Trong sản xuất, các HTX nông nghiệp đạt tỉ lệ cơ giới hóa trên 95%. Khâu chế biến, các HTX bắt đầu tích lũy máy móc, hiện đại hóa dây chuyền hướng tới tự động hóa. Tất cả nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất cho thành viên, tăng thu nhập kinh tế hộ.
Thêm máy móc cho đồng ruộng
Năm 2017, HTX Nông nghiệp An Định (huyện Tuy An) ra đời từ hợp nhất 2 HTX Đông An Định - Tây An Định. Số lượng, chủng loại máy móc của HTX nhờ thế cũng tăng lên với máy cày, máy cắt tăng đơ, máy phun… Tuy nhiên, các phương tiện này đã cũ nên công suất yếu, không đáp ứng yêu cầu sản xuất. Hội đồng quản trị HTX quyết định mua sắm thêm thiết bị hiện đại. Theo ông Lưu Thanh Toàn, Giám đốc HTX này, hiện đơn vị có nhiều máy móc tiên tiến gồm 2 máy cáy Kubota công suất L5018, 1 máy cày bông sen, 3 máy cuộn rơm, 1 máy gặt Kubota DC93, 1 máy gặt liên hợp, phục vụ sản xuất cho bà con. Nhờ đó, HTX đã cơ giới hóa tất cả các khâu từ cày đất, gặt lúa, thu hoạch, cuộn rơm đến vận chuyển lúa và rơm về tận nhà cho bà con. Có máy móc, chi phí sản xuất giảm rõ rệt, sức lao động được giải phóng, bà con có thêm thời gian tăng gia sản xuất hoặc làm thêm những công việc khác. Đặc biệt, nhờ đồng bộ máy móc nên quá trình sản xuất bảo đảm theo quy trình kỹ thuật, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng nông sản.
“Để có được hệ thống máy móc như hôm nay, HTX đã phải tích lũy, đầu tư mua sắm từ năm 2018 bằng nhiều cách như huy động thành viên đóng góp hay tìm nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình ưu đãi. Như máy gặt Kubota DC93, phải tới năm 2020 HTX mới sắm được nhờ kêu gọi thành viên đóng góp. Hay, để có máy cuộn rơm và máy gặt đập liên hợp, HTX tranh thủ nguồn kinh phí ưu đãi từ chính sách của Nhà nước. Thực tế cho thấy, tích lũy phương tiện phục vụ sản xuất là việc làm đúng, bởi nó không chỉ giúp thành viên nâng cao hiệu quả sản xuất, đưa nông nghiệp tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà còn giúp HTX nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng nguồn thu”, ông Toàn chia sẻ thêm.
Nhiều HTX tích cực hỗ trợ thành viên tiếp cận nguồn vốn vay để mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất. Theo ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), thông qua kênh HTX, 12 hộ thành viên được vay ưu đãi hơn 3,4 tỉ đồng mua máy cày, máy gặt đập liên hợp. Có máy móc, các hộ không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn mở dịch vụ trở thành kênh nối dài của HTX trong điều tiết máy móc trên đồng ruộng.
Đầu tư cho chế biến
Sẽ không có sản phẩm dầu đậu phộng Xuân Phước nếu HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) không đầu tư dây chuyền tách vỏ, ép dầu đậu phộng; cũng sẽ không có các sản phẩm khóm sấy, nước ép khóm, bánh khóm… nếu HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa) không trang bị hoàn chỉnh quy trình gồm máy ép, máy sấy, máy đóng gói… để chế biến trái khóm thô thành sản phẩm thương mại. Theo Liên minh HTX tỉnh, hiện toàn tỉnh có 10 HTX đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại để tạo ra 22 sản phẩm mang thương hiệu HTX. Mỗi loại máy HTX đầu tư có giá từ 10 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng. Ngoài kinh phí tự bỏ ra, các HTX còn tranh thủ được nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình ưu đãi của Liên minh HTX Việt Nam, của UBND tỉnh… Dây chuyền chế biến hiện đại đang góp phần tạo nên giá trị cho thương hiệu các loại nông sản truyền thống địa phương như sen, khóm, măng, lúa, gạo…
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din, chia sẻ: Khi mới bắt đầu chế biến, HTX chỉ có lò sấy loại nhỏ, máy hút chân không để đóng gói nên vẫn làm thô sơ. Đến khi được Liên minh HTX Việt Nam cho vay hỗ trợ gần 1 tỉ đồng mua máy ép, máy sấy công suất lớn thì mọi quy trình mới thực sự được tự động hóa. Có máy móc, HTX không chỉ đáp ứng được những đơn hàng số lượng lớn mà các sản phẩm làm ra cũng đảm bảo thời gian cũng như định lượng được các chỉ số theo tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Nhờ cơ giới hóa, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh làm tốt khâu quản lý sản xuất, được bà con tin dùng dịch vụ. Nhờ tự động hóa, nhiều sản phẩm mang thương hiệu HTX đã ra đời, thúc đẩy HTX gia nhập thị trường. Đây cũng là 2 bước quan trọng để HTX tiếp cận gần hơn với công nghệ số. Quá trình trưởng thành này của HTX đã khẳng định thành phần kinh tế tập thể có đủ năng lực để trở thành đơn vị nòng cốt trong phát triển kinh tế nông thôn.
Không có nguồn vốn lớn để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống máy móc ngay từ đầu, nên HTX phải cố gắng tích lũy theo từng năm. Thực tế cho thấy, tích lũy phương tiện phục vụ sản xuất là việc làm đúng, bởi nó không chỉ giúp thành viên nâng cao hiệu quả sản xuất, đưa nông nghiệp tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn giúp HTX nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng nguồn thu.
Ông Lưu Thanh Toàn, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Định (huyện Tuy An) |
BẠCH VÂN