Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm xảy ra ở một số địa phương trong cả nước; trong đó, tỉnh Khánh Hòa lân cận có trường hợp chết người do bị cúm gia cầm. Cơ quan chức năng nhận định nếu không có những biện pháp phòng dịch quyết liệt thì nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch cúm gia cầm ở đàn vật nuôi của tỉnh là khó tránh khỏi.
Báo Phú Yên trao đổi với ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về công tác ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Lâm |
* Xin ông cho biết, hiện nay dịch cúm gia cầm đang diễn biến ra sao?
- Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), trong 2 tháng đầu năm 2024 xảy ra gần 1.300 ổ dịch cúm gia cầm tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, qua số liệu báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 7 ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm tại 7 tỉnh gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Vĩnh Long, với 11.569 con gia cầm mắc bệnh; 12.424 con gia cầm chết và buộc tiêu hủy (tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2023). Các chủng vi rút cúm gia cầm đang lưu hành ở nhiều địa phương với tỉ lệ khá cao (khoảng 5%) gồm chủng A(H5N1), A(H5N6), A(H5N8)...
Tại Phú Yên, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang được kiểm soát, chưa xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm, bao gồm cả dịch cúm gia cầm. Tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện có khoảng 4,5 triệu con. Toàn tỉnh có 32 trại nuôi gà, 27 trại vịt, ngan, ngỗng, chim cút và hàng trăm hộ nuôi nhỏ lẻ xen kẽ trong các khu dân cư.
* Ông nhận định thế nào về tình hình dịch cúm gia cầm trong thời gian tới?
- Trong thời gian tới, nguy cơ dịch cúm gia cầm lây nhiễm và xảy ra trên đàn gia cầm của địa phương là rất cao. Hiện nay, thời tiết nắng nóng cực đoan làm giảm sức đề kháng nên vật nuôi dễ mắc bệnh. Bên cạnh đó, tình hình chăn nuôi gia cầm theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ xen kẽ trong các khu dân cư còn phổ biến; tình trạng giết mổ gia cầm tại các chợ mua bán gia cầm sống hay người dân tự giết mổ tại nhà vẫn còn nhiều. Ngoài ra, vụ lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh đã đến kỳ thu hoạch, khi đó vịt đàn sẽ vào mùa chạy đồng càng làm cho dịch cúm gia cầm có cơ hội xâm nhập và lây lan hơn nữa.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan ở gà, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, các loài chim... và động vật có vú thuộc mọi lứa tuổi, đặc biệt bệnh có thể lây lan sang người. Khi nhiễm bệnh, gia cầm thường có các triệu chứng: Đi run rẩy, đầu lắc hoặc nằm tụ từng đám, ho, thở khò khè, phù đầu, chảy nước mũi, mào tím tái, xuất huyết dưới da, phân loãng có màu trắng hoặc trắng xanh... Trường hợp vi rút gây bệnh có độc lực cao có thể làm cho gia cầm chết hàng loạt, có trường hợp chết 100%. |
* Vậy phải làm gì để ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
- UBND tỉnh rất quan tâm và đã chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm và triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt I/2024.
Trong tháng 3 vừa qua, ngành Thú y đã phối hợp cùng các địa phương thực hiện vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trong toàn tỉnh. Đồng thời triển khai tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi đợt I. Tính đến nay, toàn tỉnh tiêm được 97.700 liều vắc xin cúm gia cầm; trong đó hai địa phương là TX Đông Hòa và huyện Phú Hòa thuộc vùng có nguy cơ cao đối với bệnh cúm gia cầm nên được Nhà nước hỗ trợ miễn phí vắc xin cúm và đã tiêm được 70.500 liều. Các địa phương khác vận động người chăn nuôi tự mua tiêm được 27.200 liều.
Chi cục cũng chủ động giám sát lưu hành bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong năm 2023 đã lấy 840 mẫu tại các chợ đầu mối và 180 mẫu tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để phát hiện chủng vi rút cúm gia cầm lưu hành tại tỉnh. Kết quả không ghi nhận các chủng vi rút cúm gia cầm tại tỉnh. Dự kiến trong năm 2024, chi cục tiến hành lấy 180 mẫu để tiếp tục giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm.
Ngoài ra, chi cục cũng đã chỉ đạo Trạm Kiểm dịch động vật Hảo Sơn (TX Đông Hòa) tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra vào 24/24 giờ hằng ngày, đảm bảo không để gia cầm, sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh hoặc có dấu hiệu nhiễm bệnh, không đủ giấy tờ quy định… nhập vào tỉnh.
Các trạm chăn nuôi và thú y huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiểm soát giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ trái phép, không đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và phối hợp chính quyền cơ sở hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Lực lượng chức năng kiểm tra việc mua bán, giết mổ gia cầm tại chợ Tuy Hòa. Ảnh: THỦY TIÊN |
* Người chăn nuôi cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả phòng dịch trong tình hình hiện nay, thưa ông?
- Hiện nay, đàn gia cầm của tỉnh đang phát triển ổn định, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh này trong thời gian tới rất cao, người chăn nuôi không được chủ quan lơ là. Bà con cần chủ động theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm trên đàn vật nuôi của gia đình và các đàn gia cầm xung quanh.
Đặc biệt, bà con cần tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho toàn bộ đàn, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng, thực hiện vệ sinh khu vực chăn nuôi hằng ngày, phun tiêu độc định kỳ 2 lần/tuần để tiêu diệt bớt mầm bệnh trong không khí.
Trong thời điểm dịch cúm gia cầm đang diễn ra khá phức tạp ở một số tỉnh thành, người nuôi cần thận trọng xem xét khi tăng đàn gia cầm. Trong trường hợp gia cầm có các biểu hiện nhiễm bệnh, bà con phải nhanh chóng cách ly, báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất để được kiểm tra, hướng dẫn xử lý kịp thời; tuyệt đối không giấu bệnh, bán chạy gia cầm bệnh hoặc vứt xác gia cầm chết ra môi trường. Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm tuyệt đối tuân thủ các biện pháp dự phòng dịch bệnh thường quy.
* Xin cảm ơn ông!
UBND tỉnh vừa có công văn chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm. Theo đó, các địa phương tổ chức tốt công tác tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt I/2024; tỉ lệ tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đảm bảo đạt trên 80% tổng đàn; tăng cường vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi. Các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, nhất là bệnh cúm gia cầm nhằm phát hiện sớm và xử lý, dập tắt ngay các ổ dịch mới phát sinh, không để dây dưa, kéo dài và lây lan ra diện rộng… |
THỦY TIÊN (thực hiện)