Từ định hướng chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả ở những vùng đất trũng thấp, đầm lầy hoang hóa sang trồng sen, đến nay, sen là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao được các địa phương đẩy mạnh đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất.
Hiện một số đơn vị, cá nhân đã thực hiện hiệu quả mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây sen, trong đó có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh.
Từ mô hình chuyển đổi cây trồng
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Trưởng phòng Kinh tế (TX Đông Hòa), hơn 10 năm trước, tận dụng các diện tích vùng đất trũng thấp trồng lúa kém hiệu quả, đầm lầy bỏ hoang, nhiều hộ dân đã đưa giống sen cao sản từ miền Nam về trồng với mong muốn nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định. Qua chuyển đổi, nhận thấy sen là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân các xã, phường đã mạnh dạn thuê thêm diện tích đất các vùng lúa trũng kém hiệu quả để đầu tư mở rộng sản xuất.
“Trồng sen cho lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa nên hầu hết các diện tích ao đầm trũng úng của địa phương đã được chuyển đổi để trồng sen, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân. Đến nay, thị xã đã chuyển đổi hơn 150ha diện tích đất trồng kém hiệu quả sang mô hình trồng sen, trong đó tập trung nhiều nhất ở phường Hòa Xuân Tây với diện tích trồng sen lấy hạt hơn 41ha”, bà Thuận cho biết.
Ông Trương Minh Phát ở khu phố Nam Bình 2, phường Hòa Xuân Tây là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương này phát triển nghề trồng sen. Ông Phát cho hay: “Trước đây, khi thấy các ao, đầm, bầu bị bỏ hoang, tôi mới học tập nông dân các tỉnh miền Nam mua sen giống về trồng. Không ngờ sau khi xuống giống, cây sen chịu đất, chịu nước xứ mình nên phát triển tốt, ra hoa đều, tôi tiếp tục thuê thêm ao đầm để mở rộng diện tích. Từ 1,5ha ban đầu, hiện gia đình tôi có hơn 4ha sen”.
Tại huyện Tây Hòa, thời gian qua, nhờ chính sách hỗ trợ, nhiều địa phương trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đất trũng bỏ hoang sang trồng sen với diện tích khoảng 70ha.
Ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Hòa cho biết: “Để thúc đẩy phát triển mô hình trồng sen và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen, huyện đã bố trí kinh phí và thực hiện chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho người trồng sen; đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản sản phẩm. Địa phương đang vận động người dân mở rộng diện tích trồng và nâng cao giá trị sản phẩm từ cây sen; phấn đấu đến cuối năm 2023 phát triển lên 84ha”.
Đến xây dựng sản phẩm OCOP
Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), nắm bắt các cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, HTX đã xây dựng thành công mô hình trồng sen, liên kết từ sản xuất đến chế biến tại chỗ, mang lại hiệu quả kép và tạo thu nhập cao ổn định cho nông dân trên địa bàn. Năm 2021, HTX tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), sản phẩm bột hạt sen Hòa Đồng đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
“Ngoài sản phẩm bột hạt sen, HTX còn sản xuất thêm nhiều sản phẩm từ sen khác gồm sen sấy khô, trà tim sen, sen tươi tách vỏ. Mới đây, sản phẩm trà tim sen tiếp tục đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Hiện HTX đang chuyển đổi mở rộng diện tích trồng sen, phấn đấu đến năm 2025 nâng diện tích trồng sen trong toàn xã lên 40ha”, ông Minh cho biết thêm.
Còn theo bà Phạm Thị Bích Thủy, Chi hội trưởng phụ nữ khu phố Thạch Chẩm, phường Hòa Xuân Tây, năm 2021 khi dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn khiến nhiều gia đình trong xã thu hoạch sen nhưng không bán được. Để hỗ trợ bà con tiêu thụ ổn định, bà Thủy đã nghĩ ra ý tưởng thu mua, chế biến các sản phẩm từ sen và cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ sen ra đời từ đó. Theo bà Thủy, lúc đầu quy mô nhỏ lẻ, bà thu mua hạt sen thô về gia công bóc tách vỏ đem bán hạt sen tươi tại các chợ và bỏ mối quen. Rồi dần dần nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ sen để bán ra thị trường gồm bột hạt sen, trà tim sen, dưa chua ngó sen, bột củ sen… giải quyết việc làm thường xuyên tại chỗ cho hơn 20 lao động và hàng trăm lao động nhận sản phẩm về gia công tại nhà theo mùa vụ.
“Khi biết đến Chương trình OCOP, được sự hỗ trợ của địa phương, tôi đăng ký tham gia đánh giá ngay và lần lượt 2 sản phẩm bột hạt sen và trà tim sen đều đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Hiện các sản phẩm được đưa vào bán tại siêu thị trong và ngoài tỉnh; đưa lên sàn thương mại điện tử https://phuyentrade.gov.vn của tỉnh và ký kết hợp đồng với hệ thống ECOFARM-Pay tại Bình Thuận để đưa sản phẩm OCOP vào bán trên chuỗi hệ thống theo hình thức trực tuyến; đồng thời được xuất khẩu qua Lào, Ấn Độ và Mỹ. Tôi có ý tưởng phát triển thêm một số sản phẩm OCOP được chế biến từ sen như trà củ sen, trà sen đá và sen tươi sấy giòn”, bà Thủy chia sẻ.
Đông Hòa và Tây Hòa là 2 địa phương có định hướng bài bản cho cây sen và phát triển với diện tích lớn. Hiện một số đơn vị, cá nhân đã thực hiện hiệu quả mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây sen, trong đó có 4 sản phẩm của 2 chủ thể đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Các chủ thể này sau khi có sản phẩm đạt OCOP đều được UBND tỉnh hỗ trợ theo quy định Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh |
NGỌC HÂN