Khi nhận thông báo phải hoàn trả mặt bằng từ ngày 1/10, nhiều tiểu thương mua bán từ nhiều năm nay tại chợ Phường 7 (TP Tuy Hòa) bức xúc vì không được giải thích, giải quyết thỏa đáng quyền lợi. Các tiểu thương trong danh sách phải trả mặt bằng lo lắng, chưa biết làm gì để kiếm sống.
Lo mất kế mưu sinh
Ông Nguyễn Tấn Khiêm, tiểu thương bán hàng ăn tại chợ Phường 7 cho hay: Tôi đăng ký bán ở chợ từ năm 2013. Tháng 8/2014, tôi ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh ngoài trời, đến năm 2015 được cấp 1 sổ (hợp đồng), không ghi thời hạn. Đến khi thay đổi ban quản lý mới, họ yêu cầu tôi nộp lại sổ cũ để cấp lại sổ mới có ghi thời hạn 5 năm (từ 1/9/2015-1/9/2020). Từ đó đến nay, tôi không thấy cho ký hợp đồng lại, bán tháng nào đóng tiền mặt bằng tháng đó. Năm 2021 sửa chữa chợ, ban quản lý đã bố trí cho tôi ra bán ở khu vực trước sân chợ, khi chợ sửa xong thì dời vào vị trí cũ và tiếp tục bán cho đến nay. “Khi nhận thông báo trả mặt bằng, hầu hết tiểu thương có tên trong danh sách phải trả mặt bằng đều không đồng ý vì đã gắn bó với chợ trên dưới 10 năm và thực hiện theo đúng nội quy, quy định chợ. Nếu đột ngột trả mặt bằng thì chúng tôi không có công việc để mưu sinh”, ông Khiêm nói.
Ông Khiêm cho biết thêm, nếu chợ sửa chữa, ban quản lý yêu cầu tiểu thương ngừng bán một thời gian hoặc dời ra khu vực khác trong khuôn viên chợ để bán tạm thì tiểu thương thống nhất, thậm chí chấp nhận cả việc hỗ trợ chi phí sửa chữa... Việc ban quản lý yêu cầu tiểu thương trả mặt bằng, không nói rõ lý do và cũng không chịu trách nhiệm về việc tiểu thương có được trở lại chợ bán sau khi chợ sửa chữa xong, là không có trách nhiệm với tiểu thương. “Lẽ ra khi yêu cầu tiểu thương hoàn trả mặt bằng, chính quyền địa phương, ban quản lý chợ phải họp tiểu thương, nói rõ lý do, chủ trương, kế hoạch và lấy ý kiến để có cách giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho tiểu thương”, ông Khiêm bức xúc.
Là mẹ đơn thân, chỉ biết dựa vào việc bán cơm mỗi ngày ở chợ để kiếm tiền nuôi 6 đứa con nhưng nếu phải trả lại mặt bằng, ngừng kinh doanh, gia đình chị Đinh Thị Nhung (tiểu thương bán hàng ăn tại chợ Phường 7) rơi vào bế tắc. Chị Nhung nói: Mỗi ngày, tôi tự làm mọi việc, các con tôi thay nhau phụ mẹ, mấy mẹ con kiếm sống qua ngày nhờ bán cơm ở chợ. Nay ban quản lý yêu cầu trả mặt bằng nhưng không bố trí chỗ bán tạm hoặc không có ý định cho tôi quay trở lại bán sau khi chợ sửa chữa xong thì tôi chưa biết làm gì để trang trải tiền ăn học của các con tôi.
Sơ đồ mặt bằng bố trí mới của chợ Phường 7, TP Tuy Hòa. Ảnh: VÕ PHÊ |
Sắp xếp, khai thác, quản lý chợ theo đúng chủ trương
Theo các tiểu thương, để có được vị trí bán hàng đến thời điểm này, họ phải đăng ký trực tiếp với ban quản lý chợ, có người phải sang lại sạp, lều của tiểu thương khác với giá 100-180 triệu đồng/lô. Ngoài công tác sửa chữa của ban quản lý chợ, cá nhân họ cũng tự sửa chữa mái che, khuôn viên lều, sạp… Mong muốn của các tiểu thương lúc này là chính quyền địa phương, ban quản lý chợ có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện để họ được tiếp tục bán tại chợ Phường 7; trước mắt có thể bố trí vị trí bán tạm, bố trí để họ tiếp tục bán khi chợ sửa chữa xong… Nếu không giải quyết thỏa đáng, tiểu thương tiếp tục làm đơn trình các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp để nhờ can thiệp.
Chợ Phường 7 được đầu tư xây dựng năm 2010 với tổng diện tích khoảng 13.054m2, trong đó diện tích xây dựng gần 4.300m2 và đưa vào hoạt động từ tháng 12/2012. Từ năm 2015, chợ Phường 7 và chợ đêm Tuy Hòa do Công ty TNHH Dịch vụ Thiên Hồng Phát quản lý. Từ đầu tháng 4/2023, UBND TP Tuy Hòa đã có văn bản giao UBND phường 7 thông báo chấm dứt hợp đồng, rà soát thanh lý hợp đồng kinh doanh, khai thác, quản lý đối với công ty này; bàn giao 2 chợ cho Trung tâm Cung ứng dịch vụ công ích TP Tuy Hòa quản lý. Trung tâm đã xây dựng phương án quản lý, khai thác chợ Phường 7 và khu vực xung quanh chợ; tiếp tục thực hiện phương án sắp xếp lại để đảm bảo trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… phục vụ người dân địa phương.
Giải thích những vấn đề tiểu thương thắc mắc khi nhận thông báo trả lại mặt bằng kinh doanh, bà Huỳnh Thị Ngọc Hòa, đại diện Ban Quản lý chợ Phường 7, cho biết: Việc sắp xếp, khai thác chợ Phường 7 và các khu vực xung quanh chợ thực hiện theo định hướng, chủ trương của Thành ủy, UBND TP Tuy Hòa, theo các phương án đã được phê duyệt nhằm đảm bảo hiệu quả, mỹ quan, phát huy hết công năng chợ gắn với việc phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố. Nội dung phương án xây dựng, sửa chữa, sắp xếp lại chợ đã được niêm yết công khai tại chợ và UBND phường 7 từ tháng 7/2023. Triển khai công tác xây dựng, sửa chữa theo phương án mới, những hộ bị ảnh hưởng, phải hoàn trả mặt bằng thuộc khu vực bán hàng ăn, rau củ… thuộc góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Lê Hồng Phong, khu chợ đêm. Mới đây, bộ phận phụ trách chợ cũng đã trực tiếp thông báo đến các tiểu thương và gửi thông báo về việc chấm dứt hợp đồng và hoàn trả mặt bằng trước ngày 30/9/2023 để trung tâm bàn giao mặt bằng cho đơn vị sẽ trúng thầu quản lý chợ.
Theo bà Hòa, về nguyên tắc, thời hạn hợp đồng mà những tiểu thương này đã ký với ban quản lý chợ trước đây đã chấm dứt, tiểu thương phải hoàn trả mặt bằng khi có yêu cầu. Tuy nhiên hiện tại, các tiểu thương bán hàng rong và tiểu thương có lều cố định đều chưa chịu trả lại mặt bằng. Sắp tới, Trung tâm Cung ứng dịch vụ công ích TP Tuy Hòa sẽ phối hợp với UBND phường 7 mời tiểu thương thông tin về chủ trương quản lý, xây dựng, sắp xếp lại chợ; tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của tiểu thương để trình UBND TP Tuy Hòa giải quyết.
Sau khi UBND TP Tuy Hòa tổ chức đấu thầu quản lý chợ, đơn vị trúng thầu sẽ tiếp nhận mặt bằng từ ngày 15/10 và tiếp tục quản lý, khai thác chợ theo đúng phương án đã được chính quyền địa phương phê duyệt. Việc phân lô, bố trí điểm kinh doanh, ngành hàng theo từng khu vực sẽ được ban quản lý mới thực hiện theo đúng quy định, đúng phương án; đảm bảo an toàn, văn minh, hiệu quả.
Theo phương án bố trí mới, tổng số điểm kinh doanh tại chợ Phường 7 và khu vực xung quanh là 395 lô. Trong đó, khu A có 157 lô, khu B 98 lô, khu C 78 lô và khu vực xung quanh chợ 62 lô. Trong 62 lô thuộc khu vực xung quanh chợ như khu cổng chợ đường Trần Phú trở về phía tây, khu cổng chợ đường Trần Phú trở về phía đông, phía đường Trường Chinh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Đình Chiểu có thể xây dựng ki ốt, bố trí xe đẩy bán hàng hoặc một số hạng mục như nhà kho, nhà chứa rác thải… |
VÕ PHÊ