Thứ Sáu, 17/05/2024 14:36 CH
Hướng đến đô thị thông minh bền vững
Thứ Bảy, 10/06/2023 13:00 CH

Trưởng các khu phố ở TP Tuy Hòa nắm bắt và triển khai công việc cấp trên giao tới từng hộ dân thông qua nhóm zalo khu phố. Ảnh: CTV

Các đô thị của tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi số để cung cấp tiện ích cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, so với yêu cầu về phát triển đô thị thông minh trong đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, các đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng đủ.

 

Tăng tiện ích từ chuyển đổi số

 

TP Tuy Hòa là đô thị tiên phong trong tiếp cận các tiện ích của đô thị thông minh thông qua chuyển đổi số. Theo UBND TP Tuy Hòa, để đồng bộ cả ba mặt chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, thành phố xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính, tăng năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho cư dân đô thị với thông điệp mỗi người dân là một công dân số. Hiện 100% xã, phường xây dựng Cổng thông tin điện tử, có phòng họp trực tuyến và kết nối với UBND thành phố trong hệ thống quản lý văn bản điều hành.

 

Cùng với đó, người dân cũng đã tiếp cận nhiều hơn với các tiện ích hành chính qua mạng internet như gửi phản ánh kiến nghị tới chính quyền các cấp, hoàn tất thủ tục giấy tờ… Ngày hội chuyển đổi số vừa qua, thành phố có 2.481 người làm căn cước công dân, định danh điện tử; 1.500 người mở tài khoản thanh toán và dịch vụ ngân hàng điện tử; các dịch vụ khác như bảo hiểm xã hội điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử cũng thu hút hơn 450 người cài đặt…

 

Tại TX Sông Cầu và TX Đông Hòa, ngoài cổng thông tin điện tử, sự tương tác giữa chính quyền các cấp với người dân được kết nối 24/24 giờ thông qua các nhóm zalo, mạng xã hội. Người dân bắt đầu quen với việc quét mã QR để đánh giá cán bộ khi giải quyết thủ tục hành chính. Quá trình cài đặt VNeID (định danh điện tử), VssID (bảo hiểm xã hội)… được triển khai sâu rộng tới các thôn, xóm, khu phố. Theo ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, 100% văn bản đi của thị xã được ký số và gửi qua trục liên thông văn bản cấp trên; 100% cơ quan hành chính nhà nước từ thị xã đến các xã, phường triển khai phần mềm một cửa điện tử phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; hơn 700 tài khoản thư điện tử và hàng trăm chứng thư cá nhân được cấp… Tất cả nhằm rút ngắn thời gian tiếp nhận và xử lý các vấn đề của người dân.

 

Đặc biệt, bộ não của đô thị thông minh là Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Tuy Hòa (IOC Tuy Hòa) đi vào hoạt động gần 1 năm qua, đánh dấu bước tiến mới trong công tác chuyển đổi số và đặt dấu mốc quan trọng cho đô thị trung tâm của tỉnh trong việc tham gia phát triển đô thị thông minh bền vững. Ông Nguyễn Khoa Khang, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Tuy Hòa cho biết: IOC Tuy Hòa tạo ra sự kết nối nhanh, trực tiếp giữa chính quyền với người dân trong việc giải quyết các vấn đề đô thị. Các vấn đề phát sinh trong đời sống của cư dân đô thị như xả thải ra môi trường, xây dựng trái phép, đường hư hỏng, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, nắp cống hỏng, đậu xe không đúng nơi quy định, nước đọng… đều được trung tâm ghi nhận, xử lý nhanh nhất.

 

Người dân tra cứu thông tin tự động tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của TP Tuy Hòa. Ảnh: MINH DUYÊN

 

Còn nhiều việc phải làm

 

“Các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất trong phát triển đô thị thông minh, gồm giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, dịch vụ công thông minh, hành chính công và chính quyền điện tử, du lịch thông minh. Hiện nay, IOC Tuy Hòa giúp điều khiển tự động hệ thống đèn chiếu sáng, qua đó tiết kiệm điện cho chiếu sáng công cộng; tích hợp vào hệ thống camera giao thông và an ninh để phát hiện các trường hợp vi phạm giao thông, phá hoại, trộm cắp các công trình công cộng trong nội thị. Đồng thời, IOC còn tập hợp và thống kê số liệu kinh tế xã hội, y tế, giáo dục… giúp mang tới lượng thông tin nền căn bản cho người dân và các nhà đầu tư. IOC đang từng bước được hoàn thiện để tích hợp thêm một số hạng mục quan trọng như đánh giá và xử lý ô nhiễm môi trường, cẩm nang du lịch… Trong đó, du lịch thực tế ảo sẽ hỗ trợ đắc lực cho du khách và người dân trong việc lựa chọn địa điểm, sản phẩm du lịch địa phương”, ông Khang cho biết thêm.

 

Theo đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, phát triển đô thị thông minh trong giai đoạn hiện nay, gồm quy hoạch đô thị thông minh, xây dựng và quản lý đô thị thông minh, cung cấp tiện ích đô thị thông minh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT. Phú Yên là 1 trong 15 tỉnh, thành phố trên cả nước chưa triển khai, xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Tỉnh đang trong quá trình hoàn thiện, từng bước hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh có 18 đô thị, trong đó có 1 đô thị thông minh trung tâm cấp tỉnh.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek