Sở NN&PTNT vừa tổ chức hội thảo tham vấn đề án Phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp. Các chuyên gia chỉ ra những thuận lợi của tỉnh, đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm triển khai nhiều giải pháp hơn nữa để phát triển cây dược liệu theo hướng bền vững trong thời gian tới.
Thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp
Tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Phú Yên có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, phù hợp phát triển cây dược liệu. Một số loại có trữ lượng khá lớn như an xoa, sa nhân, chè dây, chè vằng; một số loài có tiềm năng phát triển như địa liền, hà thủ ô, ba gạc, hoàng đằng…
Theo các chuyên gia, Phú Yên có một phần của dãy Trường Sơn giáp biển Đông (khu vực núi Đá Bia - Mũi Điện), có vùng rừng mưa ẩm nhiệt đới lớn nằm ở phía nam, dãy Chư Rung Gia - La Hiên phía tây và dãy núi Cù Mông phía bắc, thung lũng sông Ba liên thông với vùng Tây Nguyên. Với đặc thù như vậy, tỉnh có nhiều kiểu rừng, nhiều hệ sinh thái như: thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng cây bụi của hệ sinh thái đất cát ven biển, rừng cây bụi núi thấp, rừng mưa ẩm nhiệt đới, rừng khọp... Đó cũng là cơ sở để nhiều loại thực vật quý phát triển trên vùng đất này.
Theo thống kê của ngành Lâm nghiệp tỉnh, trên địa bàn Phú Yên có khoảng 1.450 loài thực vật bậc cao thuộc 761 chi và 177 họ, trong đó có 57 loài quý hiếm, đặc hữu. Đối với cây dược liệu, tỉnh có 213 loài; trong đó, loài đặc hữu của Phú Yên là cam thảo Đá Bia và dược liệu quý có thể kể đến như xáo tam phân, bá bệnh, mã tiền, ba gạc lá to, ba gạc lá nhỏ, vàng đắng, hoằng đằng, bình vôi, sâm cau… Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như quế, ba kích, sa nhân tím, sa nhân đỏ…
Thời gian qua, một số địa phương và các ban quản lý rừng phòng hộ huyện: Đồng Xuân, Sông Hinh, Tây Hòa, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả đã trồng các loại cây dược liệu, bước đầu đạt kết quả khả quan. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, đơn vị này triển khai nhân giống thành công loài dược liệu quý là lan kim tuyến. Đơn vị đang trồng cây lâm sản ngoài gỗ (dưới tán rừng) giai đoạn 2021-2029 với diện tích dự kiến 900ha cây dó gạch và 266ha các loại lan gấm, sa nhân tím, sâm bố chính, quế, dó gạch, dổi.
Tại huyện Tây Hòa, từ năm 2018, xã Sơn Thành Tây trồng thí điểm sâm bố chính với diện tích khoảng 0,5ha. Loại cây này mang giá trị kinh tế, nên từ đó được nhân rộng trên địa bàn các xã: Sơn Thành Đông, Hòa Phú, Hòa Đồng, Hòa Mỹ Tây… Hiện tổng diện tích trồng sâm bố chính tập trung tại thôn Sơn Trường (xã Sơn Thành Tây) là 3ha.
Theo UBND huyện Tây Hòa, tổng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện là 4ha và một số diện tích rải rác ở hộ dân. Ngoài ra, huyện cũng đang phát triển mạnh cây sâm nam, tập trung trên địa bàn xã Hòa Phú với diện tích khoảng 2,5-3ha. Nhiều năm qua, Tây Hòa được xem là kênh cung cấp những loại dược liệu trên cho các công ty ở TP Hồ Chí Minh, qua đó giúp nông dân cải thiện đời sống, phát triển kinh tế.
Nhân giống và phát triển cây lan kim tuyến trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân. Ảnh: NHẬT HUY |
Nhiều ý kiến đóng góp cho đề án
Hội thảo tham vấn đề án Phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp là cơ hội để các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn, tổ chức, nhà khoa học, doanh nghiệp có liên quan cùng nhau bàn luận và đề xuất giải pháp, nhằm phát huy tối đa nguồn lực của Phú Yên trong phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2050.
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay một số loài dược liệu như tắc kè đá, vàng đắng... còn rất ít trong tự nhiên. Nguyên nhân là do quá trình khai thác, sử dụng thiếu bền vững. Do đó, các cấp, ngành liên quan cần sớm có giải pháp để bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu trong lâm phần phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được cấp thẩm quyền phê duyệt. Nhà nước cần có quy định cho phép ban quản lý rừng liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư để bảo tồn và phát triển cây dược liệu.
Ông Trần Quốc Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: “Để tiếp tục bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện trong thời gian đến, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, đánh giá, xác định quy mô vùng trồng dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; tích hợp vùng trồng vào quy hoạch theo quy định hiện hành để làm cơ sở định hướng phát triển; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và hộ gia đình theo chuỗi hành trình sản phẩm từ khâu tạo nguyên liệu, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tiếp tục huy động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp cùng góp vốn tham gia đầu tư thực hiện”.
Các đại biểu từ các huyện Tây Hòa, Sông Hinh mong muốn tăng cường mối liên kết hợp tác “bốn nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông) trong phát triển cây dược liệu, gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong khi đó, đại diện của Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả nhấn mạnh về việc liên kết các nhà đầu tư phát triển, bảo tồn cây dược liệu nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và cung cấp giống dược liệu đảm bảo nguồn gốc, chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất; quản lý chặt các nguồn giống gốc, giống dược liệu có giá trị cao.
Ông Nguyễn Văn Thứng, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh cho rằng, phát triển cây dược liệu là ngành đặc thù riêng, đang có triển vọng, nên ưu tiên, hỗ trợ có tính tập trung để làm hạt nhân phát triển và là cơ sở để nhân rộng.
Còn theo Sở NN&PTNT tỉnh, việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu trong lâm phần phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được cấp thẩm quyền phê duyệt. Nhà nước cần có quy định cho phép ban quản lý rừng liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư để bảo tồn và phát triển cây dược liệu.
NHẬT HUY