg, tổng thu 8 vụ hơn 1 tỉ đồng, đã thu hồi được vốn và lãi hơn 300 triệu đồng.
Ông Trần Duy Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân TX Đông Hòa cho hay: Trước đây, do không có vốn ban đầu nên nông dân phải lấy con giống và thức ăn nuôi tôm từ một đầu mối. Đầu mối này bao tiêu cho người dân từ khâu bán giống, thức ăn, đến thu mua tôm thành phẩm, do đó lợi nhuận của nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào người cung cấp và thu mua sản phẩm. Tuy nhiên, từ khi có vốn vay từ Quỹ HTND, nông dân đã tự quyết định nơi mua con giống và thức ăn cho tôm theo ý mình, nên lợi nhuận cao hơn.
NGỌC HÂN