Theo kế hoạch phát triển ngành Dệt may và Da giày Phú Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 của UBND tỉnh, Phú Yên đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày bình quân giai đoạn 2023-2030 đạt 10,45%/năm.
Đến năm 2025, thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp ngành này đạt trên 90% mức thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước và phấn đấu giảm dần khoảng cách với mức bình quân chung cả nước. Đến năm 2030, phấn đấu thu nhập của lao động ngành Dệt may và Da giày đạt tương đương mức thu nhập của lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần khoảng cách với mức thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước.
Ngoài ra, mục tiêu giai đoạn 2031-2035, tỉnh tiếp tục cải thiện tỉ lệ nội địa hóa trên cơ sở thúc đẩy đầu tư nguyên phụ liệu đáp ứng nhu cầu phát triển, sản xuất các sản phẩm dệt may và da giày trong nước, giảm nhập khẩu; phấn đấu thu nhập bình quân của lao động trong doanh nghiệp ngành này đạt tương đương và cao hơn thu nhập bình quân chung của lao động trong doanh nghiệp cả nước.
Nhằm hỗ trợ ngành Dệt may và Da giày Phú Yên phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất và đạt mục tiêu đề ra, định hướng của UBND tỉnh là tiếp tục thu hút đầu tư phát triển ngành may theo hướng phục vụ xuất khẩu; tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao; kết hợp đáp ứng nhu cầu trong nước với mẫu mã, chất lượng, giá cả phù hợp với sức mua của người tiêu dùng.
Liên quan đến công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt may và Da giày, UBND tỉnh khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu cho ngành Dệt may và Da giày để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa; nghiên cứu khả năng sản xuất các sản phẩm từ hóa dầu (xơ, sợi, hóa chất...) phục vụ cho ngành Dệt may. Đồng thời thu hút đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành Da giày, trừ các sản phẩm mà quá trình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như da thuộc, vải giả da, hóa chất thuộc da... Cùng với đó là hình thành các cụm công nghiệp phía tây của tỉnh để thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt may và Da giày phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.
UBND tỉnh cũng đề ra một sốnhiệm vụ, giải pháp để ngành Dệt may và Da giày Phú Yên phát triển, hoạt động đúng định hướng, trong đó có giải pháp về tổ chức quản lý; cơ chế tài chính, thuế, nguồn vốn; phát triển thị trường; thu hút đầu tư và phát triển chuỗi giá trị trong nước; phát triển nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới khoa học, công nghệ và phát triển bền vững, xanh hóa ngành Dệt may và Da giày.
KHANG ANH