Năm nay, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng Phú Yên phối hợp với các địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng máy móc, thiết bị vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đầu tư thiết bị hiện đại
Phú Yên là một trong những tỉnh có vựa lúa lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng Phú Yên, việc sản xuất các sản phẩm gạo trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đúng mức, chất lượng gạo thương phẩm chưa cao do chưa phân tách màu, phân chủng loại theo đúng tiêu chuẩn…
Là cơ sở xay xát, cung ứng lương thực của tỉnh, những năm qua, hộ kinh doanh Tường Liên (Cụm công nghiệp Hòa An, huyện Phú Hòa) đã đầu tư xây dựng nhà máy, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ cho việc sản xuất gạo, cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Huỳnh Kim Tường, chủ hộ kinh doanh Tường Liên cho biết: Để nâng cao công suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm gạo của địa phương, ngoài các máy móc, thiết bị có sẵn, năm 2015, tôi đầu tư máy tách màu gạo, phục vụ quy trình chế biến gạo thương phẩm. Đến thời điểm hiện tại, máy không còn chuẩn xác, công suất cũng không phù hợp. Đầu năm 2023, cùng với sự hỗ trợ của ngành Công Thương, tôi tiếp tục đầu tư hệ thống máy tách màu công nghệ mới để sản xuất gạo chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Phát Đạt (phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa) chuyên sản xuất sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản và sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản… Đến nay, công ty đã sản xuất, bán ra thị trường khoảng 42 sản phẩm các loại. Trong quá trình sản xuất, công ty liên tục đầu tư máy móc, đổi mới thiết bị công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tế. Đơn cử, đầu năm 2023, công ty đã đầu tư máy trộn dạng trống và máy khuấy gia nhiệt cô đặc với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng (trong đó có nguồn hỗ trợ của ngành Công Thương hơn 130 triệu đồng). Việc ứng dụng 2 loại máy này đã giúp công ty hiện đại hóa quy trình sản xuất chế phẩm sinh học, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Duy Trinh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Phát Đạt cho hay: Từ khi trang bị máy trộn dạng trống và máy khuấy gia nhiệt cô đặc, sản phẩm đạt chất lượng cao, năng suất cũng tăng gấp 3 lần so với trước đây.
Hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến công nghệ
Theo ông Nguyễn Duy Trinh, trong quá trình sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Phát Đạt nhận được sự hỗ trợ từ Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng Phú Yên. “Doanh nghiệp mong muốn các ngành chức năng và địa phương tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ công ty trong việc đầu tư, cải tiến công nghệ sản xuất, phân phối sản phẩm”, ông Trinh chia sẻ.
Theo Sở Công Thương, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương (đợt 1 năm 2023), Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng Phú Yên đã phối hợp với TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa, huyện Phú Hòa và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất triển khai một số đề án hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm… Đối với việc hỗ trợ máy móc, thiết bị trong sản xuất sản phẩm, 2 đề án đã được triển khai, nghiệm thu và đưa vào sử dụng gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạo thương phẩm tại hộ kinh doanh Tường Liên và Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Phát Đạt.
Thực tế cho thấy công nghiệp hỗ trợ phát triển đã tạo ra nhiều thiết bị, máy móc hiện đại đáp ứng quá trình sản xuất của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sản xuất hiệu quả, tạo ra sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Do đó, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội phát triển của công nghệ, nỗ lực đầu tư, vận hành và khai thác triệt để công năng các thiết bị, máy móc để đạt năng suất cao nhất. Các địa phương tiếp tục phối hợp với ngành chức năng rà soát, nắm bắt nhu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để hỗ trợ, hướng dẫn, giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, đơn vị luôn khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất; đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để sản xuất sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Sở Công Thương tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, máy móc… để doanh nghiệp hoạt động, nâng cao năng lực sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
KHANG ANH