UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp tỉnh Phú Yên giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050 (Đề án). Đây được xem là cơ sở để tỉnh trở thành “thủ phủ” cây dược liệu trên đất lâm nghiệp trong khu vực và cả nước.
Lợi thế cây dược liệu
Tại buổi công bố quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đây là cơ hội để người dân tiếp cận, phát triển mô hình nông nghiệp phù hợp với đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của Phú Yên, từ đó tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, trên địa bàn Phú Yên, các loài cây trồng dược liệu chủ yếu theo từng tiểu vùng sinh thái. Tại tiểu vùng phía Nam và Đông Nam, các loại cây dược liệu phát triển tốt và có thể xem là thế mạnh của tỉnh như: Cỏ mực, diệp hạ châu, tần dày lá, hồng đài, sâm bố chính (nhân sâm Phú Yên), dây thìa canh, trinh nữ hoàng cung, xuyên tâm liên, dừa cạn, kim tiên thảo, lạc tiên tây, gừng, đinh lăng, đương quy, phan tả diệp...
Cùng với đó là các loại cây phân bố tự nhiên như sa nhân tím, cam thảo Đá Bia, cà gai leo, hương bài, lô hội, trinh nữ hoàng cung, thổ phục linh, ba kích, vằng đắng, hoằng đằng, nghệ, nấm linh chi...
Tại tiểu vùng phía Tây đã xác định được 28 loài cây dược liệu có giá trị là thế mạnh của địa phương ở độ cao dưới 400m bao gồm: Sa nhân tím, địa liền, cà gai leo, hoài sơn, bụp giấm, dó trầm, cốt khí củ, trinh nữ hoàng cung, đinh lăng thiên niên kiện, tràm, nấm linh chi ở vùng núi thấp. Các vùng đất có độ cao trên 400m có những loại cây như: Quế, sa nhân tím, thổ phục linh, bình vôi, ba kích, vằng đắng, lá khôi, đảng sâm, lan kim tuyến..
Tại tiểu vùng cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa - Tuy An) có 12 loài cây dược liệu là thế mạnh của vùng bao gồm: sâm cau, hà thủ ô, bình vôi, cỏ ngọt, nấm linh chi…
Tiểu vùng sinh thái chuyển tiếp Krông Trai (Sơn Hòa) cũng sở hữu 19 loài cây dược liệu là thế mạnh của vùng bao gồm: Sa nhân tím, cà gai leo, sả, hương bài cốt toái bổ, địa liền, thảo quyết minh, dó trầm, tràm…
Tại tiểu vùng sinh thái phía Bắc - Tây Bắc (Đồng Xuân - Sông Cầu) có 21 loài cây dược liệu là thế mạnh của vùng gồm: Sa nhân tím, ba kích, đinh lăng, nghệ, thiên niên kiện, dó trầm, thổ phục linh, bách bệnh, trà Mã Dọ…
Theo ông Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam), Phú Yên có nhiều lợi thế để phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp. Nếu tập trung đầu tư, phát triển các loại cây bản địa, đặc hữu, tỉnh sẽ mở ra cơ hội để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Nâng cao tính khả thi của đề án
Tại buổi công bố quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án, Sở NN&PTNT đã lắng nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia và đại biểu tham dự. Mục tiêu là làm sao để Đề án đi theo đúng lộ trình, giúp người dân cải thiện đời sống; phát triển ngành hàng dược liệu của tỉnh trở thành ngành hàng mang thương hiệu mạnh, có giá trị sản xuất cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương và đưa Phú Yên trở thành trung tâm sản xuất dược liệu (nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng) của vùng duyên hải Nam Trung Bộ trong tương lai.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: “Sông Hinh là địa phương có nhiều loại cây dược liệu có giá trị. Tuy nhiên, để Đề án đến được với người dân và trở thành một mô hình kinh tế có giá trị, thu hút nhiều thành phần tham gia, trước hết cần những cơ chế tạo động lực. Nhà nước có thể hỗ trợ giống, tìm nguồn tiêu thụ cho người dân. Khi có lợi nhuận cao, người dân chắc chắn sẽ hưởng ứng và tham gia”.
Theo Sở NN&PTNT, cơ quan chức năng sẽ gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu tại các huyện, trong đó tập trung tại các ban quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả, Krông Trai; ban quản lý rừng phòng hộ Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân và Sông Cầu.
“Trước mắt sẽ nâng diện tích vùng trồng dược liệu lên khoảng 20.000ha vào năm 2030; trong đó tập trung vào các loài cây dược liệu tiềm năng phát triển ở quy mô sản xuất hàng hóa và các loài cây dược liệu bản địa, đặc hữu có thế mạnh ở địa phương như: Quế, dó trầm, sa nhân tím, ba kích, địa liền, cỏ mực, diệp hạ châu, dừa cạn, trà Mã Dọ...”, đại diện Sở NN&PTNT cho biết.
Lãnh đạo các địa phương có vùng cây dược liệu cũng đồng tình và cho rằng phải có giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, góp phần tăng dần tỉ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm nội địa. Đồng thời đảm bảo người dân sống gần rừng được chia sẻ lợi ích từ rừng và sống dựa vào nguồn thu nhập từ dược liệu để bảo vệ rừng, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.
Thực hiện được các giải pháp ấy, mục tiêu đến năm 2030 có 10.000 hộ gia đình tham gia gây trồng và phát triển dược liệu được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ dược liệu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình là khả thi.
Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là công tác tuyên truyền. Các địa phương phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ về Đề án; hiểu đúng giá trị của tài nguyên dược liệu trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của phát triển dược liệu đến các lĩnh vực của đời sống KT-XH, đặc biệt là gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong vùng. |
NGÔ NHẬT