Hiện nay, mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX trên địa bàn tỉnh từng bước bắt nhịp thị trường, áp dụng khoa học, kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, các HTX chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối tiêu thụ hàng hóa, ổn định đầu ra sản phẩm.
Các HTX đang trở thành điểm tựa vững chắc cho kinh tế hộ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn.
Cầu nối liên kết nông dân
Những năm gần đây, mỗi khi bắt đầu vào vụ sản xuất muối, HTX Muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu) lại sử dụng nguồn quỹ tín dụng nội bộ giúp mỗi hộ thành viên vay từ 3-5 triệu đồng để đầu tư sản xuất muối truyền thống và trải bạt. Hiện nay, HTX này đang cho khoảng 250 hộ thành viên vay với tổng dư nợ hơn 400 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTX Muối Tuyết Diêm, ngoài hỗ trợ các thành viên đầu tư sản xuất muối, HTX còn liên kết mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt từ 3ha lên hơn 15ha và tăng sản lượng muối trên 4.000 tấn/năm; khuyến khích các thành viên xây dựng chuỗi giá trị muối sạch, tạo ra nhiều sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giúp kinh tế tập thể tại địa phương ngày càng phát triển. “HTX Muối Tuyết Diêm hiện có 850 thành viên, chiếm 30% dân số trong toàn xã nên việc xây dựng chuỗi giá trị thuận lợi. Vì khi HTX đứng ra thu mua muối của các thành viên sẽ tránh tình trạng tư thương lợi dụng lúc được mùa thì ép giá, giúp sản phẩm làm ra tiêu thụ ổn định hơn”, ông Bình cho biết.
Để tạo điều kiện cho thành viên an tâm sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị nông sản và phát triển thành sản phẩm OCOP, đầu năm 2023 đến nay, HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội (huyện Phú Hòa) đã tổ chức liên kết với các hộ dân trồng dưa hấu siêu ngọt theo quy trình trồng dưa phủ bạt, tưới nước nhỏ giọt và bón phân hữu cơ. HTX còn liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra ổn định, được các thành viên đồng tình hưởng ứng. Ông Phạm Tấn Thơ, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Hòa Hội cho hay, mô hình này hiện có 30 hộ thành viên tham gia với diện tích hơn 50ha. HTX thu mua sản phẩm của bà con, sau đó hợp đồng với Công ty TNHH Nông sản Khải Điền làm đại lý bao tiêu sản phẩm.
“Mới đây, sản phẩm dưa hấu của HTX được công nhận OCOP 3 sao. HTX đã xin cấp mã vùng trồng để sản xuất theo hướng VietGAP; đồng thời mở rộng diện tích nhằm tạo vị thế vững chắc cho dưa hấu Hòa Hội”, ông Thơ phấn khởi nói.
Góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn
Theo ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, thời gian qua, việc triển khai Chương trình OCOP đã tạo thêm động lực cho các HTX mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm thế mạnh; từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường khác nhau gắn với hình thành, phát triển các hình thức sản xuất nông thôn phù hợp.
“Hiện nay, các HTX là đơn vị tích cực tham gia xây dựng thương hiệu nông sản theo hướng OCOP và quản lý thương hiệu này. Việc mạnh dạn đầu tư trang thiết bị sản xuất, đổi mới cách làm, vận động thành viên tham gia xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản địa phương… đã giúp các HTX phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình HTX kiểu mới”, ông Lam cho hay.
Sát cánh cùng xã viên, tổ chức chặt chẽ hoạt động sản xuất, tham gia trực tiếp từ khâu đầu đến khâu cuối của sản phẩm là thế mạnh của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng (huyện Tây Hòa). Đây là đơn vị điển hình trong việc xây dựng thành công chuỗi liên kết sản xuất, chế biến từ cây sen, đưa 2 sản phẩm bột hạt sen và tim sen trở thành sản phẩm OCOP 3 sao. Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng, cho biết: “Người dân ở xã Hòa Đồng đang đẩy mạnh liên kết với các HTX, doanh nghiệp để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm từ sen. Trong đó, HTX là đầu mối thu mua gương sen, lá sen, bông sen… của các hộ trồng để cung cấp nguyên liệu cho Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt (tỉnh Đồng Tháp)”.
Ông Võ Ngọc Hưởng, thành viên HTX tham gia trồng sen bày tỏ: “Cũng nhờ HTX hỗ trợ, bà con chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đất trũng bỏ hoang sang trồng sen. Với diện tích 1,5ha, bình quân mỗi ngày tôi thu hoạch khoảng 400kg gương sen. Trung bình 1kg gương sen tươi có giá 15.000 đồng, sen hạt 40.000 đồng, trừ hết chi phí, gia đình tôi lợi nhuận từ 130-170 triệu đồng/vụ”.
Nói về vai trò của các HTX trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, bày tỏ: “Hiện nay, nhiều HTX nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP, góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên. Cách làm này cũng giúp các HTX củng cố tổ chức, xác định tư cách thành viên, phát huy nội lực, tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; xây dựng mô hình liên kết chuỗi giữa các thành viên, giữa HTX với HTX gắn với phát triển sản phẩm chủ lực địa phương”.
Toàn tỉnh có 123 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 60 chủ thể; trong đó có 13 HTX nông nghiệp với 24 sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị (chiếm 21,67% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh). Đây là kết quả đáng ghi nhận, đánh dấu sự trưởng thành của các HTX trong quản lý sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh |
NGỌC HÂN