Đặt nhiều hy vọng vào mùa chạy đồng để mong kéo giảm chi phí, bù bớt thua lỗ phải gồng gánh gần nửa năm qua, nhưng hiện nay, các hộ nuôi vịt đều chưa thể cho vịt chạy đồng vì thời tiết nắng gắt, ruộng đồng khô nẻ.
Lực lượng thú y cơ sở ở huyện Tuy An tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn vịt chạy đồng của người dân. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG |
Thua lỗ kéo dài
Mặc dù đã chi 150 triệu đồng thuê lại 300ha ruộng lúa đã thu hoạch của một số địa phương để tận dụng nguồn thức ăn rơi vãi trên đồng ruộng nuôi vịt, nhưng đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Đặng ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) vẫn chưa thể cho đàn vịt ăn đồng. Hiện mỗi ngày cả đàn ăn hết 18 bao cám với chi phí khoảng 6,5 triệu đồng.
Ông Đặng cho biết: Từ tháng 3 đến giờ trời không mưa, ruộng đồng khô nứt, vì vậy lúa không lên chét được; cua, ốc trong ruộng cũng khó sống nổi nên vịt chưa thể chạy đồng. Trong khi đó, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là bà con vào vụ canh tác mới. Người nuôi vịt hy vọng trời sớm có mưa để vịt ăn đồng được ít ngày, thu hồi bớt tiền thuê đồng.
“Hiện nay, tôi phải cho đàn vịt ăn cám hoàn toàn, bơm nước giếng cho uống, nhưng tỉ lệ cho trứng chỉ đạt hơn 80%. Cứ sau mỗi đêm gia đình phải bù lỗ 200.000 đồng tiền thức ăn, chưa kể chi phí thuê người đổ cám”, ông Đặng nói.
Cùng với đó, từ sau tết đến nay, giá trứng vịt hạ thấp, thu không đủ bù chi nên tất cả hộ nuôi vịt đẻ đều thua lỗ nặng. Theo ông Nguyễn Văn Đặng, sau tết, trứng vịt giảm còn 16.000 đồng/chục (10 trứng), sau đó lên được 17.000 đồng/chục và hiện nay khi các đàn vịt đẻ ở Ninh Thuận không còn nhiều thì trứng vịt Phú Yên mới nhích lên 18.000 đồng/chục.
Tuy nhiên, với mức giá này mà nuôi cám ròng thì người nuôi vẫn còn phải bù lỗ. “Từ tết đến nay, gia đình tôi đã lỗ gần 100 triệu đồng tiền cám. Ban đầu tôi còn trông chờ vào mùa ăn đồng để gỡ gạc, nhưng với tình hình này thì không thể. Mới đây, gia đình tôi đã bán bớt 3.000 con vịt cho người nuôi ở Ninh Thuận để họ đưa vào đó ăn đồng, còn giữ lại 4.600 con”, ông Đặng cho hay.
Nhiều hộ nuôi vịt đẻ khác cũng lựa chọn phương án như gia đình ông Đặng. Bà Trần Thị Thành ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cho biết: Trước đây, chồng tôi còn khỏe thì sau mùa ăn đồng ở địa phương, chúng tôi sẽ thuê xe đưa vịt vào ăn đồng ở các tỉnh phía Nam. Nhưng nay sức khỏe vợ chồng không còn tốt, đi lại khó khăn, mùa đồng ở quê cũng không chạy được nên tôi quyết định bán bớt 3.500 con vịt đẻ cho người khác, gia đình bớt lo tiền cám mỗi ngày.
Theo những người nuôi vịt đẻ, để có được lợi nhuận thì trứng vịt phải có giá từ 20.000 đồng/chục và tỉ lệ cho trứng phải đạt từ 85-90%. Nhưng thời tiết đang quá nóng, vịt ăn kém nên tỉ lệ đẻ trứng cũng giảm, mà để thúc vịt đẻ buộc người nuôi phải bổ sung thức ăn, nước uống, khoáng chất và vitamin, kéo chi phí tăng thêm.
Bình quân nuôi nhốt 1.000 con vịt đẻ thì mỗi ngày phải cho ăn 4 bao cám, khoảng 1,6 triệu đồng (giá mua tại đại lý). Nhưng sau mỗi đêm, vịt chỉ đẻ được 850 trứng, bán với giá 18.000 đồng/chục thì người nuôi phải bù vào 70.000 đồng tiền thức ăn, chưa kể các chi phí khác.
Không nên lơ là phòng dịch
Hiện nay, khi trứng vịt mất giá, hầu hết người nuôi vịt đẻ đều trong tình trạng thu không đủ chi nên nhiều người có tâm lý chán nản, lơ là việc phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia cầm. Trong khi dịch cúm gia cầm vẫn còn xảy ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, cộng với mùa chạy đồng đã đến nên nguy cơ lây nhiễm, bùng phát cúm gia cầm và dịch tả là rất lớn. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngoài việc thua lỗ do giá trứng hạ thấp, nếu bà con không chủ động, tích cực phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia cầm, thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao, khi đó thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều.
Ngành Thú y tỉnh đang phối hợp cùng các địa phương tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, đến nay đã tiêm được 140.000 liều. So với tổng đàn khoảng 4,5 triệu con thì số gia cầm đã tiêm vắc xin cúm gia cầm còn rất hạn chế.
Các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thực hiện tiêm vắc xin phòng dịch cho gia cầm để nâng cao tỉ lệ tiêm phòng, đảm bảo hiệu quả của việc phòng dịch. Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh |
Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, cơ thể gia cầm khó thích nghi kịp nên đề kháng giảm, trong khi môi trường chăn nuôi luôn tiềm ẩn vi rút làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh nếu người chăn nuôi không vệ sinh, khử trùng thường xuyên. Để hạn chế rủi ro dịch bệnh, người chăn nuôi phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin ngừa dịch theo quy định của ngành Thú y, chủ động vệ sinh, tiêu độc môi trường chăn nuôi theo định kỳ, cung cấp đủ thức ăn và nước uống để nâng cao sức khỏe, tăng đề kháng cho gia cầm…
Ông Nguyễn Ngọc Đức, Quản lý Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa cho biết: Tổng đàn gia cầm của toàn huyện có khoảng 420.000 con, trong đó có khoảng 200.000 con vịt. Hiện địa phương đã tiêm được 79.000 liều vắc xin cúm gia cầm. Chúng tôi đang tiếp tục tổ chức tiêm phòng, dự kiến cuối tháng 5 sẽ kết thúc đợt tiêm.
Ngoài ra, trạm cũng đang phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng dịch cho vật nuôi, trong đó có gia cầm. Trạm cũng tăng cường kiểm soát việc mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, các trường hợp nhập đàn, xuất đàn đều đảm bảo yêu cầu theo quy định.
Còn theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An, trạm sẽ giám sát chặt chẽ số lượng, kiểm tra giấy tiêm phòng khi có đàn vịt chạy đồng; vận động người dân chủ động báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các đàn vịt chạy đồng từ nơi khác đến; đồng thời đẩy mạnh tiêm phòng, nhất là ở những vùng có nguy cơ, vùng ổ dịch cũ.
THỦY TIÊN