Nuôi biển ở Phú Yên đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế tại các vùng nông thôn và tạo sinh kế cho người dân ven biển. Tỉnh khuyến khích triển khai các mô hình nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao để phát triển bền vững.
Hiệu quả từ nuôi biển
Vùng biển hở gần bờ và xa bờ ở Phú Yên có diện tích khoảng 34.000km2, rất thuận lợi để phát triển nuôi biển công nghiệp. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 100.000 lồng nuôi thủy sản, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 6.000 lao động. Ngoài kinh nghiệm được tích lũy qua nhiều thế hệ, ngư dân Phú Yên bước đầu ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến và đầu tư lồng bè theo hướng nuôi công nghiệp nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Sau gần 5 năm lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quân Anh (phường Xuân Đài, TX Sông Cầu) quyết định về quê nối nghiệp gia đình, triển khai nuôi biển theo hướng công nghiệp với việc đầu tư gần 1,5 tỉ đồng chuyển đổi từ nuôi biển bằng lồng truyền thống sang lồng HDPE.
Ông Nguyễn Quân Anh cho biết: Hiện gia đình tôi đã đầu tư 8 lồng HDPE tròn, mỗi lồng có đường kính 16m, thả nuôi khoảng 15.000 con cá chim vây vàng. Đến nay, cá nuôi được 4-7 tháng, lứa lớn đã đủ tuổi xuất bán. Để nuôi được 1kg cá thương phẩm thì chi phí khoảng 80.000-90.000 đồng, giá bán hiện nay khoảng 120.000-130.000 đồng/kg…
Theo ông Nguyễn Quân Anh, chi phí đầu tư nuôi biển theo hướng công nghiệp bằng lồng HDPE rất lớn, nhưng bù lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn. Vật liệu lồng nuôi này rất thuận lợi và ổn định, chịu được sóng biển lớn, độ bền cũng trên 40 năm. Năm 2024, gia đình tiếp tục chuyển gần 20 lồng nuôi tôm hùm truyền thống sang lồng HDPE tròn có đường kính 8-10m và lồng vuông với mỗi cụm 4-6 ô lồng, mỗi ô lồng khoảng 6m2.
Ông Trần Văn Nở ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) cũng đã gắn bó với nghề nuôi tôm hùm gần 30 năm nay. Theo ông Nở, ngoài kinh nghiệm thì người nuôi phải biết cách phòng ngừa dịch bệnh và nắm rõ phác đồ điều trị các loại bệnh thường gặp trên tôm nuôi, có như vậy mới đạt hiệu quả.
“Năm nay, gia đình tôi thả nuôi hơn 10.000 con tôm hùm, lợi nhuận thu về hơn 1 tỉ đồng. Đây là kết quả của việc áp dụng những phương pháp nuôi tiên tiến được chuyển giao, đặc biệt là của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III. Để nuôi bài bản hơn, gia đình tôi dự định đầu tư lồng nuôi bằng vật liệu mới HDPE”, ông Trần Văn Nở chia sẻ.
Tình hình nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên trong 5 năm, từ 2019-2023. Đồ họa: MẠNH HÙNG |
Tìm hướng đi mới
Theo Sở NN&PTNT, trong cơ cấu kinh tế thủy sản của tỉnh, nuôi trồng chiếm khoảng 56% về giá trị sản xuất; các đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng, tôm hùm và cá biển. Những năm qua, ngành Thủy sản Phú Yên không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và tạo sinh kế ổn định cho ngư dân ven biển.
Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc cho biết: Công ty đã hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa và đã xây dựng được mô hình RAS (hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn) hoàn chỉnh. Mô hình này được xem là hướng đi mới, giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm bền vững. Công ty tiếp tục triển khai mô hình này và chuyển giao công nghệ đến người nuôi trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, tôm hùm nuôi ở Phú Yên xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 80-90%), tuy nhiên thị trường này thiếu ổn định bởi đa số xuất đi bằng đường tiểu ngạch. Các địa phương có nuôi biển đang khắc phục những vướng mắc về công tác giao đất mặt nước, cấp giấy phép và mã số vùng nuôi, xây dựng chuỗi liên kết, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm tôm hùm.
Lãnh đạo TX Sông Cầu vừa tham gia cùng đoàn công tác của Bộ KH&ĐT tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư và xuất khẩu tôm hùm nuôi sang thị trường Hàn Quốc. Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết: Qua làm việc với các tập đoàn, công ty thủy sản phía Hàn Quốc hứa sẽ sang Việt Nam và đến Phú Yên để tìm hiểu thêm từ đó có hướng hợp tác, liên kết. Tôm hùm nuôi ở Sông Cầu cũng đang hướng đến thị trường Nhật Bản và nhiều nước khác. TX Sông Cầu đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm hướng đến xuất khẩu tôm hùm nuôi chính ngạch.
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, tỉnh đang điều chỉnh cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản giảm dần đến ổn định đối với diện tích nuôi đầm, vịnh, vùng biển ven bờ, đồng thời phát triển tương ứng tại các vùng biển hở và một số vùng nuôi công nghệ cao trên bờ. Tỉnh cũng khuyến khích phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, dễ mở rộng thị trường tiêu thụ như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, cá biển và thủy đặc sản…
Phú Yên có tiềm năng nuôi biển rất lớn. Tỉnh cần nhanh chóng chuyển hướng sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững. Phát triển nuôi biển ở Phú Yên cần gắn với chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng phát triển thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến |
ANH NGỌC