Chủ Nhật, 24/11/2024 07:53 SA
Chuyển đổi số, cơ hội chuyển mình cho kinh tế tập thể
Thứ Ba, 14/11/2023 10:38 SA

Nhiều sản phẩm OCOP của các HTX được bày bán tại các cửa hàng, siêu thị có ứng dụng chuyển đổi số nên khách hàng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm trước khi mua. Ảnh: NGỌC HÂN

Số hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, sử dụng thương mại điện tử để tăng hiệu quả kinh doanh, sử dụng các công nghệ thanh toán điện tử nhanh, gọn, chính xác… giúp kinh tế tập thể (KTTT) phát triển nhanh và bền vững.

 

Hiện nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận chuyển đổi theo mô hình HTX kiểu mới, linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận công nghệ số, hình thành chuỗi giá trị nông sản có giá trị.

 

Điểm sáng trong chuyển đổi số

 

Thời gian qua, thương hiệu gạo thơm Hoa Vàng của HTX Nông nghiệp An Nghiệp (huyện Tuy An) được nhiều người biết đến không chỉ là sản phẩm gạo đầu tiên của thành phần KTTT hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, mà còn bởi sản phẩm này đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh đầu tiên của Phú Yên. Cái tên HTX Nông nghiệp An Nghiệp nhờ đó được khẳng định và cái nhìn về KTTT, HTX cũng dần thay đổi.

 

Theo ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nghiệp, xây dựng thương hiệu đã khó mà duy trì và phát triển sản phẩm càng khó hơn. Vì vậy, HTX đã chủ động xây dựng phương án cụ thể để duy trì và mở rộng các hợp đồng tiêu thụ. Ngoài chất lượng, HTX còn hoàn thiện cả mẫu mã cũng như tìm cách đưa sản phẩm tiếp cận các nền tảng số, từng bước tạo chỗ đứng trên thị trường thương mại điện tử.

 

“Hiện gạo thơm Hoa Vàng của HTX đã có mã QR, được cấp mã vạch và được UBND tỉnh cho phép sử dụng chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm. Đây là những yếu tố quan trọng để khách hàng và người tiêu dùng ở bất cứ nơi đâu đều nắm bắt được sản phẩm của HTX qua việc quét mã bằng thiết bị điện thoại thông minh để tìm hiểu chất lượng, nguồn gốc khi mua sản phẩm”, ông Khoa chia sẻ.

 

Còn với HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa), trong khi các đơn vị chỉ đầu tư 1 sản phẩm trên 1 loại nông sản thì HTX lại đầu tư nhà máy chế biến với dây chuyền đóng gói tự động để phát triển tới 13 sản phẩm từ 3 nông sản. Mục đích của HTX là tăng cơ hội tiếp cận thị trường và tối ưu hóa những lợi thế hiện có.

 

Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX này cho biết: “Các sản phẩm của HTX đều ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, đã được cấp chứng nhận ISO 9001-2025, HACCP và được cấp quota xuất khẩu sang Nga. HTX cũng đã xây dựng kênh youtube và website thương mại riêng để giới thiệu tới khách hàng. Ngoài ra, HTX tận dụng tối đa khả năng tương tác trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo cũng như các trang thương mại điện tử gồm http://nangtamnongsanviet.com, vcamart.vn… để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước”.

 

Nỗ lực thay đổi để bứt phá

 

Theo Sở NN&PTNT, năm qua, đơn vị đã hỗ trợ các HTX tiếp cận ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của HTX lên sàn giao dịch thương mại điện tử, như ocop.vn, https://htx.cooplink.com.vn/connect, http://sanocop.vn. Đồng thời, sở phối hợp với Bưu điện tỉnh và Bưu chính Viettel ký kết hợp tác đưa nông sản của HTX lên các sàn thương mại của hai đơn vị này. Nhiều sản phẩm của HTX đã có mặt trên gian hàng trong các siêu thị, cửa hàng như: bột sen, bánh khóm, nước ép khóm, gạo thơm Hoa Vàng, rượu tằm.

 

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều HTX hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, một số cán bộ quản lý HTX vẫn còn ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành… dẫn đến việc chuyển đổi số còn chậm, thiếu tính chiến lược, hành động cụ thể.

 

“Nắm bắt từ nhu cầu thực tế này, mới đây, Sở NN&PTNT đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp những kiến thức về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; quản lý vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc trong liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; hướng dẫn sử dụng hSpace App chuyển đổi số”, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết.

 

Trực tiếp tham gia tập huấn, ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) cho hay: Việc ứng dụng chuyển đổi số không chỉ giải quyết bài toán quản trị doanh nghiệp, lấy niềm tin từ người tiêu dùng, mà còn đem lại nhiều lợi ích khác như giảm thiểu công sức lao động, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, HTX đã có thể bán được sản phẩm của mình với giá cao hơn 10% so với các sản phẩm khác.

 

Còn theo ông Đàm Ngọc Phi, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp và dịch vụ sinh thái Ea Bar (huyện Sông Hinh) cho biết: “Việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, đặc biệt là tăng uy tín với khách hàng. Ứng dụng chuyển đổi số cũng giúp việc lưu trữ hồ sơ thuận tiện, an toàn, giảm bớt giấy tờ, nhân lực. Ngoài ra, ứng dụng chuyển đổi số còn tạo tính minh bạch, niềm tin cho khách hàng và khách hàng có thể biết được quy trình từ sản xuất đến chế biến”. 

 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, HTX, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tập trung tuyên truyền, tổ chức đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý và thành viên của HTX; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm và triển khai thí điểm các mô hình HTX ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số thành công để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.

 

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

 

NGỌC HÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek