Nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên đàn vật nuôi còn rất cao, nhất là trong những tháng cuối năm. Đây là nhận định của các chuyên gia đầu ngành Nông nghiệp tại hội nghị ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và phát triển chăn nuôi bền vững vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức.
Tại Phú Yên, dịch bệnh ở vật nuôi đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên người chăn nuôi không được chủ quan vì nguy cơ bùng phát dịch còn rất cao.
Nhiều mối nguy
Theo Bộ NN&PTNT, với nhiều nỗ lực của ngành Chăn nuôi và các địa phương, trong 3 quý đầu năm 2023, cả nước đã kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. So với cùng kỳ năm 2022, các loại dịch bệnh nguy hiểm đều giảm về số ổ dịch, số gia súc, gia cầm chết và tiêu hủy.
Tuy nhiên, hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Cả nước vẫn còn 92 ổ dịch tả heo châu Phi, thuộc 46 huyện của 21 tỉnh thành, số heo mắc bệnh là 3.870 con, số heo chết và tiêu hủy là 4.252 con; 2 ổ dịch lở mồm long móng tại tỉnh Cao Bằng và Đồng Nai làm cho 115 con trâu, bò mắc bệnh. Cả nước có 8 ổ dịch viêm da nổi cục làm 44 con trâu, bò mắc bệnh; 3 ổ dịch cúm gia cầm chủng A/H5N1, với số gia cầm mắc bệnh là 4.286 con, số gia cầm chết và tiêu hủy là 4.976 con… Đây là những mối nguy lớn, uy hiếp đến việc chăn nuôi của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đang được kiểm soát, không xảy ra các loại bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, dịch đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nên nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh rất cao. Chính vì vậy, ngành Thú y luôn giám sát, kiểm soát chặt các điều kiện chăn nuôi, mua bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh để kịp thời ngăn chặn, phát hiện các mối nguy lây nhiễm dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đặc biệt, đối với những trường hợp vật nuôi bệnh, chết được người nuôi thông báo, đơn vị sẽ mổ khám lâm sàng để có những chẩn đoán chính xác nhất, hướng dẫn bà con cách điều trị kịp thời. Trong tuần qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã mổ khám, hướng dẫn điều trị 17 ca; không có trường hợp nào nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm như viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi…
Vẫn còn chủ quan
Để đạt hiệu quả cao trong công tác phòng dịch, ngành Thú y và các địa phương tập trung tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi đợt II/2023. Đến nay, đợt tiêm phòng chuẩn bị kết thúc. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm phòng nhiều loại bệnh rất thấp, nhất là các loại vắc xin người chăn nuôi phải tự mua.
Theo ông Giáp Văn Thức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An, đến nay, địa phương chỉ mới tiêm được vắc xin lở mồm long móng cho 78% tổng đàn, khoảng 17.800 con và vắc xin viêm da nổi cục cho 12% tổng đàn trâu, bò của địa phương, tương đương khoảng 2.650 con. Trạm vẫn đang tích cực phối hợp với các xã, thị trấn vận động bà con tiêm phòng cho vật nuôi.
Thống kê từ các địa phương cho thấy, tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh trong diện tiêm phòng đợt này gần 109.400 con. Đến nay, các địa phương chỉ mới tiêm được gần 90.000 liều vắc xin lở mồm long móng, chiếm tỉ lệ khoảng 82%; gần 17.300 liều vắc xin tụ huyết trùng, tương đương khoảng 16% tổng đàn và hơn 68.500 liều vắc xin viêm da nổi cục, trong đó phần do người dân tự mua tiêm chỉ được 230 liều. Ngoài ra, đến nay, toàn tỉnh cũng mới tiêm được 265.500 liều vắc xin cúm gia cầm, trong khi tổng đàn gia cầm của toàn tỉnh khoảng 4,5 triệu con. “Nguyên nhân chính là do người chăn nuôi vẫn còn chủ quan, có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là trở ngại lớn nhất trong công tác tiêm phòng của ngành Thú y và các địa phương trong suốt thời gian qua”, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết.
Theo Sở NN&PTNT, hiện nguy cơ phát sinh dịch rất cao, người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là. Bên cạnh việc kiểm soát, giám sát dịch bệnh của ngành chức năng, người chăn nuôi phải chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch, trong đó tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi là giải pháp hữu hiệu, bà con cần thực hiện đầy đủ, đúng lịch tiêm theo quy định. |
THỦY TIÊN