Phú Yên có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, làm giàu từ biển, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tăng nguồn thu ngân sách. Trao đổi với Báo Phú Yên về việc đánh thức các tiềm năng phát triển kinh tế biển của tỉnh, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, ĐBQH khóa XV, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản, cho biết:
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi |
- Phú Yên có bờ biển dài gần 200km với nhiều bãi biển rộng, nước trong xanh, bờ cát mịn. Vùng biển khá đa dạng về chủng loại hải sản, có giá trị kinh tế cao. Phú Yên còn có nhiều di tích, danh thắng về biển đảo rất độc đáo và các lễ hội đặc sắc của ngư dân, tạo nên nét văn hóa riêng, rất thuận lợi cho phát triển du lịch biển.
Đặc biệt, Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được đầu tư hạ tầng tương đối đồng bộ. Ngoài cảng biển Vũng Rô được đầu tư, nâng cấp, Phú Yên còn quy hoạch cảng biển nước sâu Bãi Gốc tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn. Tỉnh cũng có lợi thế vượt trội về biển khi nằm gần đường hàng hải quốc tế cắt qua biển Đông.
* Là người có sự nghiệp gần như gắn bó với biển đảo, qua nhiều năm nghiên cứu về phát triển kinh tế biển, ông có thể nói rõ hơn về kinh tế biển xanh, bền vững?
- Khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nước biển dâng và các biểu hiện biến đổi đại dương thì kinh tế biển xanh là một trong những giải pháp để phát triển bền vững kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Kinh tế biển xanh là việc sử dụng bền vững tài nguyên đại dương, cải thiện sinh kế và việc làm, sức khỏe các hệ sinh thái đại dương.
Suy cho cùng về bản chất, đây là hoạt động lấy môi trường biển làm chất xúc tác, dựa trên việc bảo tồn các nguồn vốn tự nhiên của biển bao gồm các tài nguyên, đặc biệt là các hệ sinh thái đa dạng sinh học biển, kể cả những tài nguyên vi sinh vật. Kinh tế biển xanh phải dựa trên việc áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường khi mình can thiệp vào quá trình phát triển. Nếu như các nguồn vốn tự nhiên không được phục hồi, đang bị suy thoái thì chúng ta phải tiến hành phục hồi để giữ được nguồn vốn này và đem lại giá trị.
* Ông đánh giá như thế nào về hệ sinh thái kinh tế biển Phú Yên hiện nay? Phú Yên cần có những định hướng gì để phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có?
- Thực tế thì tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển của tỉnh chưa được khai thác hiệu quả. Hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển còn thiếu và yếu. Du lịch biển chưa có những sản phẩm đặc trưng, nguồn nhân lực còn hạn chế. Quản lý vùng nuôi trồng thủy sản chưa tốt, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát ở một số địa phương vẫn còn diễn ra. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biển chưa được quan tâm nhiều.
Quan điểm về phát triển kinh tế biển Việt Nam dựa trên nền tảng của phát triển kinh tế biển xanh và phát huy các giá trị văn hóa biển đặc trưng. Những yếu tố này, tôi nghĩ Phú Yên hoàn toàn có lợi thế, bởi tỉnh có những nét văn hóa riêng của miền Trung, của văn hóa biển.
Cảng biển Vũng Rô (TX Đông Hòa) là cảng biển chuyên dụng, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 DWT. Ảnh: NHƯ THANH |
Trong kinh tế biển có nhiều lĩnh vực và du lịch được xem là ngành kinh tế đi đầu. Phú Yên hoàn toàn có cơ sở để tập trung đầu tư vào lĩnh vực này. Phú Yên có bờ biển dài, đảo ít, nhưng có khá nhiều hòn. Đây là yếu tố mang tính hoang dã có thể phát triển nghề cá giải trí. Dọc biển Phú Yên lại có rất nhiều thắng cảnh đẹp, nổi tiếng như: gành Đá Đĩa, đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô… với những tạo hình độc đáo từ thiên nhiên mà hiếm nơi nào có được.
Văn hóa biển Phú Yên gắn chặt với văn hóa nghề cá, đặc biệt là văn hóa nuôi trồng. Nuôi trồng thủy sản phải gắn với công nghệ cao, gắn với du lịch như dịch vụ câu cá giải trí, đánh cá, ngắm cá giải trí chẳng hạn. Chúng ta không nên coi văn hóa trong thời đại ngày nay là động lực tinh thần mà phải gắn văn hóa với phát triển kinh tế để phát triển du lịch cộng đồng.
* Theo ông, Phú Yên cần chú trọng điều gì để phát triển kinh tế biển bền vững?
- Phú Yên nên có định hướng phát triển trong khu vực 6 hải lý tính từ bờ ra biển để phát triển kinh tế biển, nhất là nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, tỉnh cần phân vùng rõ khu vực phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch để tránh xung đột; chú trọng đến phương án phát triển các ngành kinh tế biển mới và năng lượng tái tạo từ biển.
Trong các giải pháp phát triển kinh tế, tỉnh hướng đến ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đảm bảo phát triển xanh và bền vững. Tôi cho rằng, chúng ta phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn. Phú Yên đang có tiềm năng bảo tồn biển rất cao và đây được xem là một công cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn nguồn vốn tự nhiên và tính bền vững của các vùng biển; giúp duy trì và phát triển các ngành kinh tế biển.
* Xin cảm ơn ông!
Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, Phú Yên cần phân vùng rõ khu vực phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch để tránh xung đột; chú trọng đến phương án phát triển các ngành kinh tế biển mới và năng lượng tái tạo từ biển. Trong các giải pháp phát triển, tỉnh cần hướng đến ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đảm bảo phát triển xanh và bền vững. |
NHƯ THANH (thực hiện)