Để giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, thời gian qua tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) triển khai các chương trình thực hành không rác. Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Hoa, Giám đốc GreenHub về những kết quả bước đầu của chương trình, góp phần bảo vệ môi trường.
Bà Trần Thị Hoa |
* GreenHub đã xây dựng chương trình thực hành không rác ở các tỉnh ven biển, trong đó có Phú Yên. Bà có thể cho biết ý nghĩa và mục tiêu của chương trình này?
- Phú Yên có đường bờ biển dài với nhiều đầm, vịnh, bãi biển đẹp, là điểm đến hấp dẫn của du khách. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang đối mặt và gặp phải một số thách thức về môi trường. Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đang gây ô nhiễm với tốc độ chưa từng thấy. Trước thực trạng trên, Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp vừa phát triển kinh tế, vừa tăng cường bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng đưa ra những chính sách quản lý rác thải nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững trong tương lai.
Chương trình thực hành không rác được triển khai trên địa bàn tỉnh với mục tiêu giảm lượng rác thải, đặt biệt là giảm lượng rác thải nhựa phát sinh tại các hộ gia đình, nhà hàng, khách sạn và các khu vực du lịch. GreenHub thực hiện 2 mô hình thí điểm kiểm toán rác thải nhựa. Phương pháp kiểm toán rác được áp dụng để thu thập thông tin về hiện trạng rác thải, loại và lượng rác, từ đó có những giải pháp thu gom, tái sử dụng, tái chế phù hợp. Dự án cũng đặt ra mục tiêu vận động chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa, tăng cường giáo dục môi trường thông qua mô hình Trường học không rác thải, cùng các chính sách thúc đẩy du lịch không rác thải.
* Kết quả đạt được của mô hình Trường học không rác thải mà GreenHub triển khai tại Phú Yên là gì, thưa bà?
- Không rác thải là một trong bốn lĩnh vực hoạt động mà GreenHub lựa chọn nhằm hướng tới “Vì sự phát triển xanh của Việt Nam”. GreenHub tiên phong thúc đẩy áp dụng thực hành không rác thải tại Việt Nam, thông qua đánh giá công tác quản lý chất thải, thiết kế và thực hiện mô hình này trong cộng đồng, doanh nghiệp, đơn vị giáo dục và du lịch. Mô hình Trường học không rác thải ra đời từ ý tưởng muốn tạo dựng hệ sinh thái gồm nhiều bên tương tác chặt chẽ với nhau thông qua giáo dục, dựa trên bằng chứng và trải nghiệm. Dự án cũng chính là nỗ lực chung tay hành động, vì một lối sống xanh.
Dựa trên nguyên tắc 5R (Refuse - Từ chối những gì ta không cần; Reduce - Tiết giảm những gì ta cần và không thể từ chối; Reuse - Tái sử dụng những gì ta tiêu thụ; Recycle - Tái chế; Rot - Ủ những gì có thể), GreenHub đã xây dựng tháp quy trình tiếp cận truyền thông cho thế hệ tương lai gồm 5 bậc: Thông tin - Kiến thức - Nhận thức - Hành vi - Lối sống. Mô hình Trường học không rác thải được GreenHub triển khai tại nhiều địa phương, trong đó có Phú Yên và đạt được nhiều kết quả khả quan. Từ những thông tin, kiến thức được cung cấp, học sinh đã dần thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi và hình thành lối sống xanh. Thành công bước đầu từ mô hình Trường học không rác thải tại Phú Yên là đến nay đã có 13 trường học tham gia xây dựng và phát triển mô hình này, điển hình nhất là Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.
Mô hình thu gom rác thải nhựa tái chế tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: ANH NGỌC |
Sau khi tham gia các lớp tập huấn, giáo dục về môi trường, nhận thức và hiểu biết về chất thải rắn sinh hoạt của học sinh được nâng cao rõ rệt. Từ đó, các em áp dụng kiến thức vào việc phân tách và tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt, hình thành ý thức giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần và sử dụng hiệu quả chất thải hữu cơ để làm phân compost. Nhờ vậy, số lượng rác thải phát sinh tại các trường đã giảm đáng kể, đạt hơn 60%. Đó là kết quả mà mô hình đạt được sau chuỗi hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng được triển khai tại Phú Yên. Tất cả hoạt động này hướng tới mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của giáo viên, học sinh và gia đình; giúp các em làm quen với việc phân loại rác và định hướng về cách xử lý rác hữu cơ sau khi phân loại.
* Vậy kế hoạch thực hiện các hoạt động sắp tới của chương trình thực hành không rác như thế nào, thưa bà?
- GreenHub dự kiến sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp từ nguồn tài nguyên rác cũng như phối kết hợp với chính quyền địa phương xây dựng chính sách nhằm quản lý và giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Cụ thể, GreenHub sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng bộ tiêu chí và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh du lịch xanh nhằm giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng. GreenHub cũng chú trọng các hoạt động truyền thông về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và kết hợp với các trường học để lồng ghép vào chương trình giáo dục.
Việc hỗ trợ, đảm bảo về tính bền vững cho đầu ra của những mô hình, sáng kiến khởi nghiệp từ nguồn tài nguyên rác cũng rất quan trọng. Địa phương cần có chính sách, xây dựng thị trường cho các sản phẩm này sẽ mang lại hiệu quả lâu dài cho các hoạt động về giảm thiểu rác thải nhựa. Để duy trì và giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa hiện nay, việc thúc đẩy truyền thông, giáo dục, đặc biệt là trong thanh thiếu niên, học sinh là không thể thiếu.
* Xin cảm ơn bà!
Theo Sở TN&MT, năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 672 tấn/ngày, khối lượng được thu gom khoảng 485 tấn/ngày, đạt tỉ lệ 76%. Tỉ lệ thu gom được cải thiện đáng kể về chất lượng môi trường, đặc biệt tại khu vực nông thôn. |
ANH NGỌC (thực hiện)