Đang thời điểm nắng nóng gay gắt, nhưng sau khi thu hoạch lúa đông xuân, rơm khô được máy cuộn tròn chở về nhà, phần rơm vụn còn lại, nhiều người vẫn có thói quen đốt đồng, gây nguy cơ cháy lan, rất nguy hiểm.
Đốt rơm rạ là đốt tiền
Trên các cánh đồng từ Chí Thạnh đến An Nghiệp, An Định (huyện Tuy An), nhiều đám ruộng sau khi thu hoạch đều bị cháy đen do người dân đốt rơm rạ còn sót lại. Theo quan sát của phóng viên, trên cánh đồng nhỏ thuộc xã An Nghiệp có 10 đám ruộng thì hết 8 đám bị đốt cháy. Thực trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn có nguy cơ cháy lan, mất an toàn cho khu dân cư.
Ông Phan Văn Tiến ở xã An Định cho hay: Thu hoạch vụ lúa đông xuân, do thời gian chuyển giao qua vụ hè thu ngắn nên sau khi bán hoặc chuyển số rơm cuộn về nhà, bà con thường đốt số rơm rạ nát vụn còn lại tại ruộng chớ không cày vùi. Mấy hôm nay nắng gắt, có người đốt rơm cháy lan vô hàng tre gần khu dân cư, may mà phát hiện sớm, dập lửa kịp thời. Trời nắng nóng, rơm rạ rất dễ bén lửa nên việc đốt đồng kiểu này rất nguy hiểm.
Tương tự, tại các cánh đồng ở Hòa An, Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), tình trạng đốt đồng cũng khá phổ biến. Có trường hợp đốt rơm khô cháy lan qua những đám cỏ voi, ruộng lúa chín chưa kịp thu hoạch. “Những ngày qua, tầm 16-17 giờ, đi trên quốc lộ 25 tôi thấy khói đốt đồng mù mịt. Không chỉ ở Phú Hòa mà Tây Hòa cũng vậy”, ông Phan Văn Hùng ở TP Tuy Hòa nói.
Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành Nông nghiệp, 1 tấn rơm chứa khoảng 7kg đạm, 1,2kg lân, 20kg kali, 40kg silic và 400kg carbon. Do vậy, việc đốt bỏ rơm rạ đồng nghĩa sẽ bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Hay nói cách khác, đốt rơm chính là đốt tiền.
Cũng theo các chuyên gia, việc thu gom rơm rạ để xử lý làm phân bón còn rất hạn chế. Nhiều nông dân vẫn quen đốt đồng, để tranh thủ dọn đất sạ cho vụ sau. Điều này không những gây lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường vì khói bụi. Do vậy cần phải thường xuyên tuyên truyền để bà con dần thay đổi ý thức, thói quen.
Còn theo Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), quy trình xử lý rơm rạ theo ba hướng: Thứ nhất, rơm rạ được thu gom trên đồng ruộng tốt sẽ chế biến để làm thức ăn chăn nuôi.
Thứ hai là xử lý để trồng nấm rơm và các phụ phẩm từ trồng nấm rơm sẽ được xử lý tiếp để làm phân bón hữu cơ. Thứ ba, nếu rơm rạ trong quá trình thu gom bị ẩm ướt hoặc bị mục mà không thể xử lý làm nấm rơm hay làm thức ăn chăn nuôi thì sẽ được xử lý làm phân bón hữu cơ để bón ngược lại cho đồng ruộng, giúp tăng độ màu mỡ cho đồng ruộng.
Dự trữ gốc rạ làm thức ăn cho trâu bò
Các cánh đồng ở Tuy An, Đồng Xuân tưới từ nguồn nước hồ, đập nhỏ, không nằm trong hệ thống Thủy nông Đồng Cam, bà con nông dân lo ngại sắp đến nắng hạn thiếu nước tưới, thu hẹp diện tích sản xuất nên nhiều người tranh thủ ra ruộng cắt gốc rạ phơi khô trữ làm thức ăn cho trâu bò, chạy đua với việc đốt đồng.
Theo các chuyên gia, việc thu gom rơm rạ để xử lý làm phân bón còn rất hạn chế, tập quán của nhiều nông dân vẫn quen đốt đồng, để tranh thủ dọn đất sạ cho vụ sau. Điều này không những gây lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường vì khói bụi. |
Ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân cùng con trai ra cánh đồng trước nhà cắt gốc rạ, chia sẻ: “Gia đình tôi thu hoạch 1 sào ruộng, máy quấn được 12 cuộn rơm khô. Bò hiện nay quanh năm suốt tháng được nuôi nhốt trong chuồng, nên phải chuẩn bị đủ thức ăn dự trữ cho chúng”.
Cạnh đó, ông Phan Thanh Vinh đang cho gốc rạ vào bao nói: Mấy hôm nay trời nắng nóng, sáng sớm tôi tranh thủ ra ruộng ngồi nạo gốc rạ, đến 9 giờ nắng nóng lưng thì đầy 2 bao tải. Gia đình tôi nuôi 4 con bò nhưng chỉ có 2 sào ruộng. Sợ thiếu rơm, tôi tranh thủ đi cắt gốc rạ về phơi khô, để dành cho bò ăn xen cỏ trồng.
Bà Bùi Thị Hồng ở xã An Định, huyện Tuy An đang phơi rơm trên ruộng lúa vừa mới gặt xong, cho hay: Gia đình tôi có 2 sào ruộng, trước đây gặt xong đem rơm về nhà vun nọc trữ, còn nay phơi khô rồi thuê máy cuộn, chở về chất trong nhà rơm. Thường 2 sào lúa, gặt xong máy quấn được 24 cuộn rơm, không đủ cho 4 con bò ăn trong 6 tháng.
Trong khi đó, 1 trong 2 sào ruộng nằm xa nguồn nước, nếu nắng hạn kéo dài sẽ không đủ nước để sản xuất vụ hè thu, không đủ rơm cho bò ăn. Tôi đã dò hỏi mua rơm về trữ mà không ai bán vì vùng này hầu như nhà nào cũng nuôi bò. Đang là thời điểm nắng gắt, cỏ voi trồng ngoài đồng đang chết cháy nên giải pháp tối ưu là chịu khó đi cắt gốc rạ về trữ cho bò ăn thêm. Thế nhưng, nhiều đám chưa kịp cắt thì chủ ruộng đã đốt cháy đen.
MẠNH LÊ TRÂM