Gần đây, giao dịch trực tuyến thông qua các nền tảng thương mại điện tử như website, fanpage, zalo, facebook, tiktok, youtube… trở nên phổ biến đối với cơ sở kinh doanh và người mua hàng. Việc này giúp cả người bán lẫn người mua tiếp cận, tận dụng công nghệ để mua sắm, kinh doanh hiệu quả.
Thiết lập website, livestream bán hàng, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ bằng clip ngắn… là những hình thức mang lại hiệu ứng tích cực trong hoạt động thương mại, cung ứng dịch vụ. Ðồ họa: KHANG ANH |
Thu hút người mua
Tăng lượng tiêu thụ bò một nắng từ bán hàng online là hướng đi mà chủ cơ sở sản xuất bò một nắng Thúy Liễu (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) triển khai những năm gần đây.
“Hơn 20 năm làm nghề chế biến bò một nắng nhưng phải đến năm 2020, gia đình mới thiết lập trang bán hàng trực tuyến và số lượng hàng bán qua hình thức này liên tục tăng. Nếu những năm trước, mỗi tháng chúng tôi bán vài chục ký đến khoảng trăm ký thì thời điểm hiện tại con số bán ra đã trên dưới 1 tấn”, bà Nguyễn Thị Thúy Liễu, chủ cơ sở này phấn khởi chia sẻ.
Cơ sở sản xuất bò một nắng Thúy Liễu có 4 sản phẩm làm từ bò, gồm: bò một nắng, bò ướp tảng tươi, bò hai nắng, chả bò, được giới thiệu, bán sỉ, lẻ trên nhiều nền tảng thương mại điện tử. Người đặt mua không chỉ có khách hàng cá nhân mà còn có các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh quy mô lớn trên cả nước.
“Nếu tính lượng khách hàng theo dõi, tương tác mua hàng trên các ứng dụng zalo, fanpage… do cơ sở đăng tải thì trên 15.000 người. Ðể duy trì lượng tương tác này, chúng tôi chú trọng kiểm soát nguyên liệu và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Thúy Liễu nói thêm.
Cùng lúc tạo dựng website http://ocopphuyen.vn/ và lập trang fanpage OCOP Phú Yên - Ðặc sản Xứ Hoa Vàng Cỏ Xanh, chị Dương Thị Thu Sương (xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) từng bước quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng cả nước. Hoạt động kinh doanh của chị bắt đầu thuận lợi khi có địa chỉ bán hàng trực tuyến và nhiều khách hàng biết đến các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Phú Yên.
Chị Sương đầu tư thiết kế website, cập nhật thông tin hàng hóa trên fanpage từ năm 2022. Nhằm tăng sự tin tưởng của khách hàng, khuyến khích giao dịch thông qua hệ thống, chị nhanh chóng hoàn thiện giấy phép kinh doanh và đăng ký hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.
“Hiện website của tôi đã đăng tải hơn 30 sản phẩm tiêu biểu, đều đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Hầu hết sản phẩm được niêm yết và bán theo giá do cơ sở sản xuất công bố. Kể từ khi tích hợp các nền tảng thương mại điện tử, địa chỉ bán hàng của tôi thu hút nhiều sự quan tâm từ phía khách hàng và lượt xem trang ngày càng tăng”, chị Sương chia sẻ.
Chị Lê Thị Hồng Tâm (phường 8, TP Tuy Hòa) cho hay: Tôi thường xem, mua hàng trên các trang bán hàng online của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong tỉnh. Sản phẩm của các cơ sở đa số chất lượng, cách giới thiệu của người bán cũng thật thà nên thu hút nhiều người mua.
Ðổi mới giao diện, cập nhật sản phẩm
Là đơn vị phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ qua ứng dụng thương mại điện tử, bước sang năm mới, Bưu điện tỉnh tiếp tục rà soát, cập nhật thêm các sản phẩm mới, đặc trưng của tỉnh lên website bán hàng, ứng dụng triệt để các nền tảng thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu mua sắm của đông đảo người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Ngọc Huy, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Chúng tôi phát triển hệ thống bán hàng, cung ứng dịch vụ bưu chính trực tuyến thông qua sàn postmart.vn, fanpage của Bưu điện tỉnh và các bưu cục trực thuộc, với 620 sản phẩm, dịch vụ đã đăng tải lên sàn, giao dịch phát sinh lên đến hơn 14.600.
Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh hình thức livestream, đổi mới địa chỉ bán hàng, Bưu điện tỉnh tiếp tục đưa lên sàn các sản phẩm mới, đặc trưng của tỉnh, tăng cường triển khai các ứng dụng, nền tảng mới để thu hút đông đảo người tiêu dùng và khách du lịch.
Ngoài 8 sản phẩm đã sản xuất thành công từ đông trùng hạ thảo như đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, cao đông trùng hạ thảo tỏi đen, đông trùng hạ thảo ký chủ nhộng/tằm…, Công ty CP Dược thảo Thiên Phú (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) còn sản xuất, đưa ra thị trường một số sản phẩm chuyên sâu về đông trùng hạ thảo như viên nang đông trùng hạ thảo, yến chưng đông trùng…
Những năm qua, việc phát triển hình thức bán hàng trực tuyến đã giúp công ty này quảng bá sản phẩm hiệu quả; tiếp cận, chăm sóc khách hàng nhanh, kịp thời hơn, từ đó tăng doanh số bán hàng.
“Ðể hệ thống bán hàng online được nhiều người biết đến, công ty luôn đổi mới hình ảnh, nội dung thông tin đăng tải, đẩy mạnh cập nhật ứng dụng mới để có thể tương tác với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Không chỉ có fanpage, website http://duocthaothienphu.vn, trong năm mới Giáp Thìn 2024, công ty tiếp tục phát triển cả kênh tiktok, youtube để tiếp cận khách hàng mới”, ông Nguyễn Văn Ðức, Giám đốc Công ty CP Dược thảo Thiên Phú thổ lộ.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương, việc quảng bá, giới thiệu, mua bán sản phẩm, hàng hóa qua các nền tảng thương mại điện tử đã giúp các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng; góp phần thực hiện mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Phú Yên đến năm 2025.
KHANG ANH